Những lời đồn thổi trong giới rà phế liệu khẳng định: Năm 2009, ông Đ. đã trúng một ruột tượng vàng thỏi nặng hàng kilogam. Lời đồn đó đến hôm nay vẫn chưa bao giờ được gia chủ xác nhận. Nhưng nếu không phải là vàng, người ta chẳng thể nào giải thích sự đổi đời chỉ sau một đêm của người đàn ông ba đời nghèo khó, hơn nửa đời chỉ biết quần quật làm ruộng và rà phế liệu mưu sinh?
Vận may bất ngờ
Câu chuyện về hành trình đổi đời của ông Đ. lâu nay vẫn được xem là một giai thoại của dân rà phế liệu tỉnh Phú Yên. Báo chí chưa từng biết đến người đàn ông may mắn ấy. Bởi sau một đêm từ gã nghèo kiết xác trở thành đại gia, ông Đ. từng xây căn nhà khang trang rồi dẫn vợ con bỏ đi biệt tích một thời gian.
Khi biết PV thực hiện loạt bài viết này, một người bạn vô tình biết đến câu chuyện đã cung cấp cho chúng tôi địa chỉ. Rất vất vả lần theo đầu mối thông tin duy nhất này, người viết đã tìm được ngôi nhà của ông Nguyễn Tấn Đ. (xã Hoà Xuân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), người được cho đã trúng cả bao ruột tượng chứa hàng ký vàng khi rà phế liệu tại khu vực gần Quốc lộ 25, thuộc địa phận xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa, Gia Lai).
Ngôi nhà ông Đ. xây dựng sau khi nhặt được vàng.
Khi chúng tôi tìm đến liên hệ, ông Đ. không có nhà. Cậu con trai được cử trông nom nhà cửa đã từ chối cung cấp thông tin (Sau này, chúng tôi mới biết lý do gia đình ông Đ. ngại tiếp xúc với người lạ - PV). Đành phải đi đường vòng tìm hiểu câu chuyện, chúng tôi được những người dân kể khá tường tận về hoàn cảnh ông Đ.
Trước khi nhặt được vàng, cuộc sống gia đình ông Đ. bữa đói bữa no. Ngay mái nhà lợp tôn xộc xệch, mưa phải mang cả chậu nước vào hứng, ông Đ. cũng chẳng đào đâu ra tiền tu sửa. Để lo cuộc mưu sinh, ông Đ. phải cùng vợ con quần quật làm lụng, ngày mùa ruộng nương, lúc nông nhàn thì chuyển sang rà phế liệu. Thế rồi cách đây mấy năm, người dân nơi đây bỗng nhiên thấy gia đình ông Đ. lên đời một cách nhanh chóng. Từ chỗ ăn chưa đủ no, mặc không đủ ấm, gia đình ông Đ. bỗng dưng thuê người đào mương quanh nhà, nuôi chó dữ và hạn chế quan hệ với hàng xóm. Chưa hết, gia đình này còn ùn ùn ra thịt rấn mua xi măng, sắt thép, đá hoa cương về xây nhà.
Ngày ấy ở xã này, nhà hai tầng lát đá hoa vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, người ta bắt đầu đặt dấu hỏi về sự giàu có đột ngột của gia đình ông Đ. Ngoài tiền xây nhà, người ta còn sửng sốt hơn khi thấy vợ chồng ông Đ. mua cho con cháu toàn xe máy tay ga, mỗi chiếc hơn 40 triệu đồng để đi lại. Con đường liên xã ngày ấy còn chưa đổ bê tông. Để có xăng xe chạy hằng ngày dạo chơi quanh thôn, gia đình ông Đ. còn tự mua dự trữ hàng chục lít xăng mang về để dùng dần. Ngôi nhà khang trang của gia đình này khiến những người giàu có nhất vùng ngày ấy nằm mơ cũng không dám nghĩ tới.
Thời gian ông Đ. xây nhà, hàng trăm người dân ở thôn, ở xã và các vùng kế cận đã kéo đến thăm hỏi. Nhưng những cuộc “moi tin” rốt cuộc đều không có câu trả lời thỏa đáng. Họ cho biết, người trong gia đình ông Đ., dù già hay trẻ, đều kín như bưng. Trước câu hỏi lấy đâu ra tiền xây nhà to, mua xe đẹp (?), lúc đầu họ trả lời “do ông cha để lại của cải”, khi thì nói rằng “vợ chồng ông Đ. đi làm tích cóp được”. Dĩ nhiên là bà con chẳng ai tin câu trả lời ấy, bởi họ thừa biết nhà ông Đ. mấy đời cư ngụ ở đây đều nghèo mạt rệp. Câu chuyện nhà ông Đ. bỗng nhiên giàu có vì thế trở thành điều bí ẩn cần giải mã của không ít người.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi gặp ông T. (xin giấu tên) – một người cùng rà phế liệu với ông Đ. trong cái ngày may mắn ấy. Ông T. kể lại: “Hôm đó, cả nhóm đang rà phế liệu ở một con suối nhỏ cách Quốc lộ 25 khoảng 40m thì máy của ông Đ. bỗng reo. Thấy ông ấy hì hụi đào xuống lớp cát rồi lôi lên một cái bao ruột tượng vải, ai nấy cũng chẳng buồn để ý. Nhưng khi ông Đ. lôi ruột tượng lên bờ rồi kéo vào một lùm cây, dáng điệu thậm thụt thì một vài người dưới suối bèn cất tiếng hỏi: “Bộ bắt được vàng hay sao mà giấu kỹ vậy cha?”. Nghe thấy mọi người hỏi, ông Đ. gạt đi. Rồi mươi phút sau, ông ấy bất ngờ kêu đau bụng và thu dọn máy móc, cất ruột tượng vào bao tải vác về. Rồi hai ngày sau, tôi nghe nói ông Đ. phá nhà cũ đi mua gạch, đá hoa về chuẩn bị khởi công nhà mới. Con cái thì được ông ấy mua cho xe tay ga đắt tiền. Nếu không trúng vàng thì quả thật không thể lý giải được sự lên đời quá chóng vánh như vậy”.
Nhiều người dân đi rà phế liệu vẫn ước tìm được vàng để đổi đời.
Hành tung bí ẩn của người đàn ông may mắn
Tận mắt nhìn thấy gia đình ông phất lên, rồi chắp nhặt giai thoại về chuyện đoàn người di tản năm 1975 sau khi Mỹ - Ngụy thất thủ tại Tây Nguyên, không ít kẻ săn tìm kho báu đã đổ xô về khu vực gần Quốc lộ 25 tìm cơ hội.
Cho đến thời điểm PV về địa phương tìm hiểu câu chuyện, dọc Quốc lộ 25 từ Ayun Pa (Gia Lai) xuống tới thị trấn Củng Sơn (Sơn Hòa, Phú Yên) vẫn đang là “miền đất vàng” thu hút những người có tham vọng đổi đời. “Họ nhịn đói, thức trắng đêm lật từng cục đá để tìm kiếm. Ban đầu, người dân ở đây không cho ai biết chuyện gì, hỏi họ cũng chỉ im lặng hay rì rầm với nhau mà thôi. Cuối cùng cũng lộ ra là họ đi tìm vàng!”, bà Trần Thị Mến, người dân buôn Ea Chà Rang (Krong Pa, Gia Lai) kể lại.
Trao đổi với chúng tôi, Ông Hà Văn Vinh – Phó Chủ tịch xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa, Gia Lai) - cho biết: “Những người từng trúng vàng bây giờ đều có cuộc sống khá giả, xây nhà, mua xe, đổi nghề nhưng cuộc sống tinh thần của họ cũng bị đảo lộn. Trường hợp ông Đ. tôi cũng có biết. Khi xây nhà, mua xe chỉ sau một đêm, gia đình ông ấy từng bị hàng trăm người hiếu kỳ đến làm phiền. Có thời gian, ông ấy phải dắt díu vợ con bỏ cả ngôi nhà khang trang ấy để chạy trốn những kẻ bặm trợn, suốt ngày đến quậy phá, xin đểu. Vì chuyện này, mấy cán bộ bên xã Hòa Xuân Đông đã từng xuống đề nghị giúp đỡ nhưng ông Đ. nhất quyết từ chối. Sau này, mọi chuyện dần dần bình yên trở lại, song ông ấy cũng ít khi ở nhà lắm”.
Theo vị cán bộ xã Chư Ngọc, ông Đ. hiện đã bỏ nghề rà phế liệu. Mỗi tháng hai lần, vợ chồng ông lại dắt díu nhau đi mấy chục cây số lên Krong Pa (Gia Lai). Mỗi chuyến đi như vậy thường kéo dài vài ba ngày, có khi cả tuần lễ hai người mới trở về. Mỗi khi có ai đó nhắc tới chuyện trúng vàng, ông Đ. lại gạt đi, hoặc lảng sang chuyện khác. Đó là lý do chúng tôi nán lại xã Hòa Xuân Đông suốt hai ngày, ngược xuôi lên tận khu vực ông Đ. từng phát hiện vàng nhưng vẫn không gặp được nhân vật may mắn này. Con trai ông Đ., có lẽ được cha dặn trước không tiếp xúc người lạ, nên lúc nào cũng khóa kín cửa nhà.
“Năm năm qua, cuộc sống gia đình ông Đ. cứ thầm lặng trôi qua như vậy. Nghe nói, họ có rất nhiều tiền gửi ngân hàng nên cuộc sống vật chất cũng không phải lo nghĩ gì. Tôi cũng mừng cho ông Đ., bởi thoát nghèo nhờ may mắn tìm được vàng dưới lòng đất thì cũng không có gì là xấu cả. Chỉ mong, những người dân đừng vì câu chuyện hy hữu này mà tiếp tục đào xới, phá hoại thiên nhiên”, ông Vĩnh đúc kết.
Cơn sốt tìm vàng gần khu vực Quốc lộ 25 đến giờ vẫn chưa chấm dứt. Nhưng không giống như ông Đ., những người lao vào cơn sốt vàng trên Quốc lộ 25 hầu như chỉ tìm được toàn mảnh bom, vỏ đạn. Nhiều người rà phế liệu do nhiều ngày lặn lội trong rừng sâu đã bị nhiễm sốt rét ác tính, rơi vào cảnh thập tử nhất sinh trong bệnh viện. Đại diện chính quyền xã Hòa Xuân Đông cho biết: “Chính quyền đã vận động bà con không nên lao theo cơn sốt vàng một cách mù quáng. Đồng tiền làm ra bằng sức lao động mới là đồng tiền bền vững nhất”. | |
Theo Tiêu Dao – Dương An (Đời sống & Hôn nhân)