Tin mới

Người đầu tiên tiếp cận bé gái rơi xuống giếng kể quá trình giải cứu

Thứ tư, 05/08/2015, 19:44 (GMT+7)

Khi tôi tiếp cận gần với cháu bé, con bé liền la lên “Chú ơi, cứu con với, con nhức tay quá", rồi nó la khóc, lúc này tôi càng nóng ruột hơn, tôi cùng các anh em liền tức tốc đào nhanh hơn...

Khi tôi tiếp cận gần với cháu bé, con bé liền la lên “Chú ơi, cứu con với, con nhức tay quá", rồi nó la khóc, lúc này tôi càng nóng ruột hơn, tôi cùng các anh em liền tức tốc đào nhanh hơn...

[mecloud]lQKoOh5Jzi[/mecloud]

Sự việc hi hữu xảy ra với cháu Nguyễn Trần Tú Anh (sinh năm 2008, trú xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) vào ngày 4/8, khi đi ra bãi đất trống gần nhà chơi, không may cháu đã bị lọt xuống giếng khoan và mắc kẹt suốt hơn 8h đồng hồ dưới lòng đất. Hàng trăm chiến sĩ cảnh sát đã được huy động tới hiện trường để giải cứu cháu bé. Trong đó, có một đội thợ đào giếng trực tiếp đào và tiếp cận đưa được cháu bé lên trên an toàn trước sự vui mừng của hàng trăm người dân. Họ được tung hô là những người hùng, ân nhân đã mang lại sự sống cho cháu bé.

Nhân chứng kể lại quá trình tiếp cận và giải cứu cháu bé

Chiều ngày 5/8, PV báo Người đưa tin đã tìm và liên lạc với anh Trần Lê Phương (32 tuổi, quê Tây Ninh, làm nghề đào giếng) là người trực tiếp đào sâu và tiếp cận đầu tiên đưa bé Tú Anh lên bờ để nghe về quá trình anh và mọi người giải cứu cháu bé 7 tuổi bị rơi xuống giếng khoan hàng chục mét.

Căn nhà trọ của anh Phương nằm sâu trong một con hẻm nhỏ tại phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương. Gia cảnh của anh Phương cũng không được khá giả, anh hiện đang sống chung với gia đình bên vợ, anh có 2 người con, anh Phương là người lao động chính trong gia đình.

Tiếp xúc với PV, nghe chúng tôi gọi anh là người hùng, anh chỉ cười và bảo: “Tôi có làm được gì đâu, đó là công của cả đội thợ đào giếng và những chiến sĩ cảnh sát, ai cũng quyết tâm cứu cháu bé, tôi cũng mang sức của bản thân mong cháu bé Bình An”.

Hiện trường nơi cháu bé bị rơi xuống giếng

Kể về quá trình anh cùng các đồng nghiệp có mình có mặt để cứu cháu bé, anh Phương trầm ngâm: "Hôm qua (ngày 4/8), khoảng 9h30, chú vợ của tôi gọi điện thoại cho tôi và nói chuyện rất khẩn cấp, kêu tôi phải lên ngay lập tức để cứu cháu bé. Khi tôi lên tới hiện trường, tôi thấy mẹ cháu bé gào khóc. Tôi và chú tôi hiểu được nỗi lòng của những người làm cha mẹ nên quyết tâm giúp đỡ gia đình cháu bé".

"Lúc này, tại hiện trường có một máy múc đang múc đất để xuống tới chỗ cháu bé, tôi nói với họ rằng, nên ngừng việc móc đất, hãy để chúng tôi đào xuống cứu bé, nếu cứ đào bằng máy sẽ có khả năng sụt đất, gây ngạt cho bé. Trong quá trình móc bằng máy vừa lâu lại tốn thời gian, cháu bé còn nhỏ sức chịu đựng không cao nên càng chậm trễ thì càng nguy hiểm" - anh Phương cho biết.

Sau khi máy múc múc khoảng hơn 6m đất, anh Phương và 4 người trong nhóm thợ đào giếng bắt đầu đào một hố sâu song song với hố giếng nơi cháu bé bị rơi và mắc kẹt.

"Chúng tôi thay phiên nhau đào, cứ 2 người xuống dưới, rồi 2 người lên trên nghỉ ngơi. Đất chúng tôi đưa lên, phía trên có các chiến sĩ PCCC, túc trực đưa đất lên bờ" - anh Phương kể.

Anh Phương kể lại quá trình đào và tiếp cận bé Tú Anh

Quá trình đào sâu xuống phía dưới được đội thợ đào giếng thực hiện nhanh chóng, nhưng càng sâu thì không khí càng ít, khiến ngực anh Phương khó thở, anh Phương phải cầm theo quạt gió để tạo khí ô xi, lấy sức tiếp tục đào đất cứu cháu bé. Lúc này, khu vực trên không có điện, chỉ có máy phát, đội thợ phải cố gắng hết sức để nhanh chóng tới nơi cháu bé bị mắc kẹt.

Anh cũng cho biết, độ sâu của chiếc giếng trên khoảng trên 70m, nên việc xác định cháu bé nằm ở đoạn nào và phải đào ra sao cho đúng để không ảnh hưởng tới cháu bé cũng khá khó khăn. May mắn, đội thợ của anh Phương đều là thợ lành nghề, nên biết cách đào và tạo khoảng cách để giải cứu cháu bé.

Trong quá trình đào, nhóm của anh Phương phải dùng dao đẩy đất qua một bên, khoét những lỗ rộng để đảm bảo sự an toàn và tạo ô xi cho cháu bé thở.

Đội thợ đào giếng của anh Phương nỗ lực liên tục đào để giải cứu cháu bé

Khi đào tới độ sâu khoảng 12m thì anh Phương bắt đầu cảm nhận được cháu bé đang ở rất gần mình nên anh cùng đồng đội liên tục đào để nhanh chóng tới nơi cháu bé.

Anh Phương bùi ngùi kể: "Tôi thấy cháu la lớn và đòi lên, tôi xót ruột lắm, cầu trời khấn phật cho chúng tôi nhanh chóng tiếp cận được cháu bé. Có những lúc quá ngột ngạt và khó thở, lại bị áp lực từ phía các chiến sĩ PCCC thúc giục, tôi tức giận bảo “Các anh có giỏi thì xuống mà đào”, nhưng nghĩ đến cháu bé chúng tôi không thể nào dừng lại.

Khi đào qua độ sâu hơn 12m tôi thực sự vỡ òa, khi nghe và cảm nhận thấy cháu bé đang rất gần với mình. Tôi cùng đồng đội nhanh chóng đào thêm thì tôi phát hiện thấy cháu bé. Khi đó tôi nói với cháu bé: “Cháu ráng lên, chờ chút nữa nhé chú tới nơi rồi”.

May mắn thay, cháu bé bị mắc lại ở độ sâu khoảng hơn 12m, nếu rớt xuống tầng nước thì có thể là tính mạng cháu bé đã không còn. Khi tôi tiếp cận cháu bé, phần đầu của cháu bé chạm và mắc kẹt vào một viên đá, phần mặt áp vào ống nhựa của giếng nước, tay thì đã được giữ bởi dây của lực lượng cứu hộ.

Thực sự nếu không có viên đá, thì cháu Tú Anh đã có thể rơi xuống tầng nước và không thể nào đào xuống được".

Cảm xúc vỡ òa khi chạm được vào người cháu bé

"Mỗi lúc tôi càng tiếp cận gần hơn với cháu Tú Anh, con bé cũng cảm nhận được tôi đang ở gần nên con bé liền la lên: “Chú ơi, cứu con với, con nhức tay quá", rồi cháu la khóc, lúc này tôi càng nóng ruột hơn, tôi cùng các anh em đào tức tốc mỗi lúc mỗi nhanh để tới với cháu bé. Thực sự, cứu cháu bé chúng tôi không biết mệt là gì.

Lúc đó, tôi và đồng đội càng hăng say hơn, đặc biệt là chú của tôi, ông đã 50 tuổi, nhưng hôm nay ông chung sức đào với tôi mà không nghỉ mệt, ông miệt mài đào, trong đầu và miệng ông luôn nói, cố lên, phải cứu cháu bé, phải nhanh lên mới được. Thực sự chúng tôi quan niệm cháu bé như con cháu trong nhà nên phải gắng hết sức để cứu được cháu" - anh Phương trải lòng.

Hàng trăm người mong chờ giây phút Tú Anh được cứu ra ngoài

Anh Phương kể tỉ mỉ về quá trình giải cứu: "Sau khi đào thêm được 1 đoạn, tôi bắt đầu dùng tay để đào 1 hốc nhỏ khoảng 10cm, để đưa được tay vào bên trong. Tôi đưa tay xung quanh thì chạm được vào người cháu bé. Trời đất, lúc đó tôi mừng lắm, nhưng cũng rất bình tĩnh, tôi dùng tay tiếp cận đầu của cháu bé để cháu tránh bị đá chạm vào phần mặt. Và dùng phương pháp đào tiếp lỗ hỗng từ dưới chân lên để dễ dàng ôm được cháu.

Thực sự tôi hồi hộp lắm, tôi luôn miệng nói chú tới rồi, cháu cố lên chút nữa, rồi sau đó tôi ôm được con bé vào lòng mình, cảm xúc khi đó thật khó tả. Lúc này bên dưới ngột ngạt nhưng khi đó tôi thấy người mình nhẹ nhõm hẳn.

Để tránh cháu bị ngộp, tôi đã để cháu lên vai và đưa cháu lên bờ, khi vừa lên tới bờ tôi mệt rã rời, dường như tôi không thể thở nổi, có lẽ vì quá mệt và vì quá vui mừng. Chúng tôi đã cứu được cháu bé ra ngoài".

Niềm vui vỡ òa khi cứu được cháu bé mặc kẹt tại giếng nước sâu gần 100m

Khi cháu Tú Anh được đưa lên bờ, hàng trăm người dân xung quanh vỡ òa cảm xúc, tung hô vui mừng vì cháu được cứu thoát mọi lo lắng dường như tan biến. Cuối cùng thì bé an toàn trở lên. "Thật may mắn, cảm ơn vì cháu bé đã cố gắng bám trụ với chúng tôi, Tú Anh là một cô bé dũng cảm", anh Phương xúc động nói.

Cùng sáng 5/8, Tú Anh được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, tình trạng sức khỏe của bé hiện đã ổn định, thế nhưng tâm lý vẫn còn hốt hoảng vì sự việc xảy ra với bản thân mình.

Phùng Sơn

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news