Sau khi bị từ chối vì hồ sơ bản photo, không có giá trị pháp lý, ngày 4/4, đã có một người đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế đem 2 bộ hồ sơ gốc của 2 cây khủng như "quái thú".
Theo tin tức từ Dân Trí, người đàn ông đã đến làm việc tại Phòng Thanh tra & Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế vào sáng 4/4. Người này đã xuất trình 2 bộ hồ sơ gốc của 2 cây “quái thú”.
Riêng bộ hồ sơ thứ 3 của cây “quái thú” thứ 3 sẽ được đem đến sau.Theo hồ sơ, các cây “quái thú” này được chở về Thạch Thất, Hà Nội.
Hiện Phòng Thanh tra & Pháp chế thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa thông tin gì về vấn đề này.
Người nhận là chủ cây "siêu khủng" đã đem hồ sơ gốc đến làm việc với kiểm lâm. Ảnh NLĐ |
Trước đó, Tuổi trẻ cho hay, sáng ngày 3/4, ông Đặng Văn Kiệm, trưởng phòng thanh tra pháp chế thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết có người tự xưng là chủ ba cây "siêu khủng" cầm theo hai bộ hồ sơ đến xin làm việc với đơn vị này.Tuy nhiên, cơ quan kiểm lâm đã từ chối làm việc với người này vì hai bộ hồ sơ trên là bản photo, không có giá trị pháp lý.
Ông Kiệm yêu cầu người này phải đem bộ hồ sơ gốc đến thì mới chấp nhận làm việc. Danh tính của người đến nhận cây không được phía kiểm lâm tiết lộ.
Hiện Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế đã lập biên bản tạm giữ ba cây trên để chờ làm rõ nguồn gốc và cử người túc trực 24/24.
Phía kiểm lâm cũng cho biêt sẵn sàng làm việc với chủ cây bất kỳ lúc nào nếu có đầy đủ hồ sơ chứng minh.
Theo thông tin từ bản photo của người tự xưng là chủ của 3 cây "siêu khủng" đến xin làm việc với Chi cục kiểm lâm Thừa Thiên - Huế có nhiều giấy tờ như đơn xin vận chuyển, bản đăng ký khai thác, biên bản xác minh...
3 cây "siêu khủng" trên được xác định là cây đa sộp.
Cụ thể, cây đa sộp thứ nhất được khai thác từ đất nông nghiệp của ông Phạm Đình Thướng ở xã EaPil, huyện M’Đrăk, Đăk Lăk. Cây này có đường kính gốc 1,8m, ngọn 65cm, dài 8m, khối lượng 9,043m3.
Ông Thướng cho biết khai thác cây đa này để tặng một người tên Lương Anh Tuấn đưa về xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Hai cây còn lại được khai thác tại vườn nhà ông Yô Na Buôn Ya, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, Đăk Lăk. Hai cây này có cùng đường kính 1,4m, cao 12m và được bán cho ông Đinh Công Quân (trú huyện Thạch Thất, Hà Nội) để đưa về một ngôi chùa tại huyện này làm bóng mát.
Được biết, đơn xin vận chuyển của ông Quân đã được UBND xã Ea Hồ xác nhận.
Hà Trang (tổng hợp)