(Tinmoi.vn) "Cô bán cho tôi một chiếc mũ bảo hiểm với giá 700.000 đồng và tôi nghĩ với giá như thế này, chất lượng sẽ tốt. Tuy nhiên sau hai tuần, mũ bảo hiểm đã bị hỏng và tôi nhận ra rằng cô “mặt thân thiện” đã bán cho tôi giá cao hơn nhiều so với giá bình thường", một chuyên gia nước ngoài làm việc ở Thái Bình chia sẻ một lần mua hàng "hớ".
Trước khi tôi chuyển đến Thái Bình sinh sống tôi đã có suy nghĩ rằng chắc hẳn cuộc sống ở đây sẽ rất lãng mạn. Vì Thái Bình là một chỗ rất nhỏ, mọi người có thể biết về nhau. Mọi ngày ai cũng cười to và kêu tên của bạn khi gặp. Một cuộc sống thân thiện và yên bình lắm.
Khi bắt đầu sống ở đó, tôi đã cảm thấy rất thú vị. Cả ngày có thể phiêu lưu và khám phá. Tôi có thể đi tìm một quán cafe cực kỳ dễ thương và yên tĩnh, hay gặp một người già biết về nhiều thứ và có thể chia sẻ kinh nghiệm của ông ấy 1 cách thân thiện, thoải mái.
Ảnh minh họa
Nhưng những ngày tháng tốt đẹp ấy đã chấm dứt sau một lần tôi mua mũ bảo hiểm “hớ”. Hôm đó, tôi bị mất mũ bảo hiểm và phải tìm mua một mũ bảo hiểm mới. Tôi nhìn thấy một cửa hàng nhỏ với một cô chủ thân thiện đang làm việc. Cô bán cho tôi một chiếc mũ bảo hiểm với giá 700.000 đồng. Lúc ấy tôi nghĩ rằng: “Trong một thành phố nhỏ đẹp và thân thiện như Thái Bình, họ sẽ bán đúng giá. Mua chiếc mũ với giá như thế này chất lượng sẽ tốt". Tuy nhiên sau hai tuần, mũ bảo hiểm đã bị hỏng và tôi nhận ra rằng cô “mặt thân thiện” đã bán cho tôi giá cao hơn nhiều so với giá bình thường.
Khoảng thời gian sau đó, nhiều hành vi ứng xử của một số người dân ở đây khiến tôi thay đổi những suy nghĩ tốt đẹp ban đầu. Tôi thấy nhiều sự khác biệt giữa người dân ở đây và tôi. Thỉnh thoảng thấy những người không xếp hàng, chen ngang tôi khi đi siêu thị làm tôi phát “hoảng”. Tôi không dám đi bộ trong trung tâm thành phố nữa, vì có nhiều người vừa chỉ tay vừa nói: “Ông tây, ông tây!”. Thậm chí, có người đã trêu chọc tôi.
Một thời gian sau khi nhận ra những điều ở đây rất khác, “lạ” và tôi đã “sốc văn hóa”. Lúc đó, tôi đã không muốn thức dạy mỗi buổi sáng mà chỉ muốn ngủ. Tôi ở lì trong phòng, chán nản và không có động lực làm bất cứ việc gì ngay cả quét dọn phòng dù nó đã rất bẩn.
Nhưng, tôi chợt nhận ra để cuộc sống trở lại như trước đây mình phải bình tĩnh và học cách thích nghi với hoàn cảnh mới.
Và tôi đã viết ra một danh sách những điều cần làm và khiến tôi vui. Tôi đã viết: “Tập thể dục, chạy bộ, thức dậy sớm hơn, nấu những món ăn ngon, tiết kiệm tiền, dọn dẹp nhà cửa”. Tôi tìm đến môn thể thao quần vợt (tennis) và nó đã giúp tôi giảm “sốc văn hóa”.
Xã hội nào cũng có nhiều sự khác biệt và nền văn hóa khác nhau. Không có gì là tốt hay xấu, chỉ là khác nhau. Nhưng so với những đất nước tôi đã từng sống trước khi đến Việt Nam, thì tôi thấy Việt Nam có phần khó sống hơn. Nó bắt đầu từ việc học tiếng. Cả phát âm và viết chữ Việt đều rất khó và nhiều người bạn của tôi đã phải quay về nước vì không thể học được.
Bây giờ tôi có những người bạn ở Thái Bình, người rất tốt và lo cho tôi. Lúc lái xe trên đường thì có người kêu “Jesse” và mỉm cười rất thân thiện. Và giờ khi đi chợ, tôi đã biết chỗ nào bán rau giá rẻ, giờ tôi biết phải biết giá trước đi chợ! Tôi cũng biết chỗ nào bán bánh mì mới, chỗ nào có canh cá ngon, và chỗ có café không gian tốt cho học tiếng Việt và chỗ nào có thể nói chuyện với những người bạn. Đây là cuộc sống nông thôn, rất tuyệt vời. Tôi cảm thấy như đó là nhà của tôi.
Jesse Peterson