Tin mới

Người thầy của những học sinh hư

Chủ nhật, 09/02/2014, 10:12 (GMT+7)

Quậy phá, lười học, đàn đúm,…là những biểu hiện cho một tính cách học sinh hư, thế nhưng khi vào trường các em được rèn luyện để ra trường thành người có ích.

Quậy phá, lười học, đàn đúm,…là những biểu hiện cho một tính cách học sinh hư, thế nhưng khi vào trường các em được rèn luyện để ra trường thành người có ích.

 

Câu chuyện chúng tôi muốn nói ở đây là Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nơi có vị “thủ lĩnh” là một chuyên gia tâm lí học – TS. Nguyễn Tùng Lâm. 

Nói tới tên tuổi của người thầy có mái tóc bạc này hẳn ai ở Hà Nội và trong Hội tâm lí đều biết tới ông, được mệnh danh là “chỉ huy trưởng” của một mái trường mà nhiều người vẫn thường gọi là  trường “Đinh kinh hoàng”. Cái tên gọi đó đã nói lên tất cả, ở đây do tính chất không thi tuyển đầu vào nên thường quy  tụ nhiều học sinh “cá tính”. 

Mỗi lớp nếu chỉ có một vài học sinh như vậy đã rất vất vả, khó khăn, nhưng ở trường Đinh Tiên Hoàng 60% học sinh yếu kém văn hóa, 20% học sinh bị các trường khác xếp loại yếu kém đạo đức. Vậy, vị “chỉ huy trưởng” này đã có những cách dạy như thế nào để đảm bảo “học sinh nên người” ở đầu ra?

Bài học từ nội sinh

 Đa phần những học sinh của trường Đinh Tiên Hoàng trước khi vào học là học sinh không nắm được kiến thức cơ bản ở cấp dưới, không có thói quen về nề nếp học tập, không có thói quen về tư duy độc lập, không có khả năng tự học, không có động cơ, ý chí để vương lên.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm trong khi nói chuyện với chúng tôi luôn kể lại quá trình hình thành ngôi trường “đặc thù” này. Thầy bảo, trước những bức xúc như vậy phải làm thế nào để giáo dục học sinh trở thành “con ngoan, trò giỏi”, đó là một bài toán rất khó. Ngôi trường này ra đời cũng là để giải quyết bài toán đó.

 

Thầy Tùng Lâm được nhiều học sinh, thầy cô yêu quý vì tính sáng tạo, theo đến cùng sự việc để mong học sinh của mình thành người. Ảnh Xuân Trung

Được thành lập từ năm 1989, khi mới có chủ trương ra đời thì ngay lập tức chủ trương này nhận được sự đồng tình vả ủng hộ của lãnh đạo thành phố Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội. Thế là từ một sinh viên Văn khoa, đến Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội, thầy Tùng Lâm đã trở thành hiệu trưởng của ngôi trường đặc biệt này suốt 25 năm qua. 

Do tính chất, đặc thù học sinh nhà trường như vậy nên cách giáo dục ở đây cũng có nhiều cách làm khác so với những trường bên, giáo dục không thể cứng nhắc mà cần một “bàn tay” mềm dẻo hơn. Học sinh được tiếp nhận vào trường được coi là những học sinh có nhiều cá tính: “Chúng tôi coi học sinh hư là các em có cá tính, không có em nào là học sinh hư, cá biệt, giáo dục học sinh mà không biết trân trọng các em là không đúng với nguyên tắc sư phạm, không đúng với lương tâm của người thầy. Mặt khác các nền giáo dục tiên tiến không nước nào xếp loại đạo đức như giáo dục Việt Nam. Thế giới không có khái niệm học sinh yếu kém đạo đức” thầy Tùng Lâm chia sẻ.

Để dạy học sinh hiệu quả nhất, thầy Tùng Lâm đưa cho chúng tôi xem một sơ đồ đào tạo của  trường giống như một cái cây. Ở đó, mỗi cành, mỗi nhánh có nhiệm vụ riêng để chung lại cho một thân cây phát triển bình thường. Nền tảng được đưa ra là: Giáo dục hướng nghiệp, giáo dục pháp luật và giáo dục kỉ luật tích cực, đây được xem là những “nguyên liệu” giúp học sinh phát triển. 
Hỗ trợ cho môi trường cây phát triển là hai quá trình cơ bản được thầy Tùng Lâm áp dụng trong nhiều năm qua là: Giáo dục kĩ năng sống và giáo dục giá trị sống. Vậy, thân cây sẽ là gì, và  học sinh đóng vai trò là thân hay là cành? Thầy Tùng Lâm chia sẻ thêm, thân cây đóng vai trò “tự học,  tự rèn luyện”, đây là điều hết sức quan trọng.

Bài học lớn đối với học sinh ở đây theo sơ đồ hình cây sẽ là ngọn: Ngọn cây đóng vai trò đào tạo học sinh có được Tài và Đức, quanh Tài và Đức là dạy cho các em biết cách “Học để cùng chung sống, học để biết, học để làm, học để làm người”. 
Những học sinh hư thường lười học, đó là điểm chung. Tuy nhiên, dưới cách giáo dục mềm  dẻo của thầy Tùng Lâm, nhiều lứa học sinh ra trường đã trưởng thành. Bài học được áp dụng đó là: Cần có hứng thú cá nhân và xem đó là một nhân tố nội sinh, đây cũng là những mong muốn của nhà giáo dục, của học sinh, của gia đình.
Thầy Tùng Lâm cũng cho biết, nếu người thầy chỉ có tình yêu thương và niềm say mê thôi chưa đủ. Ở đây, mỗi người thầy cần phải là một “nghệ sĩ” tài năng và sáng tạo. 

Chặt ngón tay để tự hứa với thầy

 Giáo dục không chỉ là khuôn sáo, mà phải cần tính mềm dẻo. Người đời vẫn bảo “lạt mềm buộc chặt”, thầy Tùng Lâm luôn tâm niệm, dù có khó khăn đến mấy không được bỏ cuộc, không được từ bỏ ý chí đó. Học sinh của thầy cũng nhiều lúc làm thầy nổi giận, khó xử, nhưng hơn hết thầy muốn các em được thành người, tự lo cho bản thân khi ra đời. 
Kể với chúng tôi về một tấm gương điển hình nhất của trường, cậu học sinh này nổi tiếng với những chiến tích cắm xe, cờ bạc không ai bằng. Nhà chỉ có hai mẹ con, bố mất sớm, mẹ phải tần tảo nuôi con bằng những chén nước chè, lại ốm đau bệnh tật, thế mà vẫn dành dụm cho con có xe máy đi học. 

Nhưng cậu con quý tử ấy lại không chịu học hành, mà gán xe để có tiền ăn chơi. Cô giáo chủ nhiệm đã nhiều lần thuyết phục không được nên “trả lại nhà trường”. Thầy Lâm cho biết, với quan điểm cần phải làm cho học sinh biết mình được tôn trọng và khơi dậy lòng tự trọng lòng yêu thương, những giá trị cao quý của mỗi con người thì mới có thể giáo dục. 
Ngay sau đó, cậu học sinh này được mời lên gặp thầy cùng mẹ của cậu ấy, cuộc nói chuyện diễn ra hết sức chân thành, cởi mở. Gặp hai mẹ con, thầy Lâm hỏi cậu học đó rằng: “em sống dựa vào ai?”, trả lời thầy, cậu ta đáp: “em sống dựa vào mẹ”. “Vậy mẹ em sống được là nhờ đâu?” và cậu ta ngồi im.

“Trong câu chuyện hôm đó tôi vẫn bảo, nhà chỉ có hai mẹ con, nên mẹ cũng sống được nhờ có em đấy”. Sau câu chuyện này, thầy quay sang hỏi bà mẹ: “Tôi nói như vậy chị có thấy đúng không?”, “Thầy nói đúng quá” bà mẹ đáp. Nói với học trò lần cuối, thầy Tùng Lâm khuyên: “Em mà biết tu chí học hành sau này có công việc thì mẹ mới đỡ khổ, nếu cứ chơi bời lêu lổng, rồi mẹ con cùng héo mòn mà đi theo cha! Con trai mà không làm được chỗ dựa cho mẹ già thì kém quá”.
Sau lần gặp riêng thầy hiệu trưởng, cậu học trò này đã có suy nghĩ khác, đã tích cực hơn, đã quyết tâm tu chí học hơn, ngoan hơn. Đặc biệt, khiến  thầy Lâm và cả cô giáo chủ nhiệm, các bạn trong lớp bất ngờ là cậu ta đã tự chặt ngón tay út để tỏ rõ lòng quyết tâm học cho mẹ đỡ khổ của mình. 

Cho tới bây giờ, cậu học trò một thời của thầy Lâm đã từng đỗ hai trường đại học lớn, vừa qua cậu học trò đó đã về thăm trường, thăm thầy và báo tin rằng, mẹ của mình đã khỏe mạnh hơn, vui hơn với sự thành công của mình hiện tại.
Hai mong ước lớn trong đời
Khi được hỏi thêm về sự nghiệp làm giáo dục của mình có khi nào chán với lứa học sinh hư này không, thầy Nguyễn Tùng Lâm cho biết, không bao giờ nản trước công việc. Không nản vì không ó tham vọng lớn, không bị áp lực bởi những tham vọng đó: “Trong công việc thì mình phải kiên trì, luôn luôn gắn với thực tiễn để nghĩ ra các giải pháp phù hợp, giải quyết các bài toán của nhà trường”. 

Thầy tâm đắc một điều, làm giáo dục phải kiên trì, đó là điều kiện đầu tiên. Phải tôn trọng quy luật khách quan, tìm hiểm kĩ giáo viên, học sinh để đưa ra quyết định tác động. Những sự việc cụ thể liên quan tới học sinh thì thầy Lâm  quyết làm tới cùng, để mục đích giáo dục lại các em theo quy chuẩn, luôn nghĩ cách để có quản lí tốt, cũng chính vì đức tính này mà giáo viên trong trường quý thầy ở điểm đó. 

Điều thứ hai, vị “chỉ huy trưởng “ này mong muốn thay đổi đội ngũ nhà giáo, đó là một đội ngũ trung thực, đánh giá nhà giáo phải đo tấm lòng của họ với học sinh, đo nghiệp vụ của họ giúp được gì cho học sinh.
Trước khi chia tay, chúng tôi đặt câu hỏi rằng, thầy còn làm giáo dục khi tới khi nào? Thầy Tùng Lâm khẳng định, còn làm cho tới khi ông trời còn cho mình sức khỏe. Vì trong suy nghĩ của thầy, luôn làm sao tìm cách để giúp học sinh khó khăn vượt qua khó khăn. Tâm niệm câu nói của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, rằng: “Phải biểu dương những thanh niên tiên tiến, nhưng cũng không được để rơi những thanh niên chậm tiến”. 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news