“Ở công ty Đèo Cả tôi chỉ làm cố vấn dự án, tư vấn cho hội đồng quản trị, không góp vốn, không tham gia điều hành, không kinh doanh. Tuy nhiên, có một điều sơ xuất, suy nghĩ chưa chặt chẽ là để công ty đưa vào danh sách thành viên Hội đồng quản trị”, nguyên Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng chia sẻ.
-Dư luận đang quan tâm đến thông tin được đăng tải trên một số báo rằng ông – nguyên Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng nhận lời làm thành viên HĐQT của một công ty cổ phần đầu tư chỉ sau có 8 tháng về hưu, trong khi Nghị định 102 của Chính phủ Việt Nam quy định phải sau 36 tháng, quan chức có vai trò quản lý chuyên ngành mới được phép tham gia kinh doanh lĩnh vực mà mình từng quản lý. Ông nói gì về thông tin này?
- Sau khi nghỉ hưu, thôi làm Bộ trưởng Bộ GTVT, Hiệp hội thép Việt Nam bầu tôi về làm Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội. Công ty Đèo Cả cũng mời tôi về làm cố vấn cho dự án Đèo Cả và tôi đã nhận lời vì dự án này mình biết ngay từ đầu. Ở đây, tôi chỉ làm cố vấn dự án, tư vấn cho hội đồng quản trị, không góp vốn, không tham gia điều hành, không kinh doanh.
Nói chung, công việc chính của tôi sau khi về hưu là làm ở Hiệp hội thép Việt Nam còn bên Công ty Đèo Cả, thỉnh thoảng ban Hội đồng quản trị hỏi tôi mới đóng góp, tham gia ý kiến.
Tuy nhiên, có một điều sơ xuất, suy nghĩ chưa chặt chẽ là công ty đưa vào danh sách thành viên Hội đồng quản trị nên có thể một số người nghĩ mình vào đây để kinh doanh, điều hành để kiếm lợi ích cá nhân nhưng thực chất không phải vậy. Đèo Cả là một dự án hàng nghìn tỷ, những công ty góp vốn đều là các công ty lớn tôi không thể tham gia được.
-Vậy lúc đó, Ông có biết mình có tên trong danh sách thành viên Hội đồng quản trị hay không?
-Tôi có biết nhưng không nhận giấy bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, không có hợp đồng với Hội đồng quản trị, không nhận thù lao của Hội đồng quản trị và chỉ tham gia với tư cách là cố vấn.
- Các cuộc họp họp Hội đồng quản trị sau đó, Ông cũng không tham gia?
- Tôi có tham tham gia các cuộc họp hội đồng quản trị với tư cách cố vấn. Tôi khẳng định chắc chắn, không bao giờ tham gia vào đầu tư, công tác điều hành. Tôi chỉ tham gia cố vấn cho hội đồng quản trị về tổ chức công việc, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn và số mặt về kỹ thuật.
- Vậy khi biết nằm trong danh sách thành viên Hội đồng quản trị của công ty Đèo Cả, Ông có biết mình vi phạm Nghị định 102?
-Nghị định 102 của Chính phủ Việt Nam quy định phải sau 36 tháng, quan chức có vai trò quản lý chuyên ngành mới được phép tham gia kinh doanh lĩnh vực mà mình từng quản lý và bản chất tôi tham gia công ty Đèo Cả chỉ với vai trò cố vấn, không làm quản lý, điều hành. Tuy nhiên, về hình thức thì vi phạm vì có tên trong Hội đồng quản trị.
Dự án Đèo Cả là dự án BOT, cộng với BT do các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp tư nhân huy động vốn để đầu tư, nhà nước chỉ hỗ một phần vốn để giải phóng mặt bằng và cơ chế Chính sách hỗ trợ cho dự án. Vì thế, lúc đó, tôi nghĩ mình không kinh doanh, không thành lập doanh nghiệp, không phải là pháp nhân nên không sai phạm Nghị định 102. Thế nhưng mình có khiếm khuyết là lúc đó không nghĩ đến nơi đến chốn chức danh thành viên hội đồng quản trị.
Ông Hồ Nghĩa Dũng - nguyên Bộ trưởng GTVT
-Ông phản ứng thế nào trước một số ý kiến nghi vấn việc khi đương chức, Ông đặt bút ký dự án cho một doanh nghiệp cổ phần đầu tư, rồi khi "nghỉ hưu" lại về chính nơi đó làm việc là hành động "dọn đường" trước?
-Để kêu gọi đầu tư một dự án lớn như Đèo Cả không phải là dễ và thực tế lúc đó không có nhiều người quan tâm. Khi một số doanh nghiệp kết hợp với nhau nhận làm, tôi rất ủng hộ và rất hoài bão về một mô hình mới kết hợp giữa nhà nước và tư nhân. Tức là, tư nhân huy động vốn, đầu tư, khai thác dự án và hoàn vốn cho dự án còn nhà nước chỉ hỗ trợ cơ chế, giải phóng mặt bằng.
Việc hợp tác công và tư để làm dự án lớn là mơ ước, hoài bão của tôi kể cả lúc đương chức cũng như khi về hưu. Khi nhận lời làm cố vấn cho dự án này tôi không nghĩ lắm vì chỉ nghĩ đơn giản là góp phần vào thực hiện hoài bão đó chứ không không nghĩ đến làm ăn. Nếu nghĩ làm ăn thì tôi đã không vào công ty vốn đầu tư lớn, nhiều rủi ro như vậy. Thực tế, nhiều dự án lớn của nhà nước đang rất khó khăn trong việc thu phí hoàn vốn nên khi thấy một công ty tư nhân dũng cảm nhận làm, tôi nghĩ cũng nên động viên họ và góp phần để đưa hoài bão nhân rộng mô hình xã hội hóa các dự án thành hiện thực.Thế nhưng cũng vì hoài bão đó chi phối lớn quá nên tôi không lường trước được sự nhạy cảm đến pháp luật.
- Vậy vì sao, khi đương chức Ông đã đề xuất cho công ty Đèo Cả được làm chủ đầu tư?
-Khi Bộ GTVT kêu gọi đầu tư cho dự án Đèo Cả thì ngân sách nhà nước không đủ cho dự án, các nhà tài trợ ODA chưa quan tâm tới dự án, chỉ có một số doanh nghiệp đề xuất tham gia nhưng rồi cũng rút lui, chỉ có công ty Đèo Cả thực hiện việc làm đề xuất dự án và sau khi Bộ GTVT phê duyệt đề xuất dự án thì đã quyết định cho công ty Đèo Cả làm chủ đầu tư sau khi được sự chấp thuận của chính phủ.
Đề xuất dự án được hoàn thành từ năm 2010 nhưng đến năm 2012 thì mới hoàn thành được báo cáo đầu tư và trên cơ sở báo cáo đầu tư của chủ đầu tư, Bộ GTVT mới chính thức phê duyệt dự án và dự án mới chính thức triển khai. Lúc đó thì tôi đã nghỉ công tác rồi.
-Bây giờ nếu có ý kiến yêu cầu Bộ Nội vụ vào cuộc, ông có sẵn sàng phối hợp?
-Tôi sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng để làm sáng tỏ mọi vấn đề. Bởi, tôi không có thực hiện bất cứ điều gì liên quan đến điều hành và kinh doanh như: phê duyệt dự án, chọn nhà thầu, ký các hợp đồng, ký giấy vay tiền, trả tiền…
- Sau khi một số báo đăng tin bài cho rằng Ông phạm luật khi làm thành viên Hội đồng quản trị một doanh nghiệp kinh doanh chỉ sau 8 tháng nghỉ hưu, phía công ty Đèo Cả có ý kiến gì không?
-Tôi có yêu cầu công ty Đèo Cả thông tin chính thức trên website của công ty về việc tôi thôi tham gia thành viên hội đồng quản trị và những thông tin báo chí phản ánh.
Xin cám ơn Ông!
Theo vietnamnet đưa tin thì ngày 05/10/2009, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã ký Quyết định số 2860/QĐ-BGTVT phê duyệt Hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Cả - QL 1A theo hình thức BOT&BT. Tiếp theo, ngày 6/10/2009 ông đã ký Quyết định số 2886/QĐ-BGTVT chỉ định Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho dự án này. Nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng được xác nhận là đã "tạo điều kiện để Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả tiếp xúc với các tổ chức tín dụng lớn trong và ngoài nước". Ngày 22/11/2011, tại trụ sở Bộ Sinh thái - Phát triển bền vững - Giao thông và Nhà ở của Pháp, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cùng với Ngân hàng Credit Agricole Corporate&Investment Bank (CA-CIB) và Société Générale (SG) của Pháp đã tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) tài trợ 800 triệu USD cho dự án quan trọng này, tuy nhiên, về sau việc tài trợ này không thực hiện được. Nhưng ông Hồ Nghĩa Dũng đã được website của công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả giới thiệu và ca ngợi: "Sức làm việc không mệt mỏi cộng với kinh nghiệm và năng lực nắm bắt đường hướng chính sách, chính là một tài sản lớn cho Công ty Đèo Cả". Tuy nhiên, theo giới thiệu của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, vị cựu Bộ trưởng đã được “bầu vào Hội đồng quản trị” vào tháng 4/2012, tức là chỉ sau 8 tháng tính từ thời điểm nghỉ hưu. |
Theo Hoàng Minh/Người đưa tin