Tin mới

Nguyên nhân nào đã “giết” Galaxy Note 7?

Thứ năm, 13/10/2016, 08:09 (GMT+7)

Ngay cả khi đã thu hồi và thay viên pin, Galaxy Note 7 vẫn bị phát nổ, điều này rất khó hiểu và dẫn đến nhiều phỏng đoán kỹ thuật. Đến thời điểm này, nguyên nhân Note 7 phát nổ vẫn còn là ẩn số.

Ngay cả khi đã thu hồi và thay viên pin, Galaxy Note 7 vẫn bị phát nổ, điều này rất khó hiểu và dẫn đến nhiều phỏng đoán kỹ thuật. Đến thời điểm này, nguyên nhân Note 7 phát nổ vẫn còn là ẩn số.

Trang tin công nghệ Phonearena nhận định nguyên nhân của sự cố này không đơn thuần là do pin, vì Samsung đã thay pin nhưng sự cố vẫn tái diễn tương tự lần đầu. Thực tế là trong đợt xuất xưởng lô hàng Note 7 thay thế, Samsung đã loại bỏ hoàn toàn pin của Samsung SDI và chỉ dùng pin của nhà sản xuất Amperex Technology Ltd (Trung Quốc) - linh kiện cấu thành những chiếc Note 7 “an toàn” trong đợt phát hành đầu tiên. Nhưng đáng tiếc là Note 7 vẫn tiếp tục phát nổ.

Việc một số chiếc Galaxy Note 7 mới, được cho là an toàn, tiếp tục cháy nổ khiến không ít người băn khoăn liệu Samsung đã xác định đúng nguyên nhân sự cố.

Nguyên nhân được chuyển hướng sang là do thiết kế máy. Theo đó, nhằm tạo ra không gian chứa chiếc bút S-pen, Samsung đã sử dụng kỹ thuật "tạo hình nhiệt 3D" (3D thermoforming) để uốn cong các cạnh của Note 7 nhiều nhất có thể. Không chỉ vậy, Samsung đã uốn cong cả cạnh dọc mặt lưng nhằm tạo ra một thiết kế đối xứng. Đây có thể là lỗi thiết kế “chết người” khi nó khiến cho viên pin bị chèn ép nhiều, rất dễ gây cháy nổ.

Lá pin bị cong do chèn ép lớn.

Ở đợt thu hồi đầu tiên, Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc đã phát hiện ra viên pin do Samsung SDI chế tạo có kích thước lớn hơn so với vị trí đặt nó. Đồng thời, vách ngăn giữa cực âm và cực dương cũng quá gần với các cạnh do đó chúng dễ bị chèn ép bởi áp suất, làm ngắn mạch pin dẫn đến quá nhiệt. Thêm nữa là những thành phần như tấm cách điện hay các lớp phủ trên điện cực âm cũng không phải chỉ do Samsung SDI làm. Một yếu tố nữa là do Note 7 có cấu trúc chống nước thông qua các gioăng cao su và nhiều mối hàn kín, vì thế linh kiện bên trong máy sẽ phải chịu hiệu ứng nhiệt và áp lực cao hơn.

Tổ hợp những nguyên nhân trên là rất nguy hiểm với một thiết bị di động hiệu năng cao.

Còn có những nguyên nhân khác, chẳng hạn như áp lực xuất xưởng Note 7 thật nhanh để kịp đón đầu iPhone 7 series. Thậm chí trong đợt hai áp lực còn lớn hơn, nhằm nhanh chóng cứu vãn hình ảnh công ty, hoàn thành kế hoạch sản xuất chung để tránh dẫm chân lên Galaxy S8 ra mắt đầu năm sau. Với nhiều áp lực trên một dây chuyền sản xuất phức hợp, rất có thể quy trình kiểm soát chất lượng đã có sai sót dẫn đến sản phẩm xuất xưởng không đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật.

Pin có thể chỉ là một phần nguyên nhân gây cháy nổ Galaxy Note 7.

Toàn bộ những thông tin nói trên đều là dự đoán, chưa ai biết nguyên nhân thực sự là do đâu. Nhưng chắc chắn là Samsung đã, đang và sẽ tìm ra tất cả các nguyên nhân lớn nhỏ dẫn đến cuộc khủng hoảng sản phẩm trầm trọng này. Chỉ chưa biết là họ có công bố kết quả điều tra một cách đầy đủ hay không. Dù sao cũng rất đáng tiếc cho một “siêu phẩm” đã gần đạt đến ngưỡng hoàn hảo như Galaxy Note 7. 

Trang Vũ (Theo PhoneArena)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news