Tin mới

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười trong mắt người cháu ngoại

Thứ ba, 02/10/2018, 10:23 (GMT+7)

"Cháu còn nhỏ nên chưa hiểu hết công việc của ông, nhưng các bác đến nhà ai cũng nói: "Cụ là Phật sống đấy, cụ thật thông minh, trí tuệ, tận tụy, thương dân, yêu nước... Người như cụ thật là ít, cụ sống đơn giản quá, chân tình quá", cháu ngoại nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười chia sẻ.

"Cháu còn nhỏ nên chưa hiểu hết công việc của ông, nhưng các bác đến nhà ai cũng nói: "Cụ là Phật sống đấy, cụ thật thông minh, trí tuệ, tận tụy, thương dân, yêu nước... Người như cụ thật là ít, cụ sống đơn giản quá, chân tình quá", cháu ngoại nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười chia sẻ.

Ngày mới của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười bắt đầu bằng những bài tập thể dục. Ảnh: VNN

Chúng tối giới thiệu tới bạn đọc bài viết "Ông ngoại" của tác giả Nguyễn Thị An Khanh (cháu ngoại của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười) được đăng trong cuốn sách "Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử" của NXB Chính trị quốc gia - Sự thật:

Năm nay ông ngoại cháu tuy nhiều tuổi nhưng ông vẫn rất minh mẫn, sức làm việc của ông thì khó có ai theo kịp. Sáng sớm, khi cả nhà còn ngon giấc thì ông đã dậy rồi.

Ông nghe đài, đọc tài liệu, tập thể dục, ông đạp xe đạp trong nhà và ông vẫn tự mình làm mọi việc. 7 giờ rưỡi ông ăn sáng, sau đó ông làm việc đến tận trưa. Bữa ăn của ông rất đạm bạc: bữa nào cũng có đậu phụ, vừng, lạc.

Do ăn uống và sống thanh bạch, sinh hoạt điều độ nên trông ông khỏe mạnh và trẻ hơn tuổi rất nhiều. Ông có ba cháu nội thì ở TP.HCM và ba cháu ngoại, đó là anh Nghĩa, chị Phương Anh và cháu, cả hai anh chị cháu đều đi du học. Chỉ còn một mình cháu ở nhà.

Cháu ngoại nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười: Vinh dự được làm cháu của ông

Gia đình nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười. Ảnh tư liệu

Cháu rất may mắn khi sinh ra đã có ông bên cạnh. Bà ngoại thì đã mất từ lâu nên hình như ông càng thương cháu hơn thì phải. Những lúc nghỉ làm việc, ông luôn hỏi: "Mít đâu?" (Mít là tên ở nhà của cháu). Bây giờ cháu đã 11 tuổi rồi, nhưng ông vẫn coi cháu như một em bé. Khi ăn cơm ông để ý thấy cháu không gắp thức ăn là ông lại gắp thức ăn cho cháu.

Có lần vội quá, cháu không kịp ăn hoa quả, ông cầm đĩa hoa quả đó mang lên gác cho cháu ăn. Nhiều khi đang làm việc, thấy cháu đang đánh đàn, ông cũng tạm gác công việc lên ngồi nghe cháu đánh đàn để động viên cháu. Bố mẹ cháu đi làm cả ngày, ở nhà chỉ có hai ông cháu ăn cơm. Ông không nói ra nhưng cứ thấy cách ông chăm sóc cháu là biết ông thương các cháu lắm, ông thương cả bà nữa. Ông ngoại ơi, cháu thương ông lắm!.

Ngày nào cũng vậy, đi học về người đầu tiên cháu tìm là ông đấy, vào chào ông và xem ông thế nào. Ông biết không, cháu đến nhà bạn chơi thấy bạn có cả ông cả bà, nhìn bà bạn ấy chăm sóc ông bạn ấy, cháu thấy thương ông nhiều lắm.

Cháu nghe người lớn nói: "Con chăm cha không bằng bà chăm ông", cháu chưa hiểu hết ý nghĩa của câu nói đó, nhưng cháu thấy cũng đúng, người lớn đi làm cả ngày, chỉ có ông bà về hưu thì ở nhà chăm sóc lẫn nhau thôi! Mặc dù xung quanh còn có rất nhiều người như bố mẹ cháu, cháu, các cô, các bác, các chú, nhưng nhiều lúc cháu thấy ông cứ cặm cụi một mình, cháu biết phải làm sao? Những lúc trái gió trở trời, ông đau, cả nhà lo lắng. Còn cháu chỉ biết chắp tay cầu trời, khấn Phật và mong bà ngoại phù hộ cho ông chóng khỏi bệnh và khỏe mạnh.

Những lúc như vậy, cháu ước mình lớn thật nhanh, học thật giỏi để làm bác sĩ giỏi chữa bệnh cho ông và mọi người.

Ông ơi! Ông có biết vì sao cháu mê đọc sách không? Cháu được thừa hưởng từ ông đấy. Cháu sẽ cố gắng nhiều hơn để giữ gìn thư viện sách của ông. Nhiều lúc ông ngồi nói chuyện với ba anh em cháu, ông bảo: "Các cháu muốn học giỏi gì thì học nhưng vẫn phải thuộc lịch sử nước nhà, cả đời ông cha ta cho đến tận bây giờ vẫn phải tôn trọng và giữ gìn lịch sử, mình là người Việt Nam, phải thuộc lịch sử Việt Nam, các cháu còn nhỏ vẫn cần phải nhớ lắm đấy!".

Cháu còn nhỏ nên chưa hiểu hết công việc của ông, nhưng các bác đến nhà ai cũng nói: "Cụ là Phật sống đấy, cụ thật thông minh, trí tuệ, tận tụy, thương dân, yêu nước... Người như cụ thật là ít, cụ sống đơn giản quá, chân tình quá".

Cháu tự hào lắm, cháu thật vinh dự khi được làm cháu của ông. Ông ơi, chúng cháu hứa với ông sẽ học tập và nhớ những điều ông từng dạy chúng cháu, chúng cháu sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, góp phần nhỏ bé của mình để xây dựng đất nước bởi vì ông muốn thế mà!

Cháu cầu mong ông sống lâu, khỏe mạnh, là chỗ dựa tinh thần cho chúng cháu! Cháu cảm ơn ông trời đã cho cháu làm cháu của ông!.

Hà Nội, ngày 18/4/2011

Nguyễn Thị An Khanh (Theo sách "Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử")

Tiêu đề bài viết phụ do toàn soạn đặt

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: trí tuệ