Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã khóc vì tủi thân khi nhớ lại khoảnh khắc sau khi bị côn đồ vây đánh, nhiều người đi đường nhìn thấy nhưng không một ai đứng lại giúp anh.
Liên quan đến vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị côn đồ đánh trọng thương mới đây, PV đã có cuộc trao đổi với anh tại trụ sở báo Lao Động.
Anh Hoàng cho biết, hiện tại sức khỏe đã ổn định, anh có thể đi lại bình thường bằng xe máy nhưng tay anh vẫn đau và chưa thể làm việc gì bằng tay phải. Trên mặt anh cũng đã hết những vết thâm tím, sưng do côn đồ đánh, tuy nhiên vết thương ở ngón tay làm anh đau đến mất ngủ.
Nhớ lại khoảnh khắc bị 3 tên côn đồ đánh, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng kể: "Sau khi đưa con đi học thì tôi đi qua con đường mới được giải tỏa để khảo sát chỗ đỗ xe ô tô. Khi đang đi trên đường, tôi nhìn thấy có 3 người đứng trước mặt nên tưởng bảo vệ của tòa nhà đang xây dựng và quay đầu xe đi thẳng, vừa để tránh đường họ nhưng bất ngờ một đối tượng nhảy ra ôm lấy tôi vật ngã ra đường, hai đối tượng còn lại thì lao vào đánh đấm liên tiếp, chúng coa hung khí trong tay".
Cũng theo anh Hoàng, sau đó, anh bị đám người này giật kính, khiến anh không thể nhìn thấy. Cũng chính vì thế, anh không thể hình dung ra được hình dạng các đối tượng.
Nhà báo Đỗ Doãng Hoàng thất vọng vì không ai giúp mình. Ảnh Thu Trang |
Anh Hoàng nhận định: việc anh bị tấn công dã man là có chủ đích.
"Về sau, người dân ở đó nói lại là bọn chúng đã đi theo tôi từ rất lâu. Đến đoạn đường vắng, chúng mới ra tay. Lúc chúng nói “không nhầm, đánh đi” thì tôi cũng đã phán đoán được những người đánh mình là được thuê đánh. Sau nhiều nhát vụt, tôi chỉ biết tránh và đỡ đòn nhờ những ngón võ tôi đã học được 10 năm qua. Và may mắn là toàn bộ nội tạng không bị làm sao”, anh Hoàng kể thêm.
Không chỉ thế, trong khi bị đánh, lúc anh biết không thể chống đỡ nổi, anh Hoàng nằm im, giả vờ ngất xỉu nhưng đám người lạ mặt vẫn không tha mà tiếp tục dùng gạch đập vào đầu và dùng các khúc mía đánh vào lưng rồi mới chịu bỏ đi.
"Tôi không thể tin nổi mình có thể sống sót khi liên tiếp chịu những cú đánh bằng gậy vụt xuống đầu và người tôi. Nhưng tôi đã sống sót một cách may mắn. Khi bị đánh có một cái may là tôi đội mũ bảo hiểm vì đi xe máy. Nhưng trong cái may lại có cái rủi. Chiếc mũ lại vô tình trở thành cái thớt, tay tôi như con cá đặt lên cái thớt. Và bọn chúng đã đập nát tay tôi”. Anh Hoàng chia sẻ cảm giác khi bị đám côn đồ đập nát ngón tay vì lấy tay giữ mũ bảo hiểm.
Ngoài vết đau thể xác, điều khiến anh Hoàng nhớ hơn cả là cảm giác đơn độc sau khi bị đánh.
Anh Hoàng cho biết, lúc tỉnh dậy sau khi bị đánh, mặc dù có rất nhiều xe máy đi qua chỗ anh nằm nhưng không ai dừng lại giúp anh. Cuối cùng người đưa anh vào viện là một cậu bé.
“Khi tỉnh dậy tôi xin đi nhờ nhưng không ai giúp tôi, mặc dù tôi nằm ở đó như sắp chết. Tôi kêu cứu nhưng không một người nào ra tay cứu tôi cả. Lúc này, mắt không đeo kính, tôi đi như một người mù. Cuối cùng tôi xin một bé cho đi nhờ và tôi phải nói là: cho chú đi nhờ, chú sẽ không chạm vào để dây máu vào cháu đâu”, anh Hoàng buồn bã nhớ lại.
Khi được hỏi về lý do bị đánh, anh Hoàng chia sẻ: “Gần đây tôi làm điều tra rất nhiều. Có nhiều đối tượng đã phải tán gia bại sản, bị công an bắt giữ đường dây của chúng. Vì có những bài báo tấn công thẳng vào “sào huyệt”, phá tan đường dây của chúng nên nguy cơ tôi bị trả thù rất cao. Tôi làm điều tra rất nhiều. Trước và sau khi đăng báo, tôi đều nhận được những lời đe dọa và có thể sự việc này là bài học cảnh cáo cho những loạt bài sắp tới của tôi”.
Bản thân bị đánh như vậy nhưng anh Hoàng cho biết bản thân mình sẽ tiếp tục viết dù tay có bị tổn thương, anh vẫn sẽ điều tra nhưng ẩn mình kĩ hơn.
Trả lời về việc cần có hành lang pháp lý để báo vệ nhà báo tốt hơn, anh Đỗ Doãn Hoàng nói: “Trong nhiều vụ điều tra, tôi phải trinh sát, hóa trang, phải thâm nhập vào đường dây, quay phim chụp ảnh thu thập tư liệu. Đến khi tôi đăng bài trên báo, gửi hồ sơ quan cho cơ quan công an đến khi bắt các đối tượng đến lúc khởi tố cơ quan chức năng không có thêm tài liệu mà trong quá trình bắt các đối tượng chủ yếu là xác minh những hồ sơ, chứng cứ tôi đã cung cấp.
Có nhiều vụ điều tra tôi làm từ A – Z, tôi hoạt động không khác gì một nhân viên công an. Tại sao tôi không được bảo vệ giống như công an, tại sao tôi không có công cụ hỗ trợ, không có trinh sát đi cùng mình…?
Tôi nhớ, vụ tôi phanh phui “Những nấm mồ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam”, loạt bài này tôi được tổ chức môi trường Châu Á bình chọn là Nhà báo của năm. Khi Cục cảnh sát môi trường về đó có công an địa phương, có chính quyền địa phương… đi cùng họ. Tại sao tôi không có. Tôi nghĩ, cần một hành lang pháp lý mạnh hơn nữa để bảo vệ nhà báo”.
Cuối cùng anh Hoàng nói với chúng tôi là anh rất tự tin sự việc sẽ được làm sáng tỏ. “Tôi nhận được hàng nghìn tin nhắn, hàng nghìn cuộc điện thoại và rất rất nhiều email. Trong số đó có các cơ quan quản lý báo chí, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan công an cấp cao đã động viên và hứa sẽ đưa vụ việc ra ánh sáng. Tôi tin vụ này sẽ có kết quả”.
Khi nhận được thông tin về vụ việc, công an quận Hoàng Mai đã đến hiện trường, khám nghiệm hiện và thu thập các chứng cứ để truy tìm hung thủ.
"Cơ quan công an đã có kế hoạch bảo vệ cho tôi, nhưng tôi không dám chắc điều gì cả, mặc dù các cơ quan chắc năng đã vào cuộc quyết liệt. Cho tôi được bình luận: “Tôi chưa thấy mình an toàn”, Anh Hoàng lo lắng.
Thu Trang