Tin mới

Nhà báo Nhan Hữu Sáng: "Cứ nhìn thấy ảnh của Chủ tịch, tim tôi lại đau nhói"

Thứ năm, 27/09/2018, 15:00 (GMT+7)

Nhà báo Nhan Hữu Sáng - PV ảnh chuyên trách của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Trưởng ban Biên tập Ảnh TTXVN đã có những chia sẻ xúc động về Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên báo Nhà báo và Công Luận.

Nhà báo Nhan Hữu Sáng - PV ảnh chuyên trách của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Trưởng ban Biên tập Ảnh TTXVN đã có những chia sẻ xúc động về Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên báo Nhà báo và Công Luận.

Chia sẻ trên Nhà báo và Công luận, nhà báo Nhan Hữu Sáng cho biết mình may mắn khi trở  thành phóng viên chuyên trách cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngay từ buổi đầu nhậm chức cho đến tận ngày làm  việc cuối cùng. 
Theo nhà báo Nhan Hữu Sáng, đây là quãng thời gian vô cùng ý nghĩa trong suốt 20 năm làm nghề của mình. 

"Mấy hôm nay cứ mở máy  tính ra, nhìn thấy ảnh Chủ tịch, tim tôi lại đau nhói", nhà báo Nhan Hữu Sáng ngậm ngùi.

"Trước khi gặp Chủ tịch nước, tôi và nhiều đồng nghiệp có phần e dè, ngần ngại vì đều nghĩ rằng ông là người nghiêm khắc, khó gần, điều này cũng hết sức dễ hiểu bởi trước khi là Chủ tịch nước, ông đang là vị Đại tướng oai hùng, là Tư lệnh của lực lượng công an nhân dân. Nhưng khi tiếp xúc rồi thì mới thấy, những lo lắng ấy dường như tan biến bởi sự chân tình, giản dị trong từng hành động. Chủ tịch còn bảo chúng tôi, chỗ làm việc thì xưng hô là Chủ tịch, còn khi bình thường cứ gọi là chú - cháu cho thân mật...", nhà báo Nhan  Hữu Sáng kể. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang xem lại các bức hình chụp cho ông dịp Xuân Mậu Tuất 2018 vừa qua. Ảnh: TTXVN

Kể về ngày đầu tiên anh được nhận nhiệm vụ phóng viên ảnh chụp chính cho buổi nhậm chức của Chủ tịch vào ngày ngày 2/4/2016, nhà báo Nhan Hữu Sáng cho biết sau buổi nhậm chức đó, Chủ tịch có gọi anh đến và bảo "Cháu đi sang đây với chú một lát nhé".

"Tôi đi theo Chủ tịch sang Phủ Chủ tịch, đến nơi đã có rất nhiều quan khách, những người thân, họ hàng đến để chụp ảnh kỷ niệm với ông. Lần đầu tiên phục vụ đã được tín nhiệm nên cảm xúc lúc đó với tôi thực sự  rất ấm áp, rất đặc biệt. Vài hôm sau, Chủ tịch gọi tôi sang phòng, nhờ tôi chọn giúp những bức ảnh gia đình thật đẹp để ông tặng và treo trong nhà. Điều đáng nhớ là, trong số những bức ảnh ấy có một bức ảnh thiếu vắng một người trong dòng họ, Chủ tịch cẩn thận xem kỹ và đề nghị tôi ghép thêm cho đầy đủ rồi mới được in ra. Những việc rất nhỏ như vậy, cũng khiến tôi cảm nhận được ông là người sống rất tình cảm, gần gũi, ân tình."

Rồi suốt quá trình được phục vụ ông, sự thân tình, gắn bó mà ông dành cho các phóng viên chúng tôi lại càng sâu sắc hơn, vào những ngày lễ, tết, chưa bao giờ ông quên gửi quà cho gia đình các phóng viên dù bận đến đâu.

Thậm chí ông còn luôn nhắc nhở cánh phóng viên chúng tôi, luôn phải quan tâm đến vợ con trong những ngày lễ tết, 20/10, 8/3... bởi đó là hậu phương vững chắc để chúng tôi yên tâm làm việc, cống hiến.

Không chỉ Chủ tịch mà phu nhân Chủ tịch cũng vậy, bà luôn quan tâm chúng tôi qua những lời thăm hỏi, động viên, thậm chí năm nào bà cũng nhắn tin chúc mừng chúng tôi vào ngày 21/6 với sự trân trọng. Sự quan tâm của Chủ tịch với phóng viên còn ở những điều rất nhỏ, ở từng bữa ăn trong các chuyến công tác, thậm chí cả những bữa ăn thân mật trong gia đình, chúng tôi đều được mời góp mặt, khi thì ở quê Chủ tịch, khi thì về quê của phu nhân Chủ tịch, khi thì ở nhà riêng.

Tôi vẫn không thể quên được, cái tết đầu tiên Chủ tịch nhậm chức. Hôm đó là chiều 30 tết, tôi đang đi xe máy trên đường thì nhận được cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia nói: “Cháu đang ở đâu đấy, có bận gì không, chú Quang đây!” Tôi bình thản hỏi theo phản xạ tự nhiên: “Dạ, chú Quang nào ạ?”. Rồi ngay lập tức tôi nhận ra giọng Chủ tịch nên vội nói ngay: “Dạ cháu chào Chủ tịch ạ, cháu vừa xong việc rồi, cháu không bận gì ạ”. Ông nói tiếp: “Thế cháu qua Phủ Chủ tịch, có chút việc nhé”. Đó là lần đầu tiên Chủ tịch dùng máy riêng gọi cho tôi.

Tôi vội về nhà mặc quần áo chỉnh tề rồi lập tức qua Phủ Chủ tịch. Đến nơi, Chủ tịch hỏi han tôi và một số đồng nghiệp khác xem đã chuẩn bị tết cho gia đình như thế nào rồi. Sau đó Chủ tịch bảo: “Cô chú có chút quà cho gia đình, chúc mừng năm mới các cháu cùng gia đình nhé”. Chúng tôi ai nấy đều cảm động, không nói lên lời. Chủ tịch còn mừng tuổi sớm mỗi người một đồng tiền may mắn 2 đô có in hình con gà với chữ kí của ông. Chúng tôi trân trọng món quà quý ấy, thấy ấm áp lắm, ai cũng mang về đặt lên ban thờ ngày tết. “Cũng chính bởi tình cảm ấy, mà chúng tôi khi làm việc ai nấy đều rất tận tậm. Bởi đó không chỉ dừng lại là công việc, là nghề mà chúng tôi còn đặt cả tâm hồn mình vào mỗi khoảnh khắc, ở đó còn là tình cảm, sự trân trọng mà phóng viên chúng tôi dành cho Chủ tịch và gia đình ông” – Nhà báo Nhan Hữu Sáng nhấn mạnh.

Nhà báo Nhan Hữu Sáng là người may mắn có được hàng nghìn bức ảnh chụp Chủ tịch nước trong các chuyến công tác, làm việc cho đến những bức ảnh chụp gia đình. 

"Đối với nhóm phóng viên chuyên trách chúng tôi, chiều 19/9 sẽ mãi mãi là một kỷ niệm đau buồn, bởi đó là ngày hoạt động cuối cùng của Chủ tịch trước khi ông đột ngột từ trần do cạn kiệt sức chống đỡ với căn bệnh hiểm nghèo vào ngày 21/9. “Lần đầu tiên trong quá trình đương nhiệm, tôi thấy Chủ tịch khi phát biểu mà không đứng dậy. Tôi đã chột dạ lo lắng nhưng cũng không nghĩ đến tình huống xấu nhất như thế” – nhà báo Nhan Hữu Sáng nghẹn ngào.

"Tôi vẫn nhớ câu nói cửa miệng của Chủ tịch trong những chuyến công tác: “Các cậu có đi cùng tớ được không?”. Dù biết đó là nhiệm vụ, biết là chúng tôi nhất định phải đi theo phục vụ nhưng với ông, luôn luôn khiến cho chúng tôi cảm giác đó là sự đồng hành hơn là công việc, đó là sự chân thành hơn là trách nhiệm. Thậm chí, ông sang Nhật chữa bệnh trở về, khi gặp lại chúng tôi, ông còn nói vui: “Chào các chiến hữu, tớ đi công tác về lâu quá không gặp...”.

Trong công việc, chúng tôi được tạo điều kiện hết sức bởi ông là người đặc biệt quan tâm và hiểu về nghề báo. Trong các chuyến công tác, xe đưa Chủ tịch nước đi trước, xe của phóng viên đi sau cùng. Nhưng bao giờ cũng vậy, khi đoàn dừng lại, nhóm phóng viên xuống xe chạy lên trước, vào hết vị trí tác nghiệp thì Chủ tịch mới bước xuống xe và thực hiện các nghi lễ.

Chính vì thế, chưa bao giờ chúng tôi bị lỡ các khoảnh khắc của các sự kiện mà Chủ tịch tham gia.

Trong nhiều cuộc làm việc quan trọng, Chủ tịch luôn là người dặn dò anh em báo chí nên chọn lọc đưa các vấn đề nào, tránh đưa thông tin nào... “Thậm chí, có những lúc Chủ tịch còn khiến tôi cảm động, bởi những cử chỉ tinh tế, sự trân trọng sức lao động của phóng viên. Chẳng hạn như trong chuyến đi thăm Lào và Campuchia, bức ảnh của tôi chụp Chủ tịch và phu nhân được treo rất trọng thị trên đường đi.

Bắt gặp hình ảnh đó, ngay cả khi trời mưa, Chủ tịch vẫn dừng xe cùng phu nhân đứng cạnh tấm pa nô đó và bảo tôi chụp lại làm kỷ niệm. Chỉ vậy thôi, đủ thấy ông trân trọng và nâng niu những bức ảnh như thế nào, khiến tôi yêu hơn công việc, nghề nghiệp của mình, thấy những khoảnh khắc bấm máy trở nên ý nghĩa vô cùng. Chủ tịch ra đi để lại trong tôi và các phóng viên chuyên trách một sự mát mát lớn, sự trống trải và hụt hẫng. Một trong những điều tiếc nuối của tôi đó là không có một bức ảnh nào chụp riêng giữa hai chú cháu...” - Nhà báo Nhan Hữu Sáng chia sẻ.

Dân Trí cho hay ngày 21/9, nguồn tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Trần Đại Quang, sinh năm 1956, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do mắc bệnh hiểm nghèo, mặc dù được các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện, nhưng đã không qua khỏi.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào lúc 10h5 phút ngày 21/9/2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Trước đó, ngày 2/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Trần Đại Quang đã được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.

Ngày 27/9/2018, sau lễ truy điệu tại Hà Nội, thi hài của chủ tịch nước Trần Đại Quang được đoàn linh xa đưa về quê hương Ninh Bình. 

13h30 phút ngày 27/9, đoàn xe đưa linh cữu Chủ tịch nước về nơi an táng tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình. 

Người dân Ninh Bình đội mưa đứng kín hai bên đường đón đoàn xe chở linh cữu Chủ tịch nước. Ảnh: Dân Trí

15h30 phút lễ an táng chính thức bắt đầu. 

Hàng nghìn người dân Ninh Bình đã đứng kín hai bên đường và có mặt tại địa phương để đón đoàn xe chở linh cữu của Chủ tịch nước về quê nhà làm lễ an táng.

Minh Di (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news