Ngay cả trong lúc mất việc, thiếu thốn tiền bạc, nhưng người đàn ông này vẫn dành nhiều năm ở Ai Cập và tìm ra lăng mộ cùng kho báu khổng lồ gây chấn động thế giới.
Nếu không nhờ có sự quyết tâm cùng niềm đam mê của nhà khảo cổ người Anh Howard Carter thì có lẽ nhân loại đã không được chiêm ngưỡng lăng mộ hơn 3.000 năm tuổi của Pharaoh Tutankhamun (1343-1325 TCN) cùng khổng lồ của ông vào năm 1922.
Đây được coi là một trong những phát hiện khảo cổ chấn động nhất của thế kỷ 20.
MỐI DUYÊN ĐỊNH MỆNH
Howard Carter (1874-1939) được sinh ra tại thành phố London. Ông là con trai của Samuel Carter, một nghệ sĩ và hy vọng Howard có thể kế nghiệp mình.
Nhà khảo cổ học Howard Carter. Ảnh minh họa
Dù vậy, nhưng nhờ một lần tham gia vào cuộc thám hiểm của nhà khảo cổ tại Ai Cập, Carter bắt đầu công việc khai quật và thực hiện ghi chép các họa tiết trong các ngôi mộ.
Dần dà, tình yêu và niềm đam mê nghiên cứu khảo cổ và Ai Cập học đến với người nghệ sĩ trẻ tuổi này lúc nào không hay.
Sự nghiệp khảo cổ của Howard Carter ban đầu cũng rất thuận lợi. Ông được bổ nhiệm làm chánh thanh tra cổ vật Ai Cập năm 1899. Tuy nhiên, một biến cố năm 1904 khiến ông buộc phải từ chức và sự nghiệp nghiên cứu gần như kết thúc.
Tuy nhiên, trong đầu Carter luôn tin rằng ông sẽ tìm được ngôi mộ của pharaoh Tutankhamun và phỏng đoán rằng nó nằm trong khu vực Thung lũng các vị vua huyền bí của Ai Cập.
Bá tước Lord Carnarvon giàu có và vợ. Ảnh: Eurasia Review
Cơ duyên đến với khám phá khảo cổ chấn động nhất thế kỷ 20 của bá tước giàu có Lord Carnarvon (người tài trợ chính cho cuộc khai quật của Howard Carter) cũng rất tình cờ. Ông bị thương nặng trong một tai nạn xe hơi ở Đức và được chuyển tới London để điều trị.
Tuy nhiên, sau đó bác sĩ điều trị đã khuyên ông tới Ai Cập với hy vọng khí hậu ở đây có thể giúp ông mau chóng bình phục. Nghe lời khuyên, bá tước Carnarvon đã đến Ai Cập lần đầu tiên vào năm 1903.
Thực tế đã chứng minh khí hậu ở đất nước kim tự tháp rất phù hợp với thể trạng của Carnarvon nhưng bản thân ông lại cảm thấy khá buồn chán. Sau cùng, ông quan tâm tới khảo cổ học và mong muốn khám phá kho tàng văn minh Ai Cập.
Sau khi tham khảo ý kiến của vài người bạn, Carnarvon đã gặp mặt Howard Carter tại Luxor (Ai Cập) và trò chuyện về mối quan hệ hợp tác vào năm 1907.
Bá tước Carnarvon và nhà khảo cổ Howard Carter. Ảnh: Pinterest
Trong khoảng thời gian từ năm 1907-1915, nhà khảo cổ học Carter đã đạt được một số thành công nhất định khi khoan và thăm dò một số ngôi mộ ở các bang miền Trung, tìm thấy một số cổ vật của Nữ hoàng Hatshepsut, Pharaoh Ramses IV,...
Dù vậy, hai người đều rất mong muốn tìm ra một trong những lăng mộ của Pharaoh Ai Cập. Tuy nhiên, họ lại không thể thực hiện được vì lúc bấy giờ Thung lũng các vị vua chỉ có Theodore Davis, luật sư kiêm nhà thám hiểm người Mỹ, là người duy nhất có quyền (do Cơ quan cổ vật Ai Cập cấp giấy phép) khám phá khu vực này.
Sau đó, do tình hình sức khỏe yếu đi, ông Davis quyết định từ bỏ và nhượng quyền thám hiểm trong Thung lũng các vị vua và điều này đã tạo cơ hội cho Carnarvon và nhà khảo cổ Howard Carter.
...đến thành quả khiến cả thế giới ngưỡng mộ
Sau 6 năm tìm kiếm không thu được kết quả gì, bá tước Lord Carnarvon (tên thật là George Herbert) quyết định dừng viện trợ cho quá trình tìm kiếm lăng mộ của pharaoh Tutankhamun.
Tuy nhiên, ông Carter đã thuyết phục vị bá tước này và kết quả thật bất ngờ khi thu được thành quả chưa từng thấy vào ngày 26/11/1922 ở Thung lũng các vị vua ở Ai Cập.
Trước đó 3 tuần (ngày 4/11/1922), ông Carter và nhóm cộng sự của mình đã tình cờ phát hiện ra một cầu thang bằng đá trong đống đổ nát đầy các mảnh vụn của tảng đá trong Thung lũng các vị vua ở Ai Cập.
Sau khi gạt bỏ những mảnh vỡ trên cầu thang, nhóm của Carter phát hiện có một cánh cửa có con dấu được niêm phong với thạch cao. Đây liệu có phải là dấu ấn của ngôi mộ hoàng gia. Phát hiện này khiến nhà khảo cổ người Anh Carter trở nên rất phấn khích.
Ngay sau đó ông đã lập tức gửi một bức điện tín khẩn cho người tài trợ cuộc khai quật cuối cùng của mình là bá tước Carnarvon giàu có: "Cuối cùng tôi đã khám phá ra điều tuyệt vời trong thung lũng. Một ngôi mộ tráng lệ với con dấu nguyên vẹn".
Phát hiện lối vào lăng mộ và gần như còn nguyên vẹn khiến nhà khảo cổ Howard Carter vô cùng sung sướng. Ảnh: Pinterest
Sau khi nhận được tin báo của Carter, vị bá tước giàu có Carnarvon lập tức đến Ai Cập để chứng kiến việc mở lăng mộ. Khi nhà khảo cổ Carter và nhóm thợ đào dọn dẹp lối cầu thang, toàn bộ cánh cửa bị lộ ra và con dấu của pharaoh Tutankhamun cũng được hiện ra.
Ông Carter và bá tước Carnarvon tại lối vào của lăng mộ. Ảnh: Parmadaily
Linh cảm của Carter là đúng. Ông đã tìm thấy nơi yên nghỉ của vị pharaoh trẻ tuổi. Tuy nhiên, điều khiến Carter băn khoăn là liệu rằng lăng mộ có thực sự nguyên vẹn khi cánh cửa niêm phong có dấu hiệu bị tổn hại và sửa chữa.
Nỗ lực của Carter và bá tước Carnarvon đã được đền đáp xứng đáng. Ảnh: San Diego Natural History Museum
Ngày hôm sau, nhóm nghiên cứu tập trung để mở cửa lăng mộ. Bá tước Carnarvon cùng một số người khác cũng có mặt. Nhà khảo cố Carter đã khoan một lỗ nhỏ ở góc trên cùng của bức tường ngăn cách và cầm một ngọn nến soi vào bên trong.
Carter nhìn vào và trong sự lấp lánh của những khối vàng lớn, mọi thứ thực sự đều im lặng đến không thể tưởng tượng nổi. Khi đôi mắt của ông dần quen với bóng tối, bỗng bá tước Carnarvon hỏi: "Anh có thấy gì không?"
Carter đáp lại: "Vâng. Những điều tuyệt vời. Những điều tuyệt vời!".
Kho báu khổng lồ, thời gian thống kê lên tới gần 10 năm
Cái nhìn thoáng qua về kho cổ vật toàn vàng ròng trong lăng mộ Tutankhamun ngày đó quả thực là một phần thưởng tuyệt vời trong sự nghiệp nghiên cứu khảo cổ học của Howard Carter.
Ông đã luôn nỗ lực trước những trở ngại và không từ bỏ ngay cả khi gặp khó khăn về tài chính cho các cuộc khai quật.
Nhà khảo cổ Carter và các cộng sự tiến hành tháo dỡ một trong những đền thờ bằng vàng ở buồng chôn cất. Ảnh: Rare Historical Photos
Carter mô tả lại khoảnh khắc đáng nhớ này: "Khi mắt tôi đã làm quen được với ánh sáng, những chi tiết trong căn phòng dẫn hiện ra chậm rãi từ màn tối với hình ảnh của những con vật kỳ lạ, những bức tượng và vàng, tất cả mọi thứ đều được dát vàng".
Nhà khảo cổ Howard Carter và các công nhân mở cánh cửa ở đáy lăng mộ, nơi đặt quan quách của pharaoh Tutankhamun. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, phải đến đầu năm 1923, Carter và nhóm nghiên cứu của ông mới mở được phòng chôn và phát hiện ra quan tài của vị Pharaoh trẻ tuổi.
Cánh cửa căn phòng chôn cất được mở ra vào tháng 2/1923 và lần đầu tiên nhóm khai quật của Carter trông thấy một loạt cổ vật vô cùng quý giá như quan quách bằng vàng của Tutankhamun, mặt nạ mai táng và xác ướp của vị Pharaoh này.
Bên cạnh căn phòng chôn cất là một phòng nhỏ hơn, chứa hàng nghìn cổ vật, đồ tạo tác bằng vàng quý giá, và có vẻ như chúng vẫn còn nguyên vẹn đáng kể sau 3.000 năm dù đã từng bị những kẻ trộm đào bới thời cổ đại.
Tấm che ngực được chế tác tinh xảo và quý giá của Pharaoh Tutankhamun. Cổ vật này được làm bằng vàng, ngà voi và đá quý. Ảnh: Bảo tàng Ai Cập
Lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun gồm có 3 gian và nơi đặt xác ướp của vị vua trẻ tuổi này là gian trong cùng. Carter và các cộng sự đã bị choáng ngợp khi nhìn thấy kho báu gồm hơn 5.000 đồ tùy táng vô cùng giá trị, trong đó còn có nhiều cổ vật bằng vàng ròng.
Mô hình lăng mộ của pharaoh Tutankhamun. Ảnh: Wojciech Ostrycharz
Trong căn phòng chứa nhiều cổ vật giá trị, có hai bức tượng bảo vệ. Ảnh: Internet
Howard Carter và cộng sự sử dụng vải quấn quanh bức tượng lính canh trước khi di chuyển. Ảnh: Rare Historical Photos
Ông Carter kiểm tra quan tài bằng vàng trong lăng mộ. Ảnh: Rare Historical Photos
Kho báu xa hoa cho thấy cuộc sống vương giả của vị Pharaoh thuộc Vương triều thứ 18 (trong giai đoạn Tân Vương quốc), trị vì đất nước vào khoảng năm 1332-1323 TCN, đây được coi là thời kỳ cực thịnh của Ai Cập cổ đại.
Lên ngôi khi mới 9 tuổi, Pharaoh Tutankhamun tại vị trong thời gian ngắn ngủi và ra đi ở lứa tuổi chưa tới 20.
Có lẽ do qua đời đột ngột nên lăng mộ không được chuẩn bị kỹ càng và một lý do nào đó nên việc chôn cất vị vua trẻ tuổi được tiến hành một cách vội vã.
Pharaoh Tutankhamun được chôn cất một cách vội vã. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, việc người kế nhiệm tiếp theo của Ai Cập cổ đại đã cố gắng tìm cách xóa tên tuổi và những thông tin liên quan đến Tutankhamun nên nhờ vậy mà những kẻ trộm mộ không có khả năng tìm ra nơi yên nghỉ thực sự của vị pharaoh này.
Tuy được chôn cất một cách vội vàng, nhưng kho báu toàn vàng ở bên trong lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun thực sự gây chấn động thế giới lúc bấy giờ. Cater và các cộng sự phải mất tới gần 10 năm mới có thể thống kê và phân loại hết được số cổ vật khổng lồ.
Dưới đây là một số cổ vật quý giá trong lăng mộ pharaoh Tutankhamun:
Mặt nạ mai táng quý giá của Tutankhamun, được coi là một trong những biểu tượng của Ai Cập cổ đại. Ảnh: Harry Burton
"Long sàng" đầu hổ vàng xa hoa trong lăng mộ. Ảnh: Ancientorigins
Quan tài bằng vàng ròng nguyên khối của vị pharaoh trẻ tuổi. Ảnh: Ancientorigins
Mặt nạ bằng vàng đắt giá. Ảnh: Getty
Trong lăng mộ, còn có rất nhiều "dị vật" bằng vàng. Ảnh: AP
Nhiều người vui sướng khi tận mắt được trông thấy kho báu trong lăng mộ pharaoh Tutankhamun. Ảnh: Getty Images
Những bức tượng lấp lánh ánh vàng trong lăng mộ. Ảnh: Shutterstock
Bức tường được trang trí sang trọng trong gian phòng đặt quan quách của Tutankhamun. Ảnh: AP
Bình cổ quý giá hơn 3.000 năm quý giá và giàu ý nghĩa. Ảnh: Getty
Trong số hàng nghìn cổ vật tùy táng, có cả những vật dụng mà pharaoh Tutankhamun sử dụng khi còn nhỏ. Ảnh: Rare Historical Photos
Những hòm tiền trong lăng mộ. Rare Historical Photos
Lời nguyền bí ẩn
Sau gần 100 năm khai quật, kho báu khổng lồ và lời nguyền bí ẩn trong lăng mộ của pharaoh Tutankhamun vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn khó lý giải.
Bức tượng Anubis (vị thần trong các lăng mộ với hình dáng mình người và đầu chó rừng). Ảnh: Rare Historical Photos
Nhiều người cho rằng lời nguyền chết chóc cho những kẻ dám xâm phạm giấc ngủ của Pharaoh đã ứng nghiệm.
Cái chết đầu tiên là của con chim hoàng yến mà ông Carter rất mực yêu quý. Điều kỳ lạ là con chim nhỏ bị rắn hổ mang ăn thịt. Đây vốn được cho là loài vật biểu tượng canh giữ lăng mộ Pharaoh.
Lăng mộ Tutankhamun vẫn còn nhiều điều bí ẩn sau gần 100 năm khai quật. Ảnh: News.com.au
Tiếp đến, bá tước Carnarvon, người đam mê khảo cổ và tài trợ cho cuộc khai quật cũng đột ngột qua đời chỉ vài tháng sau khi tìm thấy lăng mộ.
Lăng mộ Tutankhamun hé mở sau hơn 3.000 năm khiến nhiều người lo sợ về lời nguyền bí ẩn có thể ứng nghiệm? Ảnh minh họa
Ông ra đi vì một vết muỗi bị nhiễm bệnh. Sau đó, trong các năm tiếp theo, một số người tham gia cuộc khai quật cũng qua đời đột ngột một cách khó hiểu.
Tuy nhiên, người tham gia chính vào quá trình khám phá lăng mộ Tutankhamun, nhà khảo cổ học Howard Carter vẫn sống sót trong nhiều năm sau đó.
Ông kiên trì với công việc làm sạch và kiểm kê số cổ vật khổng lồ trong lăng mộ và hoàn thành vào năm 1932. Sau đó, ông Carter qua đời ở London vào năm 1939 vì căn bệnh ung thư.
Có vẻ như lời nguyền chết chóc trong lăng mộ pharaoh Tutankhamun là một ngoại lệ đối với nhà khảo cổ học tâm huyết Howard Carter. Nỗ lực nghiên cứu và khám phá của ông đã khơi dậy sự tò mò và chú ý của người dân thế giới với nền văn minh Ai Cập cổ đại đầy bí ẩn.
Tham khảo nguồn: NatGeo, Britannica, Sdnhm