Bên đường thiên lý Bắc-Nam đoạn qua địa phận ngã 3 Ninh Hòa, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, có ngôi cổ mộ khổng lồ, có tường bao bọc với những đôi nghê, đôi lân đứng chầu trầm mặc.
Ít ai biết, người nằm dưới mộ là bà vú của vua Gia Long ở cái thời ông còn chưa làm nên nghiệp lớn.
Theo truyền tụng dân gian, bà vú rất yêu thương và phụng sự vị ấu chúa đến phút cuối cùng. Nên khi bà qua đời, vua Gia Long với niềm tiếc thương vô hạn đã phong bà là “Nhũ mẫu” và cử quan binh từ Huế vào tận đất Ninh Hòa xây lăng mộ bề thế cho đúng với tầm vóc nhũ mẫu của hoàng đế! Có người nói lăng bà từng là kho báu khổng lồ với nhiều cổ vật tùy táng bằng vàng ròng do hoàng đế Gia Long ban tặng.
Những lời đồn đại ấy, có bao nhiêu phần trăm là sự thật?
Cổ mộ đồ sộ nhất núi Sầm
Ông Nguyễn Tòi, người trông giữ lăng mộ bà vú cho biết dựa trên ghi chép hơn 200 năm qua, dù cất công truy nguyên nhưng chẳng ai rõ bà vú của hoàng đế Gia Long tên gì, bà mất năm bao nhiêu tuổi. Chỉ biết rằng mộ được xây dựng ròng rã trong 2 năm, kéo dài từ năm 1802- 1804 mới hoàn thành, và cũng từ đây, “lăng bà vú” là cụm từ được dân gian quen gọi. Cũng theo ông Tòi, lăng bà vú gắn với nhiều huyền tích ly kỳ về những đôi mãng xà khổng lồ hộ lăng, về luồng sáng bí ẩn đến nay vẫn chưa có lời giải thích mà dân trong vùng thường gọi “bà về”… cùng nhiều hiện tượng tâm linh khác.
Có tổng diện tích gần 1.500m2, được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1999, lăng bà vú tọa lạc dưới chân núi Sầm, trên một gò đất cao được gọi là Gò Lăng mà ngày trước thuộc địa phận xóm Rượu (nay thuộc phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa).
Các bậc cao niên ở xóm Rượu khẳng định, lăng bà vú là cổ mộ hùng tráng nhất núi Sầm từng một thuở là chốn thiêng linh, là nơi mà hồn bà hiển linh cưu mang, giúp đỡ biết bao phận người khốn khó hay lâm hoạn nạn. Lăng bà vú cũng đồng thời là biểu hiện của lòng nhân ái, truyền thống ăn quả nhớ người trồng cây, lòng thành của một vị vua ở ngôi cao nhưng vẫn không quên những người lặng thầm giúp mình thuở suy vi…
“Lăng bà là lăng mộ duy nhất được xây dựng từ lệnh “chỉ đạo” trực tiếp của một vị vua dành cho người chỉ giúp đỡ mình một lần lúc nguy khốn” – ông Bôn, một người tìm hiểu lịch sử công trình kiến trúc nơi đây phân tích.
Con nghê trăm năm và những hoa văn đắp nổi tinh xảo. Ảnh: Phúc Khang |
Ly kỳ chuyện thiên tử đáp đền ơn xưa
Theo đó, “bà vú là phú hộ giàu có nhưng không có con cái. Nhờ có bà mà vua Gia Long khi còn là chúa Nguyễn Ánh cùng gia quyến và tàn quân đã thoát cảnh chết đói và bạo bệnh”?!
Căn cứ vào sử liệu, các nhà sử học ghi rằng, Ninh Hòa là vùng đất xưa có hơn 350 năm lịch sử và khu vực tọa lạc lăng bà vú nằm trên con đường cái quan là nơi từng lưu dấu biết bao trận đánh khốc liệt giữa quân Tây Sơn và tàn quân của chúa Nguyễn. Đến thăm ngôi lăng bà, chúng tôi cảm nhận được sự hoành tráng của quần thể lăng tương ứng với địa vị “nhũ mẫu con trời” mà sự oai linh sau hơn 200 năm vẫn còn hiện diện đâu đó bên những bờ thành rêu phong, trầm mặc.
Như mô tả của tiền nhân, lăng bà vú mặt quay về hướng Đông Nam, hình chữ nhật, chia làm 3 lớp gồm thành ngoài (trước cổng có 2 trụ lớn, trên mỗi trụ đắp kỳ lân khổng lồ dáng uy nghi), thành nội (có đôi mãnh sư chầu 2 bên) và trong cùng là phần mộ với nhà bia, văn bia.
Phía sau mộ phần của bà là vòng tường thành hình cánh cung, trên tường đắp nổi các hình tượng thư kiếm, lưỡng long chầu nguyệt cùng phù điêu tinh xảo diễn tả các tích xưa như ngư tiều canh mục, nhị thập tứ hiếu, lâm thất hiền…
“Nghe các cụ kể hồi chúa Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn, vì thế lực còn yếu nên chúa bị 3 anh em nhà họ Nguyễn đánh chạy khắp nơi. Ngày nọ, bị truy sát, chúa Nguyễn Ánh cùng gia quyến và thủ hạ đến làng Mỹ Hiệp lúc trời tối đen như mực. Lúc ấy lương thực cạn kiệt, ai nấy đều đói và kiệt sức, bản thân chúa lại thụ bệnh, tình cảnh vô cùng nguy khốn”.
Theo lời kể của ông Tòi dựa trên ghi chép điền dã của một nhà văn người bản xứ, trong cái cảnh lao đao lận đận ấy, chúa Nguyễn Ánh đã được một người phụ nữ lớn tuổi giàu lòng trắc ấn, chẳng ngại hiểm nguy rộng lòng giúp đỡ. Người ấy là... bà vú.
“Bấy giờ một bà phú hộ không rõ tên tuổi là gì có lòng hào hiệp mời Nguyễn Vương cùng đám tùy tùng vào nhà nghỉ ngơi. Một mặt bà bảo người nhà giết heo làm thịt, lấy cơm đãi tất cả một bữa no nê, và cung cấp thêm lương thực khô để rạng ngày hôm sau lên đường. Mặt khác đối với Nguyễn Vương bà săn sóc thuốc men chu đáo, bảo người vắt sữa bò cho Vương uống và mang theo. Nhờ sự săn sóc tận tình và đối đãi tử tế ấy mà Vương được lành bệnh, quân sĩ lấy lại sức khỏe để tiếp tục bôn tẩu lên đường tỵ nạn”.
Chuyện kể rằng sau khi triệt tiêu nhà Tây Sơn, thống nhất thiên hạ, khi đã lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Gia Long, nhớ ơn xưa của bà phú hộ, vua Gia Long xuống chiếu mời bà ra Thuận Hóa để trả ơn nhưng khi sứ giả đến nơi trao chiếu thì bà đã mất từ lâu. Hay được tin ấy, vị vua sáng lập triều Nguyễn vô cùng tiếc thương đã xuống chiếu sắc phong cho bà phú hộ quá cố là “Nhũ mẫu”, có nghĩa bà vú và truyền Bộ Công đưa một số binh thợ lúc bấy giờ đang xây dựng cung điện vào tận nơi ở của nhũ Mẫu hoàng đế chỉ đạo, phối hợp cùng thợ địa phương xây lăng để nhớ công ơn của bà. Hàng năm, tế lễ tưởng nhớ công xưa phò “vua” giúp nước.
Nhà ngoại cảm bị “vật” chết vì dám tiết lộ thiên cơ?
Hỏi cụ Lời, ông Tời kỳ thực “bà vú” là ai, lẽ nào bà là người ở vùng nhưng sao lại chẳng ai biết rõ họ tên cũng như hoàn cảnh thực của bà, cả hai ông lắc đầu.
“3 năm trước, có một nhà ngoại cảm ở Tây Ninh trên đường tìm mộ liệt sĩ khi đi qua đây đã... thấy bà. Tôi nhớ rất rõ khi ấy, vào giữa trưa, đang trò chuyện, ông ngoại cảm bỗng nhiên hỏi trong trỏng kiểu như “cụ kia, cụ là ai mà cứ nhìn tôi cười?”. Hỏi ra mới biết ông ấy thấy vong của cụ bà nằm dưới lăng, bà nói cho ông biết mình là người Hoa, tổ tiên vì thời cuộc phiêu dạt đến vùng này. Cụ bà cho biết chồng mình đã về lại cố quốc và chết bên ấy, chỉ còn lại bà ở vùng này không con cái”.
Lục lại ký ức, một hồi sau ông Tòi kể những mẩu chuyện góp nhặt được quanh huyền tích thật sự của nhũ mẫu vua Gia Long với thái độ dè dặt. Ông bảo chẳng biết nhà ngoại cảm kia có nói bừa nói bậy hay không mà khiến bà giận, hay vì ông cả gan tiết lộ thiên cơ nên bị nghiệp báo.
“Bẵng đi vài tháng sau, tôi nhận được hung tin nhà ngoại cảm chết thảm khi được một đệ tử chở bằng xe gắn máy. Tai nạn xảy ra cũng trên đất Ninh Hòa này, xe chở ông ngoại cảm chạy với tốc độ chậm nhưng không hiểu sao lại đâm sầm vào xe cơ giới chạy ngược chiều?”.
Ông Tòi nuối tiếc: “Trước đây quanh mộ có bia đá ghi rõ thời gian tạo lập mộ cũng như công trạng của bà vú. Khoảng năm 1978, một người đàn ông ở xóm là ông Nguyễn Phước đã vào đây chiếm cổ mộ, đập phá tìm vàng và dùng một phần đất mộ xây nhà. Đồng thời, cổ mộ rơi vào quên lãng, những bia đá bị mưa, nắng bào mòn, không còn rõ chữ, phải “trả” cho ông ta mấy lô đất”.
Vẫn lời ông Tòi, ngày trước, quanh mộ bà rậm rì, um tùm, đầy rắn độc, có những con rắn đen trùi trũi, thân to bằng bắp vế ẩn quanh cổ mộ nên chẳng ai dám mạo phạm.
“Sau này người ta phá dữ quá nên mộ bà tan hoang. Điều lạ là khi cát cứ mộ bà một thời gian, ông Phước không chết vì rắn độc cắn nhưng bản thân ông chết trong đau đớn khủng khiếp. Ai cũng nghĩ ông ấy mạo phạm thần linh nên phải trả giá”, ông Tòi trầm giọng.
Hé lộ bí ẩn trăm năm
Trong cuốn Non nước Khánh Hòa mà ông Nguyễn Bôn cung cấp cho tôi bí ẩn về họ tên của bà vú vua Gia Long đã được hé lộ.
“Trong đêm tối, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng đến gõ cửa nhà một người dân để xin cơm đỡ dạ. Chủ nhà tương truyền là bà Trương Thị Tiền, là một bà lão có dáng người phúc hậu ra mở cửa. Thấy cảnh hoạn nạn, bà cụ động lòng trắc ẩn mời Nguyễn Ánh và đám tùy tùng vào nhà nghỉ ngơi. Bà cho người giết heo làm thịt, nấu cơm đãi mọi người... Sau đó, bà chỉ đường cho Nguyễn Ánh tiếp tục kéo quân thoát về phương Nam”. Sách còn ghi lại đoạn văn cúng mà người dân sở tại khấn vào dịp giỗ bà chính xác vào ngày 16 âm lịch tháng giêng hằng năm chứ không phải ngày 12 như một số tư liệu trước đó đề cập.
Tuy không biết Nhũ mẫu của hoàng đế Gia Long sống thọ bao nhiêu tuổi, nhưng ngôi cổ mộ của bà được người dân quả quyết trên 200 năm tuổi.
Ông Nguyễn Bôn, 61 tuổi, ngụ đường Phương Sài (Nha Trang) là người rất am tường lịch sử những công trình kiến trúc cổ trên đất trầm hương, trong đó có lăng bà vú. Khi trò chuyện với chúng tôi, ông Bôn quả quyết lăng bà là tuyệt tác mỹ thuật hiếm hoi và kỳ lạ không chỉ trong phạm vi triều Nguyễn mà ngay cả các triều đại phong kiến trước đó |
Theo N.Phúc Khang