Trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2013 được vinh danh, Nguyễn Dương Kim Hảo nhỏ tuổi nhất. Hảo mới 13, đang là học sinh lớp 7, trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình, TPHCM) nhưng số giải thưởng, bằng khen, huy hiệu em sở hữu đã gấp 3 lần số tuổi của em. Những sáng chế tin học, điện tử của Hảo khiến nhiều người lâu năm trong ngành IT phải thán phục!
Chỗ ở của mẹ con Hảo là một căn hộ chung cư cũ chừng 20m2 ở Q.Tân Bình, cũng là nơi dì Thúy - chị gái của mẹ Hảo - tập kết hàng may mặc để bỏ mối. Đón tôi ở cửa, cậu bé Kim Hảo lễ phép vòng tay “chào chị”. Tôi cười, “chào thần đồng”. Hảo nheo đôi mắt bị cận hơn 3 độ, thẹn thùng: “Anh chị yêu quý nên gọi, chứ em chưa giỏi vậy đâu”. Chị Thảo - mẹ Hảo - vừa tất tả xếp dọn đồ đạc để kiếm chỗ cho khách ngồi, vừa thanh minh về “cái sự bận rộn” của mẹ con chị, khi mấy lần tôi gọi điện hẹn gặp đều không được: “Hảo phải ôn tập để làm các bài kiểm tra bù cho đợt đi Hà Nội vừa rồi, chứ bình thường Hảo chỉ học một buổi, không phải học thêm, gặp lúc nào chẳng được”.
Hảo trong một cuộc thi sáng tạo tin học. |
“Mọt” máy tính!
Rời Cai Lậy (Tiền Giang) lên TPHCM được 3 năm, theo nhận xét của dì Thúy thì Hảo “vẫn đen nhẻm như những đứa trẻ quê, chỉ có mắt là cận nặng hơn thôi”. Ngồi đối diện với tôi, em luôn nhìn thẳng, hai tay xếp ngay ngắn. Ở Hảo có vẻ gì khác với những bạn cùng trang lứa khi em luôn tiếp nhận câu hỏi một cách chăm chú, trả lời thông minh.
Hảo là một “con mọt” máy tính, chị Thảo nói vậy, và cho biết, Hảo bắt đầu “quậy” máy tính từ khi em mới học mẫu giáo, đặc biệt lên lớp 2 đã nằng nặc đòi theo ba, lúc đó là giáo viên toán - lý cấp 2, đi dự khóa phổ cập tin học nhà trường”. Cũng theo chị Thảo, lúc đó ba của Hảo thấy con còn nhỏ, chỗ học lại xa, không thể đưa đi cùng, nên hứa sẽ truyền lại cho con những gì anh ấy tiếp thu được. Được ba hướng dẫn, học được cái mới nào, Hảo lại mừng rỡ mở máy tính thực hành ngay.
Hết khóa học, khi ôn tập chuẩn bị đi thi chứng chỉ A tin học thì ba của Hảo phần lớn tuổi, phần bận rộn nên không thể nhớ hết những gì đã học. Hảo ngồi bên, thấy ba lấn cấn chỗ nào, em liền “hướng dẫn” chỗ đó. Bất ngờ trước khả năng của con, ba Hảo đăng ký cho Hảo cùng đi thi. Thế là Hảo đỗ chứng chỉ A tin học loại giỏi khi chưa học hết lớp 2.
Năm lớp 4, Hảo đoạt giải cao nhất hội thi tin học trẻ tỉnh Tiền Giang rồi tham gia hội thi “Tin học trẻ toàn quốc 2011” và đoạt giải cao. Cuộc thi này cũng là cơ duyên đưa “cậu bé quê” lên Sài thành. “Được dì Thúy, các anh bên Thành đoàn TPHCM động viên, gia đình quyết định đưa Hảo lên đây. Dù còn nhiều vất vả, nhưng tôi thấy đây là một quyết định đúng” - chị Thảo nói.
Lên TPHCM, chị Thảo đưa con đi đăng ký học thêm tin học ở Trường Đại học Bách khoa. Nhìn thấy cậu bé học tiểu học chen vào hàng các sinh viên đại học đang đăng ký, cô ghi danh cứ tưởng Hảo là em của một sinh viên nào đó. Đến khi Hảo xin đăng ký và một mực khẳng định em sẽ theo kịp chương trình, cô phụ trách ghi danh đành phải nhờ thầy dạy tin học kiểm tra kiến thức trước khi quyết định. Sau phần kiểm tra, chính thầy dạy tin cũng bất ngờ về kiến thức tin học của cậu bé lên 10.
Kết thúc khóa học, với tấm bằng loại giỏi, cậu bé “tiểu học” đã gây bất ngờ cho thầy cô và sinh viên cùng khóa. Nhắc đến chuyện này, Hảo cười: “Lúc em đi đăng ký học ở FPT-Aptech cũng vậy, ban đầu, thầy cô nghĩ em là sinh viên nhưng cơ thể phát triển không bình thường nên mới có thân hình của một cậu bé như vậy”.
Nhà chật chội, không có chỗ treo nên số bằng khen nhiều gấp 3 lần số tuổi của Hảo được mẹ Hảo cất giữ trong thùng. |
Sáng tạo không ngừng nghỉ
Chiếc bàn học vốn đã nhỏ của Hảo dường như càng chật chội khi chứa trên đó ngoài hai cái máy tính là hàng chục huy chương, huy hiệu, cúp lưu niệm của các cuộc thi mà Hảo tham gia và đoạt giải. Ngoài huy chương vàng sáng tạo trẻ của Malaysia, Indonesia, giải thưởng đặc biệt Viện Sáng tạo hàn lâm Hàn Quốc, Hảo còn có vô số giải thưởng về sáng tạo, tin học từ cấp tỉnh, thành đến toàn quốc liên tục từ năm 2011 đến nay.
“Huy chương, cúp lưu niệm không xếp được nên mới bày ra bàn, bằng khen, giấy khen của Hảo xếp trong hai thùng carton lớn kia. Tổng số bằng khen nhiều gấp 3 lần số tuổi của Hảo đó, nhà chật quá, đụng đâu cũng hàng hóa, không có chỗ để treo” - dì Thúy phân trần.
Hảo nói “cái khó của em có chăng là không có ai hướng dẫn, các sản phẩm đều phải tự mày mò...Việc tự học cũng có cái lợi là mình sẽ có thêm kinh nghiệm, hoặc trong quá trình tìm hiểu mình sẽ nghĩ ra được cách làm hay hơn, nhưng đôi khi em cũng thấy nản vì nhiều tuần liền không tìm được ra lỗi...”.Hiện Hảo đang hoàn chỉnh các khâu chuyển ngôn ngữ trên chiếc Máy tính hóa học từ tiếng Việt sang tiếng Anh để tham dự triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ Châu Á năm 2014 và triển lãm quốc tế về sáng kiến, sáng chế và kiểu dáng công nghệ lần thứ 25 năm 2014 được tổ chức tại Malaysia.
Nói về sản phẩm tâm đắc của mình cho đến lúc này, Hảo kể: “Một lần tình cờ thấy chị họ của em chật vật với việc cân bằng phương trình hóa học, em nghĩ, nếu có một cái máy giúp chị tra cứu, học môn hóa học dễ hơn thì tốt quá, vậy là chiếc máy tính hóa học ra đời dù em chưa biết gì về môn hóa (lớp 8 chương trình THCS mới dạy môn hóa học - PV). Chiếc máy tính sẽ giúp tìm, cân bằng một phương trình hóa học nào đó, người dùng chỉ cần nhập thông tin liên quan về chất ấy, với các thao tác đơn giản. Ngoài việc tự động cân bằng các phương trình hóa học, em còn bổ sung một số yếu tố liên quan của phản ứng hóa học đó trong thực tế nữa”.
Với Hảo, căn nguyên những sáng chế của em đơn thuần là để giúp cho những người thân quanh em học, làm việc thuận lợi hơn, đồng thời thỏa niềm đam mê sáng tạo của chính mình. “Nhiệm vụ của em bây giờ vẫn là hoàn thành việc học ở trường. Tin học, điện tử là niềm đam mê bất tận, nhưng em sẽ đụng đến khi nào thấy thoải mái, thích thú...” - Hảo nói.