Tin mới

Nhà sử học Lê Văn Lan: Ga tàu điện ngầm C9 đang được đặt ở vị trí cực kỳ nhạy cảm

Thứ bảy, 10/03/2018, 08:55 (GMT+7)

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, ga C9 rơi vào một vị trí cực kỳ nhạy cảm, nên nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, ga C9 rơi vào một vị trí cực kỳ nhạy cảm, nên nhận được sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, theo ông Lan trước khi quyết định, các đơn vị chuyên môn đã tính toán một cách kỹ lưỡng, tham khảo rộng rãi ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhằm tìm ra những giải pháp hợp lý.

Tin tức trên Dân TríVnExpress cho hay, sáng 9/3, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã tổ chức trưng bày lấy ý kiến nhân dân vào Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).

Rất đông người dân và các nhà nghiên cứu, chuyên gia kiến trúc, xây dựng đã đến tham quan và góp ý sau khi mô hình Tổng mặt bằng ga ngầm C9 nằm cạnh Hồ Gươm, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 được trưng bày công khai

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, đây là thời điểm cơ quan chức năng phải tập trung giải thích nhằm tạo được sự đồng thuận trong đông đảo nhân dân.

Tại cuộc trưng bày, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, ga C9 rơi vào một vị trí cực kỳ nhạy cảm, nằm cạnh nhiều công trình văn hóa lịch sử nổi tiếng như Hồ Gươm, Tháp Bút, tượng đài Cảm tử,... "là nơi linh thiêng lắng hồn núi sông ngàn năm nên nhận được sự quan tâm của nhiều giới, nhiều người".

“Sau khi được chủ đầu tư tham vấn, tôi cũng đã có những ý kiến phản biện, thậm chí là rất gay gắt. Rất mừng là ý kiến đã được ghi nhận để chỉnh sửa nên cá nhân tôi thấy rất yên tâm” – ông Lan cho biết.

Phó Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - Lê Trung Hiếu cho biết, trong thời gian trưng bày, Ban sẽ bàn ghi nhận ý kiến tại chỗ, đồng thời tiếp thu các đóng góp của cán bộ, nhân dân cũng như các chuyên gia, nhà khoa học nhằm tiếp tục hoàn thiện phương án quy hoạch tổng mặt bằng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện những vấn đề liên quan đến ga C9

Trước và sau giờ khai mạc, rất đông người dân và các nhà nghiên cứu, chuyên gia kiến trúc, xây dựng đã đến tham quan và góp ý; khá nhiều người dân bày tỏ sự thắc mắc, thậm chí có người còn tranh cãi to tiếng xung quanh bản thiết kế.

Ông Tạ Khắc Hải (Tổ trưởng Tổ dân phố 21 phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) có mặt từ rất sớm tại khu vực trưng bày quan sát tỉ mỉ bản thiết kế. Ông Hải cho biết, ông là người tham gia dự họp với các đơn vị liên quan từ năm 2009 về vị trí của gia ngầm C9 nên cho rằng qua dự thảo quy hoạch được trưng bày lần này, ông thấy việc xếp đặt vị trí nhà ga cũng như các giải pháp kỹ thuật thi công được nêu ra ở đây rất hợp lý.

“Ngay lúc đầu nhìn vào bản thiết kế tôi thắc mắc về lối lên xuống tại nhà chờ phố Hàng Dầu bởi theo bản thiết kế, hàng cây xà cừ nằm sát mép nhà chờ gây cản trở giao thông. Đáng lẽ người ta cần vẽ ra và đề là cửa nhà ga chiếm bao nhiêu lòng đường vì nếu để như thế thì hàng cây không còn. Tuy nhiên, sau khi  các thành viên ban dự án giải thích rằng phố này tương lai sẽ là phố đi bộ thì tôi tán thành vì không có xe cộ nào vào, không lo ngại đường của phố này hẹp. Tôi mong muốn bản vẽ chưa rõ ràng lắm” – ông Hải bày tỏ.

Việc đặt ga ngầm tuyến đường sắt số 2 cạnh hồ Gươm gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh hoạ: Ngọc Thành.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hà (quận Đống Đa) lại không đồng tình. "Riêng về mặt bảo tồn di tích, đó đã là điều bất hợp lý, hơn nữa, tôi đã sống ở thành phố này bao nhiêu năm, đã từng tận hưởng sự tĩnh lặng của Hà Nội. Còn bây giờ, Thủ đô của chúng ta đã nhốn nháo hơn rất nhiều, mà bây giờ lại xây nhà ga vào ngay giữa trung tâm thành phố như vậy, tôi cho là bất hợp lý" – ông Hà lên tiếng.

Với tư cách là một kiến trúc sư và là một công dân Hà Nội,ông Trần Huy Ánh đưa nhận định: "Dự án này có phục vụ nâng cấp đô thị hay không và những vấn đề hạ tầng khác như cấp thoát nước, đường dây ngầm.. thế nào? Tôi cho rằng không giải quyết được. Và nếu một dự án tốn kém như vậy mà chỉ đề phục vụ nhu cầu đi lại thì rõ ràng là quá lãng phí".

Được biết, Ga ngầm C9, tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864,645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).

Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10m; tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83m; tới Tháp Bút khoảng 36m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120m.

Trang Vũ (Tổng hợp)

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news