Tin mới

Nhà trường "giúp" kích cầu thị trường bia lon

Thứ tư, 12/02/2014, 08:43 (GMT+7)

Việc bắt học sinh tiểu học nộp vỏ lon bia cho nhà trường sau mỗi kỳ nghỉ tết, nhìn dưới góc độ hoạt động tiếp thị bán hàng, rõ ràng đây là hoạt động gián tiếp kích cầu... uống bia.

Tin tức học sinh tiểu học nộp vỏ lon bia cho nhà trường sau mỗi kỳ nghỉ tết, nhìn dưới góc độ hoạt động tiếp thị bán hàng, rõ ràng đây là hoạt động gián tiếp kích cầu... uống bia.

 Sau kỳ nghỉ Tết, các cháu học sinh tiểu học trở lại trường, chúng ta nhìn thấy một hình ảnh khá phổ biến là các bọc nylon đựng vỏ lon bia lỉnh kỉnh cùng với cặp sách đến trường. Đây gọi là nhiệm vụ “kế hoạch nhỏ” mà các cháu học sinh tiểu học phải thực hiện theo yêu cầu của các trường tiểu học tại Đà Nẵng.

“Kế hoạch nhỏ” là một định hướng phong cách tốt cho các bé, góp phần xây dựng tinh thần chia sẻ với cộng đồng. Đây cũng là một hoạt động hữu ích trong hoạt động tổng thể của giáo dục kiến thức và giáo dục nhân cách cho học sinh.

Tuy nhiên, việc thực hiện “kế hoạch nhỏ” thông qua việc nộp vỏ lon bia cũng có rất nhiều điều mà các bậc phụ huynh và các nhà quản lý giáo dục nên suy ngẫm.
Việc nộp vỏ lon bia cho nhà trường sau mỗi kỳ nghỉ tết, dưới góc nhìn của tiếp thị bán hàng thì rõ ràng đây là hoạt động gián tiếp kích cầu đến trực tiếp người tiêu dùng, tạo đầu ra cho các sản phẩm bia lon mà thông qua hoạt động này, giúp cho các nhà sản xuất, nhập khẩu, bán lẻ bia thêm cơ hội gia tăng sản lượng và Doanh thu của phân khúc bia lon. Mặc dù, mỗi dịp tết, theo truyền thống và thói quen tiêu dùng, các sản phẩm bia không ít thì nhiều đều được “bật nắp” trong mỗi gia đình. Nhưng dưới “áp lực mềm”của con, cháu trong gia đình, các bậc phụ huynh, cha, chú... sẵn sàng gia tăng việc ”bật nắp bia” để góp phần chia sẻ việc thực hiện “kế hoạch nhỏ” của các cháu. Thử hỏi, ngành giáo dục tiểu học có nên gián tiếp kích cầu cho các công ty bia như vậy không, trong khi nhiệm vụ chính của ngành là “giáo dục”?

Nhiều gia đình phải cố mua bia lon về uống để có vỏ bia cho con nộp cho trường.

Nhiều gia đình phải cố mua bia lon về uống để có vỏ bia cho con nộp cho trường.

Trong khi cuộc sống hằng ngày của chúng ta đang xảy ra quá nhiều hệ lụy từ việc lạm dụng, mất kiểm soát bản thân trong việc dùng bia, rượu trong thời gian vừa qua, nào là bệnh tật, Tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự... làm cho bao gia đình lâm vào cảnh bi đát, dở khóc, dở cười, làm cho nhà nước, xã hội thêm gánh nặng... Việc nộp vỏ lon bia sau kỳ nghỉ tết, dưới góc nhìn xã hội là gián tiếp khuyến khích người dân, mà đặc biệt là những người có con, cháu đang là hoc sinh tiểu học gia tăng tiêu thụ bia. Vậy, việc làm này có nên được khuyến khích?
Vì mục tiêu nộp vỏ lon bia nên cũng xảy ra lắm chuyện “cười ra nước mắt”. Các cháu thì thay nhau nhắc nhở người thân uống nhiều bia để lấy lon, thậm chí bố mẹ tiếp khách đến nhà thì các cháu tranh thủ lượm lon bỏ vào bao nilon để sau tết nộp cho nhà trường. Người thân đi ăn ở nhà hàng thì cũng được nhắc nhở mang lon bia về. Thậm chí thời điểm trong tết, sau tết, đến các nhà hàng, nhìn dưới các bàn ăn của khách ít nhiều cũng thấy vài bịch nylon đựng vỏ lon bia để rồi sau đó mang về cho con, cháu mình.

Thậm chí, trong bàn phải ”đăng ký” trước số lượng vỏ lon sao cho công bằng giữa các “bạn nhậu”. Rồi thì xin lon bia lẫn nhau giữa các gia đình. Hay trong gia đình có 2,3 cháu cùng đi tiểu học mà lượng bia tiêu thụ sau tết quá ít thì không biết chia phần “cho các cháu như thế nào. Hay điều kiện kinh tế eo hẹp, không dùng bia lon, hay không dùng bia trong tết cũng là áp lực không đáng có của các bậc phụ huynh và học sinh. Đó là chưa kể đến việc một số lớp có xảy ra hiện tượng “giao chỉ tiêu vỏ lon phải nộp” bằng miệng cho các cháu học sinh để đạt chỉ tiêu thi đua của nhà trường.

Hơn nữa, lon bia được gom lại sau khi dùng gây mất vệ sinh “từ nhà đến trường” cũng là chuyện không nhỏ. Bởi, lon bia đã qua sử dụng thường gây mùi khó ngửi, nhưng phải giữ tại nhà cả dịp tết. Sau khi nộp thì nhà trường gom hết vào các phòng học của các em để giáo viên chủ nhiệm thống kê nộp cho nhà trường, trông rất nhếch nhác cho môi trường giáo dục và tệ hại hơn nữa là các em vừa học vừa phải ngửi cái mùi khó chịu này. Trong khi số lượng lon bia để tại lớp học là không hề nhỏ nếu làm một phép tính đơn giản: Lớp học sĩ số 30 em, một em trung bình 10 vỏ lon, sẽ có 300 vỏ lon bia đã qua sử dụng cùng bốc mùi một lúc trong lớp. Xét dưới góc độ giáo dục, nhận thức về bảo vệ môi trường sống thì việc này khác gì người lớn chúng ta “nói một đường, làm một nẻo” trong mắt của các cháu.

Việc thực hiện “kế hoạch nhỏ” là mang ý nghĩa tốt đẹp, nhưng thiết nghĩ, chúng ta có nhiều cách khác phù hợp hơn với sự thay đổi của xã hội hiện nay. Ví dụ, yêu cầu các cháu đóng góp trồng cây xanh cho nhà trường để vừa xây dựng tinh thần bảo vệ môi trường, vừa tạo môi trường xanh, sạch, đẹp cho chính môi trường học tập của mình. Đây cũng vừa là cách tạo những kỷ niệm mà sau này các cháu trưởng thành, trở về trường còn nhiều gắn kết khi nhìn thấy cây của mình trồng vẫn còn. Chắc chắn nếu lấy ý kiến thêm từ phụ huynh, thầy cô, sẽ còn rất nhiều ý kiến sáng tạo, hữu ích khác nữa vẫn đảm bảo tốt mục tiêu “kế hoạch nhỏ” của nhà trường, vừa tương thích hơn với môi trường giáo dục hiện đại.

Thay đổi việc này không khó, vấn đề các nhà quản lý giáo dục đánh giá và muốn thay đổi những việc “bé cỏn con” này như thế nào. Đổi mới giáo dục Việt Nam còn “trăm công nghìn việc” phải làm và thiết nghĩ, những việc “cỏn con” như thế không nằm ngoài mục tiêu này.

Ths.Nguyễn Duy Kha – Vĩnh Yên

Theo Một thế giới

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news