Lấy 12/13 nhà vô địch Olympia ở lại nước ngoài sau khi được học bổng du học làm dẫn chứng cho việc lãng phí nhân tài do thiếu cơ chế đãi ngộ phù hợp , đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nêu vấn đề: "Chúng ta có trăn trở việc này này không?".
Sáng nay (2/11), Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cho rằng, thế hệ trẻ đang được cộng đồng dân cư quan tâm, đầu tư lớn, nhất là các em được đi học ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ và bản thân các em đều không muốn trở về Việt Nam làm việc. Đây là điều đáng tiếc, lãng phí nhân tài do thiếu những cơ chế đãi ngộ phù hợp.
"Một ví dụ minh họa cho thấy có 13 cháu nhận học bổng chương trình Đường lên đỉnh Olympia (VTV3) để đi du học, nhưng sau đó có 12 cháu ở lại nước ngoài, không trở về làm việc tại Việt Nam", địa biểu Hòa nêu dẫn chứng và đặt vấn đề: "Chúng ta có trăn trở việc này này không, trong khi đó nhiều địa phương đang cố gắng cân đối ngân sách cho các chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ?”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM). Ảnh: VOV |
Theo ông Hòa, thời gian tới cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng và quản lý nhân tài. Trong đó, cần chú trọng nguồn nhân lực đã được xã hội đầu tư đào tạo bài bản, chứ không chỉ dựa vào nguồn nhân lực do nhà nước đầu tư đào tạo.
"Cần làm các biện pháp để thu hút nguồn nhân lực này làm viêc trong các hệ thống chính trị thông qua việc thi tuyển công khai, minh bạch dựa trên các tiêu chí tuyển chọn khách quan, khoa học", đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa phân tích.
Đồng quan điểm, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) cho rằng hiện việc đãi ngộ cho nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều học sinh ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn phải bỏ học vì kinh tế khó khăn. Vì vậy, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu có Chính sách thu hút nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao về nông thôn để phục vụ việc phát triển kinh tế địa phương.
Trước đó, trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 2/11, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng đã nhắc đến vấn đề tại sao nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia không về nước khi đề cập đến chính sách phát triển khoa học và công nghệ.
Theo Bộ trưởng Quân, để ngăn chặn chảy máu chất xám, trước hết phải tạo ra môi trường tương tự như vậy, dù có thể không được như các nước phát triển nhưng ít nhất ở mức độ người làm nghiên cứu khoa học thấy có thể phát huy được tài năng. Mời những nhà nghiên cứu về làm việc ở nơi không có trang thiết bị, thiếu những điều kiện làm việc tối thiểu nhất, không có đồng nghiệp cùng trình độ thì chắc chắn những tài năng của họ sẽ thui chột, lãng phí.
H.Minh (tổng hợp)