Theo chuyên gia tâm lí, việc người cha có con bị bệnh viện trao nhầm 3 năm trước ở Bình Phước từ chối trao, trả lại con chỉ là tâm lý tức thời có thể do quá sốc hoặc lập trường không vững và vì tức giận.
Sự việc hai gia đình ở Bình Phước đổi con sau 3 năm nuôi nhầm không có kết quả viên mãn vì trong lễ trao con, cha ruột của một bé bất ngờ đổi ý khi cho rằng bệnh viện hỗ trợ chưa thỏa đáng. Trước hành động này, một số độc giả bức xúc cho rằng người cha vì chút vật chất mà kéo dài thời gian nhận con, một số khác lại cho rằng do cú sốc tâm lý khá lớn mà người cha này chưa chuẩn bị kịp.
"Con mình không lo đón về mà lo tính từng đồng bạc. Việc đổi con có thể mang lại cảm giác hụt hẫng cho cả người lớn và trẻ em nhưng rõ ràng được rước con ruột mình về mà như vậy. Đáng buồn", độc giả Nam viết.
Bạn đọc Phương Phương cũng cho rằng, việc tìm được con đẻ là "sướng nhất trên đời" rồi vậy mà người cha trên lại chỉ vì việc không đồng tình với mức bồi thường của bệnh viện mà trì hoãn việc trao, nhận con thật khó hiểu.
Trong khi đó, rất nhiều ý kiến khác lại bày tỏ sự cảm thông với hành xử của người cha trong cuộc.
"Người cha này đang bị sốc, việc bồi thường chỉ là cái cớ anh ấy đưa ra thôi vì chưa thể xa đứa con đã nuôi nấng suốt 3 năm qua. Ai nuôi con nhỏ sẽ hiểu, 3 năm chăm bẵm biết bao lưu luyến, cha con không dễ xa nhau được đâu", độc giả Lương Thanh viết.
Đồng suy nghĩ, bạn đọc Trung Dao chia sẻ: "Đừng hiểu lầm anh ấy. Hành động bỏ về của anh ấy cho thấy nước mắt a đang chảy ngược vì đứa con nuôi nấng 3 năm qua nay lại đưa về tay người khác và đứa con ruột nhận về nhưng rõ ràng khi bế nó sẽ lại nhớ đến đứa kia. Anh không dám chứng kiến cảnh đó, anh đàn bị tâm lý thôi".
Anh Tuấn (cầm micro) bất ngờ tuyên bố không chấp nhận do bệnh viện hỗ trợ không thỏa đáng trong lễ trao con. Ảnh Phước Tuấn/ Vnexpress |
Dưới góc nhìn của người nghiên cứu tâm lý nhiều năm, bà Phạm Hiền cho rằng, khi bình luận về thái độ của người trong cuộc, độc giả cũng nên lưu tâm đến hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp, tình hình tài chính, quan niệm sống của họ ra sao. Việc phát hiện ra vụ việc trao nhầm con bản thân họ cũng đã cảm thấy rất tức giận, thất vọng xen lẫn. Theo lẽ thông thường, nếu không phải là những người có một động cơ nào khác ví như bồi thường về vật chất trước mắt thì tình yêu thương của bố mẹ sẽ lấn át hết tất cả mà nhận con.
Tuy nhiên, theo bà Hiền, trong hoàn cảnh của vụ việc trên, hai luồng tâm lý như độc giả nêu ra cũng có thể xảy ra cùng một lúc.
"Trong khoảnh khắc giao thoa trao trả con đó, người cha này có thể do cú sốc tâm lý không nỡ trao trả đứa con mình đã yêu thương chăm sóc trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng anh ta muốn được bồi thường nhiều hơn bằng chứng là anh ấy muốn khởi kiện bệnh viện. Ý định này của anh ta có thể đến từ nhiều phía, bị tác động bởi nhiều người và lập trường không vững vàng nhưng cũng có thể xuất phát từ bản thân anh ấy", chuyên gia tâm lý nói.
"Nếu xét về hoàn cảnh gia đình là người dân tộc thiểu số thì có thể nhận thức, hiểu biết của họ bị hạn chế bởi một chút quyền lợi trước mắt", chuyên gia tâm lý phân tích thêm.
Đề cập đến tâm lý chung của những người làm cha, làm mẹ khi gặp phải tình huống tương tự, bà Phạm Hiền nhận định, dù thất lạc hàng chục năm nhưng khi gặp lại con ruột của mình cảm xúc của người làm bố mẹ sẽ rất tràn trề bởi tình cảm huyết thống vô cùng thiêng liêng và sâu hơn nhiều so với việc nuôi nấng và gần gũi.
"Điều quan trọng nhất là chuẩn bị tâm lý cho trẻ con, còn người lớn thì nên điều tiết cảm xúc của mình. Bởi mấu chốt của vấn đề rằng giọt máu của mình ở đâu, đứa con thực sự của mình ở đâu", bà Hiền khuyến cáo.
Cũng theo bà Hiền, thì việc người cha không đồng ý trao trả, đòi khởi kiện,... chỉ là tâm lý tức thời và việc này sẽ qua rất nhanh vì sau khi nuôi nấng, chăm sóc con ruột sẽ bồi đắp tình cảm dần.
"Nếu họ là những người tư lợi, kéo dài và làm phức tạp mọi việc trong một tâm lý bất ổn thì chính họ sẽ làm ảnh hưởng đến mình và ảnh hưởng nặng nề đến vợ con và mọi người xung quanh. Bởi bất kỳ thứ gì đã là đôi co, kiện cáo, đòi hỏi đương nhiên sẽ mất nhiều thời gian, và làm tổn thương cho rất nhiều người", chuyên gia phân tích.
Như tin đã đưa, chiều 25/7, Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long (Bình Phước) tổ chức hòa giải với gia đình anh Vũ Đình Khiên (ở phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long) và anh Huỳnh Văn Tuấn (xã Phước An, huyện Hớn Quản), nhằm trao trả hai bé gái bị trao nhầm 3 năm trước cho bố mẹ ruột của mình.
Khi lên làm lễ trao đổi thì anh Tuấn bất ngờ không chấp nhận việc trả con vì cho rằng bệnh viện bồi thường 10 tháng lương và 8 triệu đồng (20 triệu đồng) là không thỏa đáng và tuyên bố sẽ khởi kiện.
Tuy nhiên, phía gia đình chị Liên (vợ anh Tuấn) một mực phản đối hành động của con rể và cho rằng, họ đã quyết định đồng ý trả lại bé. Sau khi anh Tuấn bỏ về giữa chừng, người vợ đã bật khóc rồi một mình lên trao bé cho vợ chồng anh Khiên và nhận lại con ruột của mình.
Ba năm trước, chị Nguyễn Thị Thu Trang (26 tuổi) sinh cùng phòng với chị Thị Liên (24 tuổi) tại Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long. Chị Trang sinh trước sản phụ kia chừng 15 phút. Thấy con lớn lên mà chẳng giống ai trong gia đình. Đầu tháng 5, bố chị Trang bất ngờ thấy chị Liên bế bé gái rất giống cháu ngoại đầu nên nghi ngờ. Chị Trang sau đó đưa bé về TP HCM xét nghiệm ADN thì phát hiện con gái không cùng huyết thống. Nhận được khiếu nại, Bệnh viện Bình Long đã đưa hai bé gái sinh tại đây 3 năm trước đi xét nghiệm ADN và cho kết quả huyết thống chéo. Theo tường trình của các hộ sinh trực hôm ấy, có thể trong lúc tắm rửa sau sinh, dấu mực được đánh trên tay bé bị phai nên mới dẫn đến việc trao nhầm. |
Dã Quỳ