Tin mới

Nhập viện vì rượu "thập toàn đại bổ"... "ông uống bà khen"

Thứ năm, 10/09/2015, 19:42 (GMT+7)

Cho rằng nhiều loại tửu dược ngâm các loài động vật, côn trùng có tính năng “cải thiện” khả năng chốn phòng the, nhiều quý ông đã tìm mọi cách để săn lùng bằng được.

Cho rằng nhiều loại tửu dược ngâm các loài động vật, côn trùng có tính năng “cải thiện” khả năng chốn phòng the, nhiều quý ông đã tìm mọi cách để săn lùng bằng được.

Hàng “độc”... nhưng lại bán rong

Theo ghi nhận của PV thì chỉ một đoạn chưa đến 5km trên đường Giải Phóng (Hà Nội) đã có tới gần chục người rao bán tắc kè, bìm bịp, ong đất... Phần lớn những người bán rong hàng này chất lên đằng sau chiếc xe máy hoặc xe đạp cà tang đống “đồ nghề” lỉnh kỉnh gồm thùng gỗ, túi lưới, lồng sắt chứa đủ loại như bìm bịp, tắc kè, ong, rắn... túc tắc đi mà chẳng cần cất tiếng rao. Để tìm hiểu về giá cả và những kỹ nghệ quảng cáo sản phẩm của những người này, PV tiến tới chỗ một thanh niên có treo biển bán các mặt hàng này phía trước xe. Thấy tôi ngắm nghía, anh ta dừng lại đon đả chào mời: “Mua gì em trai? Bò cạp 1 con 5.000 đồng, tắc kè 120.000 đồng, bìm bịp 300.000 đồng...”. Khi PV hỏi cách làm và tác dụng của loại rượu ngâm mấy loại động vật này, anh này nói một tràng: “Mấy con này đều có Công dụng bổ thận, tráng dương, ngâm rượu trị bệnh nhức mỏi, thư giãn gân cốt phái mạnh, phải nói là hết ý. Hàng của anh không phải tự nuôi mà toàn “đồ rừng” từ Lào Cai, Yên Bái,... về đấy”. Gã nói thêm: “Vì bìm bịp, tắc kè, rắn hay tê tê là những loài vốn bị quản lý nên bọn anh chỉ treo biển hoặc chỉ nhốt vài con nhỏ vào lồng làm mẫu thôi. Nếu khách có nhu cầu mua với số lượng lớn, chỉ một cú điện thoại là mọi yêu cầu được đáp ứng, từ côn trùng, bò sát còn tươi roi rói cho đến những loại “đặc sản” như rượu rắn, bìm bịp, tắc kè, ong đất...”.

Cảnh người bán rong bìm bịp, tắc kè trên nhiều tuyến đường.

Rời đường Giải Phóng, PV tiếp tục tìm hiểu thị trường rượu ngâm động vật hoang dã ở đoạn đường Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng hay trên tuyến đường 32... đều cho thấy khách hàng rất dễ mua những loại rượu được gán cho công dụng có khả năng “phục dương”, “cường dương” thậm chí chữa vô sinh!? Gặp một người bán rong loại mặt hàng này tên là Bình (người Nam Định) trên tuyến đường 32. Anh Bình cho biết có thâm niên làm nghề này gần 10 năm.

Anh không chỉ rao bán rong mà có khả năng ngâm trực tiếp các loại rượu này tùy theo yêu cầu của khách hàng. Khi PV hỏi về rượu ngâm bìm bịp, anh Bình nói: “Bìm bịp và rắn rừng luôn là hai loại bán “chạy” nhất. Giới mê tửu dược thường quan niệm bìm bịp là “số 1” vì tính năng bổ thận, tráng dương... do loài chim này thường sống chung với rắn độc, nên xương thịt nó có thêm dược tính của rắn. Còn rắn thường được ngâm theo bộ gồm tam xà (3 con), ngũ xà (5 con) đến cửu xà (9 con).

Anh Bình chia sẻ thêm: “Mua bán những loại rượu ngâm này dễ đụng phải hàng giả lắm. Thậm chí dù là làm trực tiếp cho khách hàng bằng những động vật còn sống cũng chưa chắc là thật. Ví như ngâm bìm bịp, nếu ngâm hũ 5 con mà toàn là con... cái hoặc bìm bịp nhốt chuồng thì ngâm cũng bằng không bởi cặp rượu bìm bịp phải có một con đực và không phải ai cũng nhận dạng được bìm bịp đực với bìm bịp cái, bởi giá 1 con bìm bịp đực bằng giá 4 con bìm bịp cái cộng lại.

...tiết lộ đáng sợ của các thầy thuốc

Thông qua khảo sát thực tế, PV cũng phát hiện ra một điều, thị trường mua bán rượu ngâm động vật hoang dã hoặc những cá thể sống không chỉ nhộn nhịp trên thị trường bán rong, mà mạng internet cũng trở thành một kênh tiếp thị hữu hiệu những “hàng độc”. Hiện có vô số trang web rao bán. Tất cả đều ghi rõ mức giá, địa chỉ, số điện thoại liên hệ với những lời quảng cáo ấn tượng về công dụng của những loại “thần dược” trên như: Rượu “ông uống bà khen”, “chuyên bán buôn, bán lẻ rắn rừng”, “uy tín - chất lượng - phục vụ tận nơi”... Bên cạnh đó, kèm theo là hình ảnh bắt mắt của những hũ rượu “hảo hạng” ngâm các loài kể trên. Thậm chí, có cả một số loài ghi trong sách đỏ như rắn hổ cũng được rao bán theo khối lượng ở mức từ 600 đến 1 triệu đồng/kg.

Cẩn trọng với những loại rượu ngâm động vật dán nhãn “phục dương”.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu thực tế về tác dụng của những loại rượu này tới sức khỏe người dùng, thực sự đã gây sốc. Nhà sinh vật học Nguyễn Hải Nhiên, trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã Quốc gia phân tích: “Hầu hết rắn, tắc kè là các loài kiếm ăn đêm, trừ rắn hổ mang (thường, chúa) chúng kiếm ăn cả ngày lẫn đêm. Nơi sống của chúng là những nơi hang hốc, ẩm thấp, đặc biệt thích các vùng nghĩa địa, mồ mả rậm rạp cây cỏ và tối tăm, ít người qua lại.

Rắn, tắc kè là các loài ăn thịt sống và thức ăn sống thường là những con bị bệnh, yếu sức khỏe khiến chúng không thể tự vệ và bị tấn công. Trong cơ thể của các loài này chứa rất nhiều các loài virus, mang mầm bệnh. Các loài hút máu ký sinh như tận, tệp, ve chó... bám ký sinh đầy ắp dưới các lớp vảy thành nhiều lớp (nhất là các loài rắn hổ). Nếu có cơ hội xem mổ rắn ra làm thịt hay ngâm rượu hãy để ý trên thành ruột, thành bao tử chúng là hàng trăm búi sán bám ký sinh, nhiều con còn chui ra ngoài ruột. Bìm bịp là loài chim ăn thịt cũng vậy. Khi ngâm chỉ rửa sơ bằng rượu, không vặt lông, cứ cho tất vào bình. Nếu đem các lỗ chân lông bìm bịp soi trên kính hiển vi thì chắc không một ai dám uống rượu ngâm bìm bịp, rắn, tắc kè...”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, lương y Trần Bá Thuận, hội Đông y Việt Nam cho biết: “Trên thực tế có những bài thuốc rượu gia truyền rất tốt cho sức khoẻ, có tác dụng bổ thận, thần kinh, tăng cường sinh lực, giúp khí huyết lưu thông, mạnh gân cốt, chống phong tê thấp... Tuy nhiên, với các loại rượu ngâm bò cạp, mối chúa, rắn, tắc kè cùng những thứ khác, cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định là thuốc chữa bệnh. Nó trở thành “thần dược” chủ yếu qua lời đồn đại là chính. Về lâu dài, rượu còn làm giảm sự sản xuất testosterone, hormome sinh dục nam, gây tổn thương thần kinh, xơ hóa hoạt động cương dương, dẫn đến bất lực, giảm hưng phấn. Đó là lý do khiến nhiều quý ông mặc dù uống rượu bổ dương nhưng vẫn bị... liệt dương. Bên cạnh đó, rượu là một loại thuốc vừa có lợi, vừa có hại. Vì vậy, mỗi ngày bạn chỉ nên uống tối đa là 20ml, uống vào buổi tối là tốt nhất, không nên uống rượu thuốc vào buổi sáng vì lúc này đàn ông có dương khí cao, nếu uống vào sẽ khiến dương khí bị tản, lặp lại nhiều lần sẽ làm cho người chóng già, sinh bệnh.

 

Nhiều ca nhập viện vì... “rượu bổ”

Theo ghi nhận từ phòng Tổng hợp trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận 10-15 trường hợp ngộ độc nặng có nguyên do từ việc uống các loại rượu ngâm tẩm từ rễ, lá cây, các loài động vật, côn trùng, bò sát. Một số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mất kiểm soát, rối loạn hành vi; ngộ độc nặng rơi vào trạng thái hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy mạch, với những biến chứng nguy hiểm như hạ đường huyết, nhiễm toan, rối loạn nước điện giải, thậm chí tử vong... Có những trường hợp dù được cứu sống nhưng để lại những di chứng nặng nề như suy gan, tổn thương thần kinh vĩnh viễn...

   

Văn Hậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news