Qua những trang viết trong cuốn nhật ký, có thể thấy tình cảm chiến sỹ Nguyễn Văn Nam dành cho một cô gái bí ẩn rất sâu nặng và vô cùng thiêng liêng...
Trong cuốn nhật ký, chiến sỹ Nguyễn Văn Nam dành sự quan tâm chia sẻ cho người thân và bạn bè. Đó có thể là hồi ức về một kỷ niệm tuổi thơ, hay những người em gái - đồng chí gặp và quen nhau trên chiến trường. Đặc biệt, xuyên suốt trong cuốn nhật ký đặc biệt này, chiến sỹ Nguyễn Văn Nam dành tình cảm nhiều nhất để tâm sự với người yêu. Những dòng nhật ký của anh là những dòng yêu thương chan chứa và rất xúc động. Tuy nhiên, cũng như bức ảnh người con gái được cất giữ cẩn thận trong cuốn nhật ký, Nguyễn Văn Nam không nhắc đến tên người mình yêu một cách rõ ràng.
Những trang viết chất chứa nỗi niềm
“Đêm hôm qua, trong giấc mơ, sao anh cảm thấy đôi ta lưu luyến và đằm thắm quá. Thắm hoa nào bằng đằm thắm đôi ta. Tình mô bằng tình của đôi ta. Anh nói thế nhưng lòng anh rất xúc động nên nghĩ tới. Mừng lại thấy em. Trong đêm khuya, thấy trăng anh tưởng em đang ngự trong tâm hồn anh. Đường nào ngọt bằng lời người yêu tôi” – đó là một trong những dòng nhật ký đầy tình cảm ngọt ngào của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam dành cho người yêu của mình. Qua những trang viết, có thể thấy tình cảm mà anh dành cho cô gái bí ẩn rất sâu nặng và vô cùng thiêng liêng.
Bức ảnh của người con gái trong cuốn nhật ký. |
Có những lúc, tình yêu được chiến sỹ Nguyễn Văn Nam diễn tả bằng thơ và ở đó, trăng và sen hiện lên đầy lãng mạn: “Trăng khuyết rồi trăng lại tròn/Quay đi quay lại anh còn yêu em/ Xa em anh chẳng có quên/ Xa em anh lại có trăng bên rồi/ Nhìn trăng anh thấy bồi hồi/ Nhìn trăng anh tưởng lúc ngồi bên em/ Hôm nay ngồi cạnh hồ sen/ Dưới trăng anh nghĩ lời nguyền em khuyên/Anh lại quyết thành duyên/Nghĩ lời em nói như khuyên anh rằng/Xa em anh có nghĩ chăng...!?”.
Có những thời điểm anh viết như thể đang mường tượng ra người yêu của mình ở ngay bên cạnh để rồi hững hờ buông những lời yêu nũng nịu đầy hóm hỉnh. Nhưng có những thời điểm anh như chìm trong hoài niệm. Đặc biệt, có những lúc người chiến sỹ ấy gấp gáp, khát khao có một phép màu nào đó đưa anh thật nhanh để về gặp người mình yêu. Anh ước mình có một đôi cánh để bay, bay thật nhanh về bên người yêu dấu: “Thèm một cánh chim bay khắp nẻo. Anh gặp em lúc viết và lúc gặp lại. Nhưng em ơi đã bao ngày ta đã xa, bao ngày thử thách. Không biết bao ngày còn được sống gần em. Nhưng hôm nay, anh lại bay. Bay bao nhiêu khoảng cách cũng không mệt mỏi ngại gì...”.
Những lúc xúc động nhất, chiến sỹ Nguyễn Văn Nam đã dùng bút đỏ để viết. Như thể ngụ ý một lời trong nhật ký là những dòng viết rỉ máu. Anh ý thức một cách thiêng liêng từng câu chữ, vì thế những gì anh viết ra là những lời tận đáy lòng anh dành tặng cho người yêu. Đọc nhật ký của anh, có thể thấy tình yêu anh dành cho người yêu hết sức chân thành. Tình yêu đó, đi vào cả trong giấc mơ. Có khi là những lời độc thoại. Đau đáu nỗi niềm, nhưng tình cảm đó không làm cho ý chí của người chiến sỹ ấy trên chiến trường yếu mềm đi. Bên cạnh những trang viết nồng nàn dành tặng cho người con gái của riêng mình là những dòng rắn rỏi thể hiện ý chí của một người chiến sỹ nơi đầu trận tuyến. Ở đó, ta thấy được một sự hoà quyện đầy sống động giữa một trái tim chất chứa yêu thương tình cảm riêng tư nhưng đầy trách nhiệm với Tổ quốc, dân tộc.
Điều khiến chúng tôi băn khoăn nhất, người con gái trong nhật ký mà anh dành cả trái tim thổn thức để nhớ, để yêu, anh lại không một lần nhắc đến tên (có thể vì nhiều trang viết bị nhoè máu nên chúng tôi không đọc được). Anh cũng không viết tắt tên người yêu. Đó là một điều bí mật chúng tôi chưa thể lý giải. Cũng như bức ảnh về người con gái anh mang theo bên mình và cất giữ cẩn thận trong cuốn nhật ký. Khi tiếp cận, chúng tôi không thể biết được tên và địa chỉ của cô gái trong bức ảnh vô cùng quý giá này.
Những dòng viết chứa chất tình yêu của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam. |
Mang tình yêu thương vào trong từng trận chiến
Không chỉ dành tình cảm với người mình yêu một cách sâu sắc, chiến sỹ Nguyễn Văn Nam còn dành những trang viết đầy xúc cảm chân thành cho những người thân, đồng chí. Lật những trang nhật ký bị nhòe vì thấm đẫm vết máu và bụi thời gian, tôi như bị cuốn vào các trang viết chứa chan tình cảm của người chiến sỹ đầy chất thơ, giàu lòng yêu thương và tinh thần quả cảm, lạc quan này.
Có những trang viết anh dành cho người em gái tên là Như, nhớ về kỷ niệm khó quên của hai người. Hay có bức thư không gửi, anh dành tặng cho người em tên Hồng quen nhau ở chiến trường nhưng hai năm chưa gặp lại. Anh viết rất chân thành và đầy hóm hỉnh. Trong cuốn nhật ký, có cả những bức thư anh chưa kịp gửi. Ở đó, anh như muốn chia sẻ với người thân về nỗi lòng mong mỏi nhớ thương. Toàn bộ nhật ký đặc biệt này, không đơn thuần là những ghi chép thường nhật, ở đó là những cảm xúc của người lính về tình yêu, tình bạn, góc nhìn về cuộc sống, về chiến tranh. Anh dành cho mọi người một tình cảm quý mến, như ngọn lửa sưởi ấm những tâm hồn. Giờ đây, đọc những dòng viết này, ta như có cảm giác chiến sỹ Nguyễn Văn Nam là một người anh gần gũi, rất đỗi thân thuộc.
Có những trang nhật ký, tôi nhận thấy sự ưu tư của một tâm hồn nhạy cảm. Nhưng có lúc, ta thấy được sự rạo rực đầy sức sống. Lại có những trang viết, người đọc cảm nhận được sự từng trải của người đã sống nơi chiến trường đạn lửa... Tất cả đã cho chúng ta cách nhìn đa diện về tâm hồn của người chiến sỹ cách mạng, lãng mạn, đầy yêu thương, trách nhiệm, đa cảm nhưng vô cùng kiên định.
Không gian trong nhật ký của Nguyễn Văn Nam cũng hiện lên theo cách nhìn đầy cảm xúc của một người trẻ. Đặc biệt, người đọc bắt gặp một trang viết đậm chất suy tư với dòng Cửu Long, nơi anh chiến đấu. Trong mắt anh, dòng sông Cửu Long hiện lên sầu thảm nhưng lãng mạn: “Cửu Long bao lâu nay vẫn đầy sóng. Trừ biết bao ngày dòng Cửu Long như dòng lệ sầu. Đã biết bao ngày chiến đấu, vượt qua bom lửa nhiều lần giữa dòng cùng đồng đội. Dòng Cửu Long âm thầm chảy giữ lại nhiều nỗi buồn...”.
Vậy mà, có lúc anh nhìn dòng Cửu Long đẹp một cách khác thường, thậm chí với anh, 20 năm nữa (thời điểm anh viết là năm 1971), dòng Cửu Long sẽ như dòng sữa tưới mát ruộng đồng và bồi đắp cho sự trù phú, giàu có khi đất nước sạch bóng quân thù. Lại có những dòng anh kể về kỷ niệm ở một bản làng Môn - Khơ Me, ở đó anh gặp lại được những đồng chí và người quen cũ. Với anh, đó là một cuộc hội ngộ mang đến hạnh phúc ngỡ ngàng.
Chiến sỹ Nguyễn Văn Nam không chỉ viết mà còn vẽ. Nét vẽ của anh rất đơn giản nhưng đều chứa đựng những thông điệp sâu sắc. Ở đó, có những bức ký hoạ như thể anh đang vẽ chính mình. Trong một vài bức ký họa có hình ảnh của một người con gái mái tóc dài với khuôn mặt rất thân thiện. Nhiều bức khác, anh chỉ vẽ hoa, kèm theo đó là những khẩu hiệu quyết thắng. Đặc biệt, trong bức tranh về mùa xuân năm 1972, anh phác họa hình ảnh hoa đào miền Bắc, với những dòng chữ thể hiện sự kiên cường, lạc quan của người chiến sỹ nơi tuyến lửa: “Bao năm vẫn sống nơi tuyến lửa. Tuyến lửa đời ta, xuân về...”.
Những người thân được nhắc đến trong nhật ký Đó là những người thân mà chủ nhân cuốn nhật ký nhắc đến nhiều lần: Chị Hà Thị Rốt công tác tại trường trung cấp Nông nghiệp, Hậu Lộc, Thanh Hoá; Phạm Thị Lịch, giáo viên trường cấp 1, Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hoá. Ngoài ra còn có tên của Hà Thị Sâm, Lê Thị Ôm và một người con gái tên Như. Trân trọng đưa ra thông tin này, một lần nữa chúng tôi mong mỏi, nếu ai biết về người thân chiến sỹ Nguyễn Văn Nam, xin liên hệ theo đường dây nóng của chúng tôi. |
Trinh Phúc
(Còn nữa)