Người gửi tiền được bảo hiểm tối đa 75 triệu đồng; Tăng lương hưu, trợ cấp; Hà Nội và TP HCM tăng viện phí với bệnh nhận không có thẻ BHYT…, là những Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8.
Lương hưu, trợ cấp tăng hơn 7%
Theo Nghị định 76 về điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ 15/8, các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng được tăng thêm 7,44%.
Cụ thể, các đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp là cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định hiện hành.
Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
Người gửi tiền được bảo hiểm tối đa 75 triệu đồng
Theo Quyết định 21 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ có hiệu lực từ ngày 5-8. Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (bao gồm cả gốc và lãi) được bảo hiểm của cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được điều chỉnh lên 75 triệu đồng. Quy định cũ là 50 triệu đồng.
Với quy định mới, nếu tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả tiền gửi hoặc phá sản thì người gửi tiền nhận được số tiền bảo hiểm tối đa 75 triệu đồng.
Thu phí thẩm định xử lý chất thải nguy hại
Từ ngày 1/8/2017, chế độ thu - nộp, mức thu, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại thực hiện theo Thông tư 59/2017 do Bộ Tài Chính ban hành.
Theo Tổng cục Môi trường - Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, tổ chức thu phí thẩm định theo quy định, mức thu thẩm định cấp, điều chỉnh giấy phép xử lý chất thải nguy hại quy định từng khu vực địa lý hoặc nơi đặt nhà máy xử lý chất thải nguy hại.
Việc nộp phí thẩm định trong thời hạn 10 ngày làm việc, tính từ lúc nhận văn bản chấp thuận vận hành thử nghiệm. Có thể nộp phí trực tiếp cho tổ chức thu phí hoặc nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách tại Kho bạc Nhà Nước.
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tăng viện phí với người không BHYT
Từ ngày 1/8/2017, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh công lập của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện điều chỉnh giá theo lộ trình. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập tự chủ tài chính hoàn toàn thực hiện giá viện phí mới. Đối với bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh công lập tự chủ tài chính một phần hoặc phụ thuộc ngân sách nhà nước thực hiện từ ngày 1/10/2017.
Về mức giá thu, sẽ thực hiện 100% mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh, không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập theo thông tư 02 của Bộ Y tế.
Mức giá khám chữa bệnh gồm: Chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, dịch truyền, vật tư y tế, điện, nước, duy tu bảo dưỡng…) và tiền lương (tiền lương ngạch bậc, chức vụ; các khoản phụ cấp, đóng góp; phụ cấp thường trực, phẫu thuật, thủ thuật).
Quy định mới về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông
Từ ngày 1/8/2017, Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, chính thức có hiệu lực.
Thời gian nghỉ hè hằng năm là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định Bộ Luật Lao động) của giáo viên được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có).
Theo thông tư 28 quy định định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng: Hiệu trưởng là 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học. Phó hiệu trưởng là 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.
Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các chức vụ kiêm nhiệm thay thế (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) không được quy đổi cho định mức tiết dạy hàng năm.
Bên cạnh đó, Thông tư 15 bổ sung về chế độ làm việc của giáo viên trường dự bị đại học. Thời gian giáo viên dự bị đại học là 42 tuần, tương tự giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Giáo viên trường dự bị đại học được áp dụng chế độ giảm định mức tiết dạy. Cụ thể giáo viên chủ nhiệm lớp dự bị đại học giảm 3 tiết/tuần; giáo viên nữ trường dự bị đại học được giảm 3 tiết/tuần khi nuôi con nhỏ dưới 12 tháng; tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết/tuần.
Đức Hòa (tổng hợp)