Từ 8h ngày 20/3, nhiều đoàn lãnh đạo và hàng nghìn người dân xếp hàng vào viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM).
Lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất bắt đầu từ 8h, ngày 20/3 đến hết ngày 21/3.
Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể lúc 7h30 ngày 22/3 tại Hội trường Thống Nhất. Lễ an táng lúc 11h cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.
Cùng thời gian này, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội cũng diễn ra Lễ viếng, Lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng nguyên Thủ tướng tại TP HCM và tại Hà Nội.
Trong hai ngày Quốc tang (ngày 20 và ngày 21/3/2018), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
11h30, cụ Nguyễn Thị Mai (89 tuổi, ngụ Bình Thạnh) cho biết: Ngày xưa cùng đi chiến đấu với cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Mấy ngày trước do sức khỏe yếu nên không xuống nhà riêng để thăm viếng được.
Hôm nay nghe tin linh cữu được đưa lên quận 1 nên bà bắt xe ôm từ Bình Thạnh qua Hội trường Thống Nhất để thăm viếng.
Cụ rất rất buồn khi người bạn, người em cùng chiến đấu đã ra đi.
Người dân nói về bác Sáu Khải
10h30, trời Sài Gòn nắng gắt, dự báo có thể lên 35 độ C nhưng dòng người vẫn xếp hàng ngay ngắn chờ vào viếng cố Thủ tướng. Lực lượng công an bảo vệ nhiều vòng quanh khu vực Hội trường Thống Nhất.
Trên các đoạn đường xung quanh, như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Duẩn, Pasteur..., rất đông lực lượng CSGT túc trực điều tiết giao thông hỗ trợ các đoàn vào viếng. Nhiều khách nước ngoài cũng đứng lại chụp hình.
Ảnh: Chí Hữu - Viết Dũng.
10h10, ghi sổ tang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết: "Vĩnh biệt anh Sáu Khải, người anh quý mến thân thương. Xin kính cẩn, nghiêng mình trước vong linh anh, thắp nén hương thơm tiễn đưa anh về nơi yên nghỉ ngàn thu".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dâng hương.
10h, Trong sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết:
"Vô cùng thương tiếc đồng chí Phan Văn Khải - anh Sáu Khải kính mến. Anh là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, là người đứng đầu Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam từ năm 1997-2006 - giai đoạn quan trọng trong quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước.
Anh là người luôn tận tụy, liêm chính, chí công vô tư, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, luôn quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân và chú trọng lãnh đạo đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Anh mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn trong chúng ta về tấm gương một nhà lãnh đạo tận tâm, tận lực, vì dân, vì nước, người đảng viên Cộng sản kiên trung, người đồng chí, người anh luôn gần gũi, khiêm tốn, bình dị, chân tình và luôn quan tâm đến anh em, đồng chí.
Thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Anh Sáu và xin gửi tới gia đình Anh lời chia buồn sâu sắc nhất".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi quanh linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
9h40, Trong sổ tang, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi:
"Vô cùng thương tiếc đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII, IX; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VII, VIII, IX; Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; nguyên Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X, XI.
Nhà lãnh đạo đức độ tài năng, người con ưu tú của quê hương Củ Chi đất thép anh hùng, đã suốt đời phấn đấu, hy sinh, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Học tập và noi gương đồng chí, chúng tôi nguyện đem hết công sức, trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt anh Sáu Khải kính mến và xin gửi tới gia đình anh Sáu lời chia buồn sâu sắc, niềm tiếc thương vô hạn trước nỗi đau thương không gì bù đắp được.
Cầu mong Anh Sáu yên giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng".
Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi sổ tang. Ảnh: VOV
9h30, hai vợ chồng bác Trần Văn Chấp (80 tuổi, ngụ quận 1, TP HCM, học cùng trường công nông Trung ương Hà Nội với cố Thủ tướng Phan Văn Khải) từ sáng sớm đã đến chờ tới lượt vào viếng bác Sáu Khải.
"Tuy học xong đã lâu, nhưng chúng tôi thường tổ chức họp mặt sinh viên miền Nam tại Sài Gòn. Nghe tin bác Khải mất, bạn bè chúng tôi hẹn nhau đến đây để cùng thăm viếng bác ấy", bác Chấp nói
Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Sinh (80 tuổi, ngụ Củ Chi) nói: "Ba ngày qua, tôi đều có mặt ở nhà bác Khải. Hôm nay, tôi tiếp tục đến kính viếng bác ấy ở đây. Vị Thủ tướng luôn một lòng vì dân, của dân và luôn yêu thương dân. Tôi luôn muốn bên cạnh bác Khải cho đến ngày bác được đưa về quê Củ Chi đất thép an nghỉ".
Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Quốc Sinh. Ảnh: Viết Dũng.
9h20, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và ghi sổ tang.
"Vô cùng thương tiếc đồng chí Phan Văn Khải - anh Sáu Khải, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX, X, XI - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đã cống hiến trọn đời mình, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 tuổi Đảng và nhiều Huân , Huy chương cao quý khác.
Đồng chí mất đi là sự tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sân sắc đối với tất cả chúng ta.
Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đồng chí.
Xin vĩnh biệt anh Sáu Khải.
Xin gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất", Tổng Bí thư ghi sổ tang.
9h, sau khi viếng, các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước... đi quanh thi hài để nhìn mặt nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lần cuối.
Ở bên ngoài, nhiều đoàn người cũng bắt đầu vào hội trường viếng bác Sáu Khải. Trên gương mặt mỗi người ai cũng ưu tư, buồn bã trước sự ra đi của nguyên Thủ tướng có lối sống bình dị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đi quanh thi hài cố Thủ tướng.
8h40, Đoàn Chủ tịch nước, Đoàn Quốc hội, Đoàn Chính phủ vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Đoàn Chủ tịch nước do Chủ tich Trần Đại Quang dẫn đầu. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam kính viếng. Trong đoàn có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Ảnh: VTV
Đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu vào viếng. Trong đoàn còn có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Đỗ Bá Tỵ cùng các cán bộ Văn phòng Quốc hội. Ảnh: VTV
Đoàn Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu vào viếng. Đoàn đại biểu Chính phủ có nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh... Ảnh: VTV
8h25, sau khi gia đình và họ tộc hai bên nội ngoại cố Thủ tướng Phan Văn Khải vào viếng, đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã vào viếng.
Trước đó, ngay từ hơn 7h sáng, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã tới chuẩn bị cho tang lễ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: VTV
8h, linh cữu cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải được quàn tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM. Lễ viếng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM, bắt đầu từ 8 giờ ngày 20-3 đến hết ngày 21/3.
Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể lúc 7h30, ngày 22/3 tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM. Lễ an táng lúc 11h cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM.
Cùng thời gian này, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội cũng diễn ra Lễ viếng, Lễ truy điệu nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải.
Ngay từ sáng sớm, nhiều đoàn học sinh xếp hàng ngay ngắn trước cổng Hội trường Thống Nhất chờ đến giờ vào viếng nguyên Thủ tướng. Ảnh: Chí Hữu.
Trong 2 ngày Quốc tang (ngày 20 và ngày 21/3), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Trước đó, từ khi hay tin cố Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần, nhiều người đã đến viếng cố Thủ tướng tại tư gia ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP HCM). Trong thời gian này có hơn 1.000 đoàn đến viếng.
Tối 19/3, linh cữu cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã được đưa từ tư gia đến Hội trường Thống Nhất (quận 1).
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần hồi 1h30 ngày 17/3 (tức 1/2 năm Mậu Tuất), tại nhà riêng xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM.
Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải sinh ngày 25/12/1933. Quê quán: Xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM. Thường trú tại số nhà 24 Tú Xương, Phường 7, Quận 3, TP HC.
Cố Thủ tướng tham gia cách mạng năm 1947, vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 15/7/1959. Nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII, VIII, IX; Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá VII, VIII, IX; Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII; nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại biểu Quốc hội các khoá VIII, IX, X, XI.
Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, nguyên Thủ tướng đã có nhiều đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Nguyên Thủ tướng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Danh sách Ban Lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải:
1. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang.
2. Đồng chí Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
5. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
6. Đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ.
7. Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
8. Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
9. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
10. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh.
11. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
12. Đồng chí Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
13. Đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
14. Đồng chí Phạm Bình Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
15. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
16. Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
17. Đồng chí Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
18. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
19. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.
20. Đồng chí Vũ Đức Đam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
21. Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
22. Đồng chí Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.
23. Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
24. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
25. Đồng chí Bùi Văn Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
26. Đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.
27. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
28. Đồng chí Mai Tiến Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
29. Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
30. Đồng chí Đào Việt Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
31. Đồng Chí Trung tướng Võ Minh Lương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7.
32. Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
33. Đồng chí Lê Quốc Phong, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.