Nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm đồng tình khi lực lượng cảnh sát giao thông thẳng tay trấn áp những thanh niên chống đối người thi hành công vụ trên đường phố.
Từ đầu tháng 7 đến nay, hai trường hợp chống đối người thi hành công vụ của Lê Ngọc Sáng (24 tuổi, xã Hải Ninh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) và Nguyễn Anh Tài (học sinh lớp 11, TP.HCM) đăng tải trên báo chí khiến nhiều người bức xúc.
Trường hợp của Sáng là không chấp hành hiệu lệnh, liên tục buông lời lẽ lăng mạ cảnh sát. Khi bị lực lượng chức năng ra quyết định tạm giữ xe vi phạm, thanh niên 24 tuổi này đã lao vào ngăn cản dẫn đến việc hai bên xô xát nhau. Trường hợp của Tài lại bị Đội CSGT An Sương (TP.HCM) dùng mô tổ đuổi theo, khóa tay khi cố tình tháo chạy do vi phạm giao thông đường bộ.
"Bị bắt là đúng"
Qua vụ việc của Tài, anh Trần Quang Minh bức xúc, các "tổ lái" chạy vào làn xe ô tô trên đoạn Trường Chinh - Quốc Lộ 22 (TP.HCM) phần lớn là những em đua xe, đánh võng, gây mất trật tự công cộng. Những người này đã xem thường pháp luật, tính mạng bản thân và những người đi đường.
"Khi bị cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng nhưng người dân vẫn cố tình bỏ chạy, chắc hẳn là có nguyên nhân. Thứ nhất, người đó đã làm sai, hoặc thứ hai, người đó có lẽ là tội phạm "giả danh trí thức" vận chuyển hàng cấm. Và chúng ta cũng không loại trừ những trường hợp có "hàng nóng" trong người", bạn Nguyễn Đăng Khoa bổ sung.
Cảnh sát giao thông khóa tay học sinh lớp 11.
“Qua câu chuyện của học sinh lớp 11, tôi đã có được câu trả lời cho câu hỏi tại sao gần đây lại có nhiều chiến sĩ ngã xuống với đất mẹ như thế”. Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ. |
Chính vì thế, độc giả Lãng ủng hộ cách làm của cảnh sát giao thông với trường hợp của Tài. "Họ làm như vậy là đúng trách nhiệm. Nếu học sinh đó không làm gì sai, vì sao gặp công an phải bỏ chạy? Khi các em đi xe dưới 50cc và chưa có bằng lái chỉ bị nhắc nhở, vì vậy, lực lượng chức năng khống chế là đương nhiên".
Đồng tình với việc người tham gia giao thông phải dừng lại khi có hiệu lệnh của CSGT, anh Nguyễn Tấn Tài lý giải thêm, nếu bỏ chạy như vậy rất nguy hiểm cho người đi đường. Cảnh sát khóa tay là đúng vì học sinh bây giờ rất liều lĩnh.
Về vụ việc ở Thanh Hóa, Nguyễn Na nhìn nhận, khi mới thấy hình ảnh trên mạng, nhiều người còn chụp mũ cảnh sát giao thông, nhưng rõ ràng người thi hành công vụ đã làm đúng. “Địa phận Tĩnh Gia khá phức tạp, nếu cơ quan chức năng không xử lý nghiêm, chắc chắn sẽ khó ổn định”, Na nói.
Tuấn Nguyên cũng bức xúc, cảnh sát chỉ khống chế, chứ không hề đánh đập. Nếu người vi phạm phối hợp đi về đồn sẽ không có trường hợp phải 4 người xông vào khống chế. Vì vậy, việc xử lý nghiêm là đúng.
Bạn Nghĩa nhận xét: "Ai cũng nghĩ là công an ăn hiếp người khác, lợi dụng màu áo để thể hiện quyền uy, nhưng vì sao mọi nguời không nghĩ là người tham giao thông vi phạm nhưng không thừa nhận? Họ lại còn chống đối, không hợp tác. Đặt tình huống mình là người công an, các bạn sẽ xử lý như thế nào? Không lẽ, các bạn tha cho họ, như vậy còn gì là pháp luật dùng để răn đe?".
CSGT khống chế người chống đối.
"Xử thật nặng người chống đối người thi hành pháp luật"
Bạn Trương Triều lên án hành vi chống đối lại người thi hành công vụ và đề xuất cần có các khung hình phạt mạnh. “Dư luận hay báo chí đừng bênh vực những hành vi kể trên vì mọi người thường có suy nghĩ bênh vực cho người dân. Do vậy,bây giờ khi cảnh sát giao thông thổi còi dừng xe là thanh niên chống đối và không chịu lắng nghe những sai phạm của họ.
Lê Thanh Tài mong muốn cơ quan chức năng xử lý nghiêm hơn nữa để đem lại sự Bình An cho người và phương tiện khi tham gia giao thông cũng như thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường pháp chế, chế tài để xử thật nặng những trường hợp như trên, kể cả người nhà khi có những hành động vào hùa, chống lại người thi hành công vụ.
Và trên hết, nhiều bạn đọc rút kinh nghiệm rằng mỗi người người hãy tự nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, ngoài ra, như độimũ bảo hiểm là để tự bảo vệ mình, chấp hành nghiêm chỉnh quy định thì không chỉ phải lo gặp công an mà còn đảm bảo cho nhiều sinh mạng cho những người cùng trên đường.
Căn cứ theo quy định tại Điều 257 của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009: Tội chống người thi hành công vụ 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm : a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; d) Gây hậu quả nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm”. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 7 nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 1 triệu tới 2 triệu đồng. 3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm danh sự hoặc chống lại người thi hành công vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. |
Theo Nhật My (Tri thức trực tuyến)