Tưởng cọng bún mềm nhũn thì ăn cũng an toàn, tuy nhiên một cụ bà đã suýt chết vì nghẽn đường thở trong lúc ăn loại thức ăn này.
BS Huỳnh Bá Tản, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cho biết thông tin này trong chiều 13/11, khi ông cùng các cộng sự vừa cứu sống cụ bà 80 tuổi bị hóc dị vật dẫn đến ngưng tim, ngưng thở.
Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM.
Suýt chết vì ăn bún, thịt, bánh ít
Theo đó vào sáng cùng ngày, trong lúc dùng bữa thì bà Hương (80 tuổi, ngụ TP.HCM, tên đã thay đổi) bất ngờ bị sặc, tím tái rồi lịm dần. Hốt hoảng, người nhà gọi ngay vào số tổng đài của Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM.
Cụ bà hóc dị vật là thịt, bún.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, ê kíp cấp cứu gồm 4 nhân viên y tế nhanh chóng lên xe cứu thương đến hiện trường. Trong lúc này, tổng đài vẫn liên tục hướng dẫn gia đình sơ cứu tại chỗ cho bệnh nhân.
Đến nhà bệnh nhân, các y BS tiến hành thủ thuật sơ cứu Heimlich cho người hóc dị vật, hút hết phần thức ăn thừa gây tắc nghẽn đường thở, ấn tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản bóp bóng thở oxy. Bệnh nhân cũng được thiết lập 2 đường truyền tĩnh mạch Adrenaline, Natri bicarbonate, gắn monitor theo dõi...
Các BS tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân.
6 phút hồi sinh tích cực, trên máy monitor đã xuất hiện thấy nhịp xoang. Sau 10 phút nhịp tim bệnh nhân dần phục hồi, cả ê kíp cấp cứu vỡ òa sung sướng. Dị vật lấy từ miệng bệnh nhân là một ít sợi bún và thịt.
Bệnh nhân có nhịp tim sau 6 phút.
Hiện tại, bệnh nhân đã được đưa đến Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Theo BS Tản, đây chỉ là một trong vài ca hóc dị vật do thức ăn mà mỗi tuần Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM tiếp nhận.
Hiện cụ bà đã qua cơn nguy kịch.
Trước đó không lâu cũng có một nữ bệnh nhân đã bị ngưng thở trong lúc ăn. Khai thác bệnh sử, các BS phát hiện người phụ nữ có tiền căn bệnh ung thư hầu họng.
Đường thở bệnh nhân bị hạn chế do khí quản vùng hầu họng bị chít hẹp vì khối u xâm lấn kèm hạch di căn.
Sau khi đưa bánh ít vào miệng và nhai, đột nhiên bệnh nhân khó thở, tím tái, ngã xuống thềm hôn mê bất tỉnh.
Trường hợp bệnh nhân ăn bị hóc dị vật là bánh ít đến ngưng thở.
Nhận tin báo, ngay khi đến nơi, đội cấp cứu khẩn trương đặt nội khí quản, vừa hút lấy ra đến hơn nửa cái bánh ít đã nhai vụn nhưng chưa kỹ bám đầy vùng hầu họng và che bít đường thở bệnh nhân.
"Đây là một trường hợp khó do khối u ác tính vùng hầu họng và do các mảnh bánh ít nhầy nhụa bám dính niêm mạc hầu họng. May mắn là bệnh nhân đã được cứu sống" - BS Tản chia sẻ.
Muốn không mất mạng khi ăn, cần lưu ý điều này khi ăn
Từ các trường hợp trên, BS khuyên bệnh nhân có tiền sử tai biến hay bệnh lý vùng hầu họng nên kiêng cữ thận trọng với các món thức ăn từ tinh bột dẻo vì có thể gây sặc, nghẹn.
Vào tháng 7/2018, một bà mẹ 31 tuổi, ngụ TP.HCM trong lúc ăn phở gà đã to tiếng với con và không may hóc mảnh xương gà lớn vào thực quản. Thay vì đi BV ngay, bà chọn điều trị theo cách dân gian là ăn thật nhiều táo và lê.
Bệnh nhân bị hóc xương gà vào thực quản.
Tuy nhiên, xương chẳng những không rơi xuống mà còn cắm sâu vào khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn. Hậu quả là bà phải nhịn ăn uống, điều trị ít ngày trước khi được nhân viên y tế nội soi gắp dị vật ra.
BS điều trị cho bệnh nhân này nhận định, đây là trường hợp điển hình trong việc xử trí ban đầu không đúng cách khi bị hóc di vật ở hầu, họng, thực quản lúc ăn uống.
BS hướng dẫn cách sơ cứu cho người hóc dị vật.
"Người dân trong khi ăn cần phải nhai kỹ và hạn chế nói lớn tiếng. Khi có dấu hiệu mắc dị vật cần phải ngưng ăn và không cố sử dụng các loại thức ăn như cơm nguội, chuối, trái cây, rau… để cố gắng đẩy dị vật đi xuống dạ dày vì làm như vậy có thể gây hậu quả nặng nề hơn" - BS cảnh báo.
Để có thể cứu bệnh nhân lỡ chẳng may hóc dị vật, các BS cho rằng, việc sơ cứu tại chỗ cho bệnh nhân là điều rất quan trọng.
Cụ thể, bệnh nhân cần được thực hiện thủ thuật Heimlich ngay để khai thông đường thở hoặc ấn tim ngoài lồng ngực nếu bệnh nhân ngưng tim.
Cách sơ cứu hóc dị vật (với trẻ em)
- Trường hợp còn tỉnh: Cho trẻ đứng, người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng.
Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ.
Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu dị vật chưa ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.
- Trường hợp hôn mê: Đặt trẻ nằm ngửa, người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
Trong tình huống nạn nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải hà hơi thổi ngạt 2 cái.
Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.
Hoàng Lê
Nguồn: Afamily/Trí thức trẻ