Tin mới

Nhớ về "Bao Thanh Thiên" của ngành tòa án Việt Nam

Chủ nhật, 04/01/2015, 09:04 (GMT+7)

Đất nước thống nhất, người lính Huỳnh Việt Thắng rời rừng, lần lượt trải qua 31 năm công tác trong ngành công an và 17 năm cầm trịch ở cương vị Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC).

Đất nước thống nhất, người lính Huỳnh Việt Thắng rời rừng, lần lượt trải qua 31 năm công tác trong ngành công an và 17 năm cầm trịch ở cương vị Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC).

Cái tình người của ông Phó Chánh án được cảm nhận rõ ràng và thanh bạch ở mọi phương diện, từ tình đồng chí, tình thân, cho đến tình đồng loại. Dù qua đời đã lâu, nhưng những câu chuyện đời, chuyện nghề thấm đẫm tình người của cụ vẫn được lớp con cháu trân trọng và ghi nhớ.

Cụ Huỳnh Việt Thắng chụp hình cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2000 (ảnh gia đình nhân vật cung cấp).

Nước mắt Phó Chánh án sau phiên tòa

Nhà cố Phó Chánh án TANDTC Huỳnh Việt Thắng nằm yên ả trong con hẻm nhỏ gần chùa Phổ Quang (TP.HCM). Đây là ngôi nhà đã được các con cụ sửa chữa nhiều lần mới khang trang hơn trước. Trước đây, cụ từ chối nhận căn biệt thự bề thế nằm ngay mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch được Nhà nước cấp để về an dưỡng tuổi già trong ngôi nhà nhỏ tại con hẻm cụt. “Cụ bảo quan trọng là cái tình chứ ở đâu mà chẳng được. Năm 1985, tôi về làm rể và gắn bó với cụ cho đến ngày cụ qua đời. Tôi đã học được rất nhiều từ tính cách đặc biệt của cụ”, ông Hà Thanh Hải (60 tuổi, ngụ P.2, Q. Tân Bình, TP.HCM) nhớ về cha vợ, người thầy đặc biệt của mình.

Về xuất thân của cụ Huỳnh Việt Thắng, ông Hải chia sẻ: “Cụ sinh năm 1921 tại xã Long Định, huyện Cần Đước, Long An trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Từ nhỏ, cụ đã hiếu học và chịu khó, lại đam mê đờn ca tài tử, chụp ảnh. Cụ giác ngộ cách mạng từ rất sớm, ban đầu là giao liên cho các cán bộ cốt cán của Long An. Sau đó, cụ tham gia cướp chính quyền năm 1945. Cụ trải qua nhiều chức vụ khác nhau như: ủy viên ủy ban an ninh Miền, Giám đốc Nha An ninh miền Nam, ủy viên Thường vụ Khu ủy miền Đông, ủy viên đại diện Bộ Nội vụ ở miền Nam (nay là Bộ Công an). Cuộc đời cách mạng của cụ rất vẻ vang, kiên trung nhưng cũng lắm những buồn vui mà rất ít người biết tường tận”.

Mặc dù yêu thích ngành công an, nhưng khi biết bên tòa án cần người, cụ vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ. Sang lĩnh vực mới, gần như cụ phải học lại từ đầu, trừ lối tư duy logic, sự tinh tường và nhạy bén có được trong quá trình công tác trong ngành công an. Ngay khi ngồi vào chiếc ghế Phó Chánh án TANDTC, cụ Huỳnh Việt Thắng đối mặt với thử thách là vụ án vợ chồng nghệ sỹ Thanh Nga bị bắn chết. Vốn yêu thích cải lương từ nhỏ, nên khi nhận lệnh cầm trịch ở vụ án thảm sát hai vợ chồng người nghệ sỹ tài hoa, cụ rất bồi hồi. “Sau này, khi tôi về ở trong nhà, cụ có kể lại quá trình xét xử Vụ án của nghệ sỹ Thanh Nga. Cụ rất căm phẫn hành động ác tâm của tên Tân, nhưng không vì thế mà xử ép kẻ phạm tội...”, ông Hải kể lại.

“Trong suốt 17 năm làm việc tại Tòa án, tôi chứng kiến cụ từng rơm rớm nước mắt khi nhắc đến vụ án Đường Sơn Quán. Ba Tung thuộc lớp thế hệ kế cận của cụ trên con đường cách mạng lắm chông gai, được phong anh hùng và đang ở đỉnh cao của sự nghiệp thì bị dính vào vụ án. Cụ hiểu tình đồng chí còn đó, nhưng pháp luật phải được thực thi. Hay trong vụ án Lữ Anh Dồi, cụ không quản khó nhọc, đường sá xa xôi xuống tận Cà Mau để giải oan cho người đã khuất. Đã có những sai sót của Cơ quan điều tra địa phương được chứng minh và cũng có những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các bên. Nhưng, mục đích cuối cùng của cụ là tìm công lý nên không ai thù oán hay để lại hiềm khích về sau”, ông Hải cho biết thêm.

Cụ Huỳnh Việt Thắng, người được mệnh danh "Bao Thanh Thiên" của ngành tòa án Việt Nam.

Của để dành là uy tín và tình người

“Làm ở tòa án nhưng cụ không hề khô khan, luật hóa. Ở cụ, tôi cảm được một con người cực kỳ thú vị, lãng mạn, thanh lịch vô cùng. Giọng nói của cụ nhỏ nhẹ, ăn mặc thanh nhã, quần tây áo sơ mi và đặc biệt không bao giờ cụ mặc quần màu đen. Với con cái, cụ vô cùng nghiêm khắc nhưng với các cháu, cụ lại cực kỳ thoáng. Cụ sống vô tư lắm nên chẳng bao giờ làm ai phiền lòng. Cụ mất hơn 10 năm mà tới ngày giỗ, bạn bè đều tụ họp về ăn chén cơm, uống ly rượu và nhắc nhớ chuyện xưa cùng lớp con cháu chúng tôi”, ông Hải tự hào chia sẻ.

Theo ông Hải, của để dành mà cụ Huỳnh Việt Thắng để lại cho con cháu chính là uy tín và tình cảm của mọi người. Uy tín của cụ được đúc kết từ sự cương nghị và liêm khiết trong suốt quá trình giữ cương vị cao trong ngành tòa án. “Không biết bao nhiêu người đến nhờ cậy, bao nhiêu thứ xa hoa phù phiếm mời gọi, nhưng chưa bao giờ cụ chịu thỏa hiệp, dù có tiền muôn bạc vạn, có đau lòng, có bị bà con chửi bới, cụ cũng âm thầm cắn răng xử theo luật, đúng người đúng tội”, ông Hải cho biết.

Video ANTV: Xét xử đối tượng lừa đảo giả mạo cảnh sát giao thông:

Nhắc về sự liêm khiết của cha vợ, ông Hải tỏ vẻ thán phục: “Cụ là người thân nên có nói người khác cũng không tin, nhưng tôi kể ra đây ai muốn nghĩ thế nào thì tùy. Tết đến, người quen dưới quê có mang lên cho cụ một bao gạo, một con gà. Vốn hiểu tính cụ, tôi có nhắc người đó mang về. Người này không tin vẫn mang vào nhà, cụ liền bảo mang về. Một lần khác, người cháu của cụ làm việc ở bệnh viện, gặp rắc rối đến vấn đề pháp luật đến nhờ cụ tư vấn giúp. Đến ngày Giáng sinh, cháu cụ mang đến một cái bánh kem và một con vịt quay. Cụ bảo tôi nhận rồi đem vào nhà. Lát sau, khi người cháu này về đến nhà, cụ bảo tôi mang bánh và vịt quay đem biếu lại cho nhà cháu. Cụ còn cẩn thận viết một lá thiệp chúc mừng Giáng sinh gửi đến người cháu này”.

“Khi đến nhà người cháu, sợ họ thuyết phục nhận lại nên tôi bấm chuông rồi trốn biệt vào gốc cây và quan sát. Người cháu ra cổng thấy bánh kem và vịt rất ngỡ ngàng. Người này cầm tấm thiệp của cụ vừa đọc vừa rưng rưng nước mắt. Tôi đứng nhìn cũng thấy bồi hồi và cảm phục sự thanh bạch của cụ. Về sau, tôi có hỏi tại sao cụ nhận rồi trả lại, mà không từ chối ngay từ đầu. Cụ nhỏ nhẹ bảo: “Cha không nhận, anh ta nghĩ sẽ phải mắc nợ cha cả đời. Anh ta sẽ không thôi day dứt. Thế nên, cha nhận rồi tặng lại, chẳng ai mắc nợ ai”. Tôi nghe qua càng khâm phục cụ, cái tính kỹ càng, suy nghĩ thấu đáo khiến ai cũng tâm phục khẩu phục”, ông Hải cho biết thêm.

Một đời làm quan chức cấp cao, một đời cụ Huỳnh Việt Thắng chọn sự thanh bạch để an nhàn lúc tuổi già. Có lẽ, nhiều lắm những người đang sống, cần học theo cụ để tiếng thơm cho con cháu về sau.

Năm 2000, khi đang giữ chức vụ Phó Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ trong cuốn nhật ký của Phó Chánh án TANDTC Huỳnh Việt Thắng: “Đọc xong quyển hồi ký, cháu có nhiều suy nghĩ và càng thấy tâm đắc, sâu sắc hơn nhiều điều. Nhất là về lòng yêu nước, thương dân, đức tính hết lòng phục vụ nhân dân, lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng cao đẹp của Đảng, tinh thần dũng cảm, sáng tạo trong gian nguy thử thách và tính tổ chức kỷ luật nghiêm túc trước nhiệm vụ được giao; sống thủy chung và có trách nhiệm đầy đủ với gia đình, bạn bè, đồng chí,... của người Đảng viên cộng sản, của một con người. Cháu học tập nhiều ở chú qua những mẩu chuyện này...”.

Theo Ngọc Lài- Hà Nguyễn/ ĐSPL

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news