Tin mới

Những câu hỏi pháp lý cần giải đáp từ vụ quán cà phê "Xin chào"

Thứ sáu, 22/04/2016, 10:29 (GMT+7)

Từ vụ chủ quán cà phê "Xin Chào" bị truy tố tội Kinh doanh trái phép, dư luận cho rằng có nhiều câu hỏi pháp lý cần được trả lời.

Từ vụ chủ quán cà phê "Xin Chào" bị truy tố tội Kinh doanh trái phép, dư luận cho rằng có nhiều câu hỏi pháp lý cần được trả lời.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa nêu và phân tích môt số câu hỏi pháp lý từ vụ việc này. 

Sử dụng nước giếng sơ chế thực phẩm có bị phạt?

Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát huyện Bình Chánh thì chủ quán cà phê "Xin Chào" bị truy tố tội Kinh doanh trái phép theo điểm a khoản 1 điều 159 Bộ luật hình sự  năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009 với căn cứ “đã bị xử phạt về hành vi kinh doanh trái phép…mà còn vi phạm”.

Hành vi kinh doanh trái phép gồm “kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép”.

Trong biên bản khi khi kiểm tra quán cà phê lần 2, công an xác định hành vi phạm : “Khu vực chế biến thực phẩm có côn trùng, sử dụng nước giếng khoan để sơ chế thực phẩm". Như vậy, đây là hành vi vi phạm hành chính đơn thuần và được quy định, xử lý vi phạm theo điều 20 Nghị định : 178/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013  “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm” ( Nghị định 178). 

Hai hành vi phạm ghi nhận tại Biên bản vi phạm hành chính do Công an quận Bình Chánh lập lần 2 hoàn toàn không phải hành vi kinh doanh trái phép được quy định tại điều 159 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009.

Có thể nói dễ hiểu rằng yếu tố định tội Kinh doanh trái phép là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh trái phép mà còn vi phạm không xảy ra do lần vi phạm tiếp theo họ không vi phạm hành chính kinh doanh trái phép.

Thêm nữa, hành vi vi phạm hành chính lần 2 mới chỉ bị lập biên bản vi pham hành chính. Công an huyện Bình Chánh chưa ban hành quyết định xử phạt hành chính nên cũng không thỏa mãn căn cứ “mà còn vi phạm” trong cấu thành của tội Kinh doanh trái phép.

Luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa

Khi kiểm tra chỉ có cơ quan công an nhưng khi lập biên bản ghi là đoàn liên ngành?

Một chi tiết nữa của vụ việc liên quan đến việc lập biên bản vi phạm hành chính trong vụ án này cũng cần được lưu ý. Khi các phóng viên có mặt tại buổi họp báo do công an TP HCM tổ chức sáng 21/4 cùng nêu thắc mắc: Việc công an không lập đoàn kiểm tra liên ngành mà tự đi rồi khi lập biên bản lại ghi là đoàn liên ngành?  Và được thiếu tướng Phan Anh Minh, PGĐ Công an TP HCM trả lời: "Việc kiểm tra quán ông Tấn thuộc thẩm quyền của công an. Đoàn liên ngành có cũng được, không có cũng được. Công an có quyền kiểm tra quán ông Tấn mà không cần lập đoàn liên ngành. Chỉ khi nào cần các cơ quan chuyên môn thì mới lập".

Tôi cho rằng câu trả lời này không phù hợp quy định pháp luật và không khiến đông đảo người dân thấy thỏa đáng. Biên bản được cơ quan chức năng lập phải đảm bảo nguyên tắc trung thực, đúng sự thực khách quan từ thành phần tham gia, người vi phạm, hành vi vi phạm. Không thể tùy tiện thêm hay bớt các nội dung hoặc phản ánh sai lệch sự thật khách quan của vụ việc. Việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc lập đoàn liên ngành trong đó ít nhất phải có đại diện cơ quan chuyên môn bên y tế là không thể thiếu.

Thời gian đợi cấp chứng nhận VSATTP gây khó cho người kinh doanh?

Tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định tại Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND “Ban hành quy định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống”.

Trong thời gian 15 ngày làm việc cơ quan cấp giấy chứng nhận sẽ xét tính hợp lệ của hồ sơ trong 5 ngày, tiến hành thẩm định cơ sở kinh doanh trong thời hạn 10 ngày. Trong trường hợp, hồ sơ chưa hợp lý, quá trình thẩm định phát sinh những điểm cần khắc phục thì thời gian người kinh doanh có được giấy chứng nhận ATVSTP sẽ lâu hơn 15 ngày. Ở góc độ người kinh doanh buôn bán thì đây là khoảng thời gian tương đối dài. Nếu chấp hành đúng quy định, đợi có giấy phép mới hoạt động thì sẽ dẫn đến việc cơ sở vật chất, hàng hóa, nhân sự, chi phí mặt bằng hoàn toàn không có nguồn thu để trang trải. Do vật một thực tế phổ biến người kinh doanh cứ buôn bán rồi song song hoặc sau đó mới xin giấy phép. Quy định thời gian dài khiến cho người kinh doanh nếu chấp hành thì sẽ thua lỗ, không chấp hành thì bị xử phạt.

Thiết nghĩ để đảm bảo người kinh doanh không bị thua lỗ ngay khi bắt tay vào hoạt động đăng ký kinh doanh thì pháp luật cần quy định thời gian cấp giấy phép trong thời hạn 2 ngày làm việc. Trong thời gian chờ quy định pháp luật thay đổi thì cơ quan cấp giấy phép với tinh thần vì doanh nghiệp, vì môi trường kinh doanh thuận lợi nên đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép để có thể thực hiện trong thời hạn 2 ngày làm việc.

Cơ quan viện kiểm sát có trách nhiệm lên tiếng?

Theo thông tin báo chí thì vụ án này đã có Quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 28 tháng 04 năm 2016. Như vậy toàn bộ hồ sơ đã được chuyển sang Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh. Vụ việc này do cơ quan Công an tiến hành từ việc xử phạt hành chính rồi khởi tố vụ án khởi tố bị can. Có nhiều yếu tố không chắc chắn, thậm chí cở sở định tội không rõ ràng gây ra phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Viện kiểm sát huyện Bình Chánh với chức năng kiểm sát hoạt động điều tra, truy tố can cũng đã không thực hiện tốt chức năng của mình khi phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Trong vụ việc này hợp lý nhất là đại điện Cơ quan công an và đại diện Viện kiểm sát cùng tham gia buổi họp báo cùng thông tin, giải đáp các thắc mắc của dư luận nhân dân.

Xét ở góc độ mức hình phạt hoặc số lượng một trong hàng trăm vụ án hình sự một năm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thì yếu tố định lượng được coi là nhỏ. Tuy nhiên với tư cách một công dân bị xử lý hình sự thì không ai có thể nói là nhỏ. Nói rộng ra với xã hội thì vụ việc có tác động vô cùng lớn. Nó khiến cộng đồng khởi nghiệp, người kinh doanh buôn bán rúng động, thậm chí hoang mang.

Quan điểm của tôi cho rằng ban đầu đây là một vụ khủng hoảng nhỏ. Các cơ quan tố tụng chỉ cần thực hiện chức năng tố tụng để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên nếu không xử lý khéo léo thì đây sẽ là một cuộc khủng hoảng truyền thông, lan rộng tác động tương đối sâu sắc đến tâm lý kinh doanh, khởi nghiệp của người dân địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

[mecloud]NBKHsgJDhq[/mecloud]

Luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news