Tại sao một người có thể lên kế hoạch khá tỉ mỉ để hãm hại con tình địch; vẫn làm giám đốc chi nhánh của một doanh nghiệp nhưng lại được kết luận là có dấu hiệu loạn thần, không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi... là tình tiết khiến độc giả băn khoăn.
Vừa qua, báo chí đăng tải thông tin về vụ việc Đào Thị Thu Thảo (35 tuổi) - nữ Giám đốc chi nhánh một công ty tại Bà Rịa - Vũng Tàu bỏ ra hàng trăm triệu đồng thuê người tiêm máu nhiễm HIV vào bé trai 3 tuổi con của tình địch khiến độc giả và dư luận "rúng động".
Và ngày 05/12, thông tin từ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì hồ sơ vụ án "Cố ý truyền HIV cho người khác" đã được chuyển đến TAND thành phố Vũng Tàu để đưa hai đối tượng Lê Trung Linh (32 tuổi) và Huỳnh Văn Thế (31 tuổi) ra xét xử sơ thẩm. Còn nữ chủ mưu Đào Thị Thu Thảo được đình chỉ điều tra vì có kết luận tâm thần.
Nữ giám đốc chủ mưu thuê người tiêm máu nhiễm HIV vào con của người tình được đình chỉ điều tra khiến độc giả đặt dấu hỏi. Ảnh minh họa |
Sau khi xuất hiện thông tin trên, bên cạnh những ý kiến cảm thương đối với cháu bé và gia đình, thái độ ghê sợ trước thủ đoạn tàn độc của nhóm đối tượng thì nhiều độc giả cũng khá bức xúc khi chủ mưu gây ra tội ác trên lại được đình chỉ điều tra; đồng thời, chỉ ra những điểm bất thường trong vụ việc.
Thứ nhất, nếu Thảo là người bị tâm thần, thì liệu Thảo có thể "dư thừa trí tuệ và mưu lược để sắp xếp kế hoạch trả thù, hành động tỉnh táo và quyết theo đuổi "mục tiêu" đến cùng như vậy?" (theo như ý kiến của độc giả Trình Giang). Nhiều độc giả khác cũng đồng nhận định, là người tâm thần thì không bao giờ có thể có được khả năng đó. Do vậy, cần cho Thảo đi giám định tâm thần ở một cơ quan hoặc tổ chức độc lập khác để có kết quả minh bạch hơn.
Thứ hai, theo thông tin báo chí đăng tải, thì Thảo hiện làm giám đốc chi nhánh của một Công ty tại Vũng Tàu. Do vậy, theo nhận định thông thường, một cá nhân không thể nắm giữ vị trí đó trong tình trạng bị tâm thần, loạn thần.
"Giám đốc mà bị tâm thần thì doanh nghiệp và toàn bộ nhân viên dưới quyền hoạt động kiểu gì, và có thể hoạt động được hay không? Và nếu cái kết luận tâm thần về tình trạng của Thảo là chính xác, vậy thì có phải xem lại giá trị pháp lý của toàn bộ các văn bản giấy tờ, hợp đồng mà người này đã ký trong quá trình điều hành chi nhánh hay không bởi người tâm thần thì không còn năng lực hành vi dân sự, chữ ký của họ cũng không hề có giá trị..." - Một số ý kiến nêu vấn đề.
Thứ ba, nếu Thảo thực sự bị tâm thần, thì với tư cách của một người "được thuê mướn" (trong trường hợp này là Linh, Thế) thì các đối tượng này liệu có sẵn lòng và đồng ý "hợp tác" với một người đã mất năng lực hành vi dân sự như Thảo? Công ty của Linh thu lợi nhuận từ việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của khách hàng. Hơn nữa, kế hoạch trả thù của Thảo được "lên dây cót" từ đầu năm 2014 và tới tháng 4/2016 mới "hoàn thành". Và trong quá trình thực hiện kế hoạch, Thảo cùng nhóm đối tượng không nhiều lần gặp thất bại nhưng tất cả vẫn theo đuổi mục tiêu của kế hoạch trả thù. Vậy nếu trong trường hợp người thuê là một người không được bình thường về thần kinh, thì liệu các đối tượng này có thực hiện "hợp đồng giao kèo" một cách cần mẫn và theo đuổi mục tiêu tới cùng như vậy? Và nếu bị "loạn thần", thì Thảo có thể đứng ra bàn bạc, thu xếp và chuyển tiền cho các đối tượng với tổng chi phí cộng lại lên tới vài trăm triệu?
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về trường hợp có khả năng bỏ lọt tội phạm trong vụ án này. Bởi tội Cố ý lây truyền HIV cho người khác một cách có tổ chức thì có nguy cơ đối mặt với án tù lên tới 5 năm, 20 năm, thậm chí tù chung thân. Và chỉ một chứng nhận tâm thần mà người gây ra tội ác được "miễn nhiễm" với các quy định xử phạt của hệ thống pháp lý.
Sau hơn 1 năm điều trị phơi nhiễm HIV, cháu bé may mắn Âm tính với loại virus này. Ảnh minh họa |
Ngoài ra, bạn đọc cũng nêu những ý kiến băn khoăn về việc tại sao Công ty/Doanh nghiệp do Thảo làm Giám đốc chi nhánh lại không được nêu tên cụ thể. Hoặc tại sao Thảo bị kết luận là tâm thần mà chỉ điều trị vẻn vẹn chưa đầy 2 tháng thì đã "không thuộc diện điều trị bắt buộc... Trong khi đó, theo thông tin tư vấn từ một phòng khám chuyên khoa về tâm thần, thì vì tính chất mạn tính, tái phát của bệnh, tính từ lúc các triệu chứng biến mất hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn, tái lập các chức năng thời gian dùng thuốc tối thiểu - phải từ 6 tháng. Sau đó cân nhắc tùy theo từng cá nhân, từng loại rối loạn mà tiếp tục chuyển qua giai đoạn phòng ngừa trước khi có kế hoạch ngưng thuốc.
Trước đó, theo hồ sơ vụ án, vào thời điểm đầu năm 2014, biết bạn trai mình có quan hệ tình cảm và có con với người phụ nữ khác tại thành phố, Đào Thị Thu Thảo đã lên mạng tìm thuê Giám đốc công ty dịch vụ thông tin tên Lê Trung Linh theo dõi gia đình của tình địch với giá thuê 20 triệu đồng.
Thời gian sau, Thảo nhận được kết quả thông tin theo dõi từ "đối tác" qua đường bưu điện, trong đó có bức ảnh về bé trai 3 tuổi được cho là con của người tình. Muốn đi xét nghiệm ADN của cháu bé, Thảo tiếp tục thuê công ty dịch vụ này lấy mẫu tóc hoặc móng tay của bé với giá 20 triệu đồng.
Thực hiện thỏa thuận, đích thân Lê Trung Linh đã đóng giả nhân viên tiếp thị sữa đến tận nhà của gia đình cháu bé, lấy được mẫu móng tay của cháu rồi giao lại cho Thảo.
Thời điểm tháng 4/2015, Thảo bàn với Linh về kế hoạch bắt cóc bé trai bỏ vào chùa với giá 240 triệu đồng. Sau khi đã nhận số tiền trên, Linh rủ thêm một đồng phạm (hiện chưa rõ lai lịch) cùng tham gia nhưng bất thành. Không muốn bỏ lỡ kế hoạch, 1 tháng sau đó, Thảo gặp Linh tại tp. Hồ Chí Minh bàn bạc âm mưu lấy máu của người nhiễm HIV tiêm vào người bé trai.
Lần này, Linh rủ thêm Thế cùng làm. Cả hai định "ra tay" vào ngày Quốc tế thiếu nhi (01/06/2015) nhưng do hôm đó, bé không đến công ty cùng mẹ nên kế hoạch của các đối tượng bị thất bại. Đến ngày 10/06/2015, Thế dùng 200.000 đồng mua máu của một người nhiễm HIV rồi cùng Linh xuống cổng trường nơi cháu bé theo học và đứng chờ. Khi trông thấy bé được mẹ đưa đến cổng trường, Thế đi sát, dùng kim tiêm có máu nhiễm HIV chích vào chân phải của cháu bé rồi lên xe tẩu thoát cùng đồng phạm. Sau khi thực hiện xong kế hoạch, cả hai được Thảo chuyển cho 120 triệu đồng.
Về phần gia đình cháu bé, sau khi phát hiện cháy bị chích kim tiêm, gia đình đã nhanh chóng đưa cháu đi điều trị phác đồ phơi nhiễm HIV. Kết quả, sau một năm, cháu được xác định Âm tính với virus HIV.
Đầu tháng 4/2016, mẹ bé nhận được thư tay của Thế gửi, nội dung thông báo là có người muốn hãm hại bé. Lo sợ có chuyện không may xảy ra với con, người mẹ đã liên hệ với Thế qua điện thoại và được Thế nhắn lại, yêu cầu phải đưa 150 triệu để đứng ra "dàn xếp". Và khi Thế nhận 10,6 triệu đồng cùng 200 USD tại Trung tâm Thương mại thành phố thì bị cảnh sát ập vào bắt giữ. Và từ lời khai của Thế, Linh và Thảo cũng bị bắt giữ ngay sau đó.
Trong quá trình điều tra, ngày 16/06, Trại tạm giam Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và gia đình của Thảo yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra cho giám định tâm thần nữ giám đốc này. Đến ngày 03/08, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa kết luận nữ giám đốc này bị trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần trước, trong và sau khi gây án. Tại thời điểm giám định, Thảo được kết luận tình trạng bệnh là "trầm cảm vừa". Và "tại thời điểm gây án và hiện nay: Đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi" - Kết luậ của Viện Pháp y tâm thần nêu rõ.
Ngày 04/08, Viện kiểm sát tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định đình chỉ điều tra bị can và áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với nữ giám đốc này.
Ngày 27/9, sau gần hai tháng chữa trị tại Bệnh viện tâm thần trung ương Biên Hòa, Viện Kiểm sát tỉnh kết luận tình trạng bệnh của bà Thảo đã ổn định, không thuộc diện điều trị bắt buộc. Và chỉ 1 ngày sau, (28/9), cơ quan này tiếp tục có quyết định đình chỉ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với nữ giám đốc Đào Thị Thu Thảo./.
Vũ Đậu