Tin mới

Những chuyên án chấn động trong sự nghiệp phá án của tướng Vĩnh

Thứ sáu, 06/04/2018, 16:20 (GMT+7)

Khi còn công tác trong ngành, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát được mệnh danh là “khắc tinh của tội phạm”, tên tuổi tướng Phan Văn Vĩnh gắn liền với việc phá những vụ án gây chấn động dư luận một thời như Lê Văn Luyện, Bầu Kiên, thảm sát ở Bình Phước.

Khi còn công tác trong ngành, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát được mệnh danh là “khắc tinh của tội phạm”, tên tuổi tướng Phan Văn Vĩnh gắn liền với việc phá những vụ án gây chấn động dư luận một thời như Lê Văn Luyện, Bầu Kiên, thảm sát ở Bình Phước.

tuong phan van vinh va nhung vu an lon hinh anh 1

Ngày 6/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ cho biết đã đề nghị khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh (63 tuổi, quê ở huyện Giao Thủy, Nam Định), nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an, về hành lợi dụng chức vụ quyền hạn liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỉ.

Trong sự nghiệp của mình, tướng Vĩnh đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong quá trình điều tra và khám phá những vụ trọng án.

Vụ Bầu Kiên

Trả lời phỏng vấn trên báo Công An nhân dân vào tháng 8/2012, Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã nói về vụ án Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải): “Vụ án này là một việc làm bình thường của lực lượng Cảnh sát kinh tế trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Có thể nói, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực Ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã giao cho lực lượng Công an nói chung, lực lượng Cảnh sát nói riêng, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Việc phát hiện, điều tra vụ án này đã được Thủ tướng biểu dương, khen ngợi tại Phiên họp thứ 18 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chiều 22/8”.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản thông báo khẳng định rõ việc khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên là do vi phạm liên quan đến hoạt động của 3 doanh nghiệp do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội).

Ông Vĩnh cũng nói trong bài phỏng vấn, trong quá trình thu thập tài liệu để điều tra về 2 vụ án này, cơ quan điều tra đã thường xuyên nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và sự phối hợp chặt chẽ của 3 ngành Tư pháp Trung ương.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (đương nhiệm giai đoạn đó- PV) đã chỉ đạo lực lượng Công an cần khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng. Khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật tất cả những người liên quan, bất cứ ai có hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong cả nước. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, chặt chẽ của đồng chí Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công an.

Tuy nhiên, tướng Vĩnh cũng cho biết, xung quanh vụ án này, đã xuất hiện nhiều dư luận trái chiều, trong đó có cả việc một số phần tử xấu lợi dụng để gây tác động, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động bình thường của ngành Tài chính, Ngân hàng. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã và đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hoạt động bình thường của hệ thống, nhất là hoạt động của Ngân hàng ACB và những ngân hàng mà Nguyễn Đức Kiên có cổ phần. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa thông tin về các vụ việc một cách kịp thời, khách quan và trung thực, tránh sự thổi phồng dư luận.

“Với tư cách là Trưởng ban chuyên án, tôi khẳng định không chịu bất kỳ sức ép nào trong điều tra vụ án.  Sai phạm của Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải sẽ được điều tra, kết luận sớm, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, trên tinh thần mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”- tướng Vĩnh nói.

Khi vụ án được đưa ra xét xử, Bầu Kiên đã bị tuyên án 30 năm tù giam với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo và cố ý làm trái trong phiên sơ thẩm 2014 và bị tuyên án giữ nguyên án sơ thẩm trong phiên phúc thẩm 2014.

Sát thủ máu lạnh Lê Văn Luyện (Bắc Giang)

Nhắc đến Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nhiều người không thể không nhớ tới vụ trọng án kinh hoàng - vụ thảm sát xảy ra ở tiệm vàng Ngọc Bích (Lục Nam, Bắc Giang) năm cuối năm 2011 khiến 3 người thiệt mạng và 1 người bị thương. Tướng Vĩnh là một trong những người tham gia trực tiếp vào quá trình điều tra phá án trong vụ trọng án này.

9h sáng ngày 24/8/2011, người dân ở khu phố Sàn (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) phát hiện ra gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích bị sát hại giã man. Trong vụ án này, sát thủ Lê Văn Luyện đã giết chết cả vợ chồng chủ tiệm vàng cùng con 18 tháng tuổi. Người duy nhất sống sót trong vụ thảm sát  kinh hoàng này là cháu Trịnh Ngọc Bích -  con gái đầu lòng của chủ tiệm vàng tuy nhiên bé cũng bị chém đứt tay.

Thông tin về vụ thảm sát kinh hoàng ngay lập tức được báo cáo cho các cơ quan chức năng. Lực lượng công an đã tiến hành khám nghiệm hiện trường. Xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi dã man, gây phẫn nộ lớn đối với dư luận, Bộ Công an quyết định thành lập ban chuyên án với sự tham gia của hàng trăm cảnh sát.

Theo đó, Ban chỉ đạo chuyên án do Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an (Tổng cục VI), làm Trưởng ban; Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục VI và đại tá Phạm Văn Minh, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, làm Phó trưởng ban.

Ngày 29/8, qua công tác khoanh vùng, rà soát các đối tượng, Cơ quan CSĐT phát hiện một đối tượng khả nghi là Lê Văn Luyện. Lúc cảnh sát ập vào nhà, Luyện đã bỏ trốn. Khám xét nhà, cơ quan CSĐT thu được một số vàng tương đối lớn mang nhãn hiệu Ngọc Bích. Chỗ chôn cất giấu vàng nằm ngay sau chuồng lợn, gần bờ ao. Đối tượng đã đào một cái hố nhỏ sâu chừng 40 cm, rộng 60 cm rồi chôn toàn bộ tang vật xuống.

Sáng ngày 30/8, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh truy nã đặc biệt đối với Lê Văn Luyện - hung thủ gây ra vụ thảm sát tại Bắc Giang. Đồng thời, Ban chỉ đạo chuyên án cũng thành lập đường dây nóng, để người dân nếu phát hiện ra hung thủ thì ngay lập tức báo về cho cơ quan công an.

16 giờ ngày 31/8, Lê Văn Luyện bị bắt tại km số 1057, thuộc quản lý của Đồn biên phòng Na Hình (thuộc thôn Bản Tả, xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). 2 giờ sáng ngày 1/9, tên Luyện đã được di lý về trại tạm giam công an tỉnh Bắc Giang. Tại cơ quan CSĐT, tên Luyện đã thừa nhận mọi hành vi của mình.

Vụ thảm sát ở Bình Phước

Một vụ thảm sát khác làm rúng động dư luận chính là vụ thảm sát xảy ra ở Bình Phước khiến 6 người trong một gia đình bị thiệt mạng. Vụ trọng án xảy ra năm 2015. Khi đó, tướng Vĩnh cũng là Trưởng ban chuyên án. Vụ án đã gây áp lực lớn với cơ quan điều tra, ông nhớ lại.

Vụ án 6 người trong gia đình Công ty Chế biến gỗ Quốc Anh (Công ty Quốc Anh) ở Bình Phước bị thảm sát vào nửa đêm về sáng ngày 7/7/2015 khiến dư luận bàng hoàng. Ngay từ khi nhận được tin báo, xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, lãnh đạo Công an Bình Phước vừa tập trung lực lượng bảo vệ hiện trường vừa gửi báo cáo xin Bộ chi viện.

Vụ án đã được Bộ Công an huy động hàng nghìn điều tra viên cả nước tham gia.

Ngay buổi sáng ngày 7/7, Trung tướng Phan Văn Vĩnh (Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an) làm Trưởng ban chuyên án và Trung tướng Triệu Văn Đạt (Phó tổng cục trưởng) đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác phá án. Các đơn vị được trưng dụng phá án gồm Cục C44, C45, C53, C54 và một số đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an Bình Phước.

Sau khi hoàn tất mọi biện pháp nghiệp vụ cần thiết, đến 13 giờ ngày 10/7/2015, Trung tướng Phan Văn Vĩnh triệu tập cuộc họp gồm tất cả các đầu mối nghiệp vụ để tổng hợp thông tin. Nhiều chứng cứ thu thập tại hiện trường cho thấy Nguyễn Hải Dương (người yêu cũ của con gái gia chủ)  là nghi phạm chính của vụ án. Chiều cùng ngày hung thủ đã khai nhận mình là chủ mưu của vụ thảm sát này với sự giúp sức của một hung thủ khác.

Ngày 17/11/2017 sau hơn hai năm gây án, tử tù Nguyễn Hải Dương, hung thủ gây ra vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước đã bị thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Chiến dịch 135 huyền thoại

Nam Định những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỉ trước là thành phố trực thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (gồm Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định). Ngày ấy, “giang hồ Nam Định” là một cụm từ đáng sợ nhất đối với bất cứ người dân lương thiện nào sinh sống trên đất Nam Định nói riêng và những vị khách có dịp phải đi qua Nam Định nói chung.

Vào thời điểm ấy, không chỉ ở Nam Định mà trên toàn quốc tình hình hình tội phạm hình sự cũng diễn biến phức tạp. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Chỉ thị 135/CT về tấn công các loại tội phạm, thiết lập lại kỷ cương xã hội. Thành phố Nam Định được chọn làm nơi thực hiện đầu tiên.

Trước yêu cầu trên, tháng 3/1989, Đội Cảnh sát điều tra Công an TP Nam Định được thành lập trên cơ sở sát nhập Đội Điều tra xét hỏi, Đội Cảnh sát hình sự, Đội Cảnh sát kinh tế, Trại tạm giữ của Công an TP, đồng thời điều động tăng cường một số cán bộ tinh nhuệ trong Công an tỉnh. Biên chế của đội ban đầu là 87 đồng chí.

Trung tướng Phan Vĩnh thời điểm đó được điều động về làm Phó trưởng Công an TP Nam Định, đồng thời là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, trực tiếp phụ trách Đội. Nếu như Hà Nội bây giờ có Phòng CSHS "số 7 Thiền Quang" huyền thoại thì Nam Định ngày ấy có "54 Quang Trung".

5h sáng ngày 27/9/1989, Công an Thành phố Nam Định nổ tiếng súng đầu tiên mở màn "chiến dịch 135" trên toàn quốc. Ngay trong ngày đầu tiên, Công an thành phố đã xóa sổ 8 băng cướp nguy hiểm, bắt 32 đối tượng, thu 5 súng các loại, 7 lựu đạn và hàng trăm viên đạn cùng nhiều lưỡi lê, dao, kiếm; bắt đưa đi tập trung giáo dục cải tạo gần 100 đối tượng hình sự nguy hiểm.

Đêm trước hôm mở màn Chiến dịch 135, Phó Trưởng Công an TP Nam Định Phan Văn Vĩnh đã thức trắng đêm. Hàng trăm cán bộ chiến sỹ của Công an TP Nam Định cũng thế. Họ cùng Thủ trưởng của mình bí mật, khẩn trương tiến hành các bước chuẩn bị cho việc bắt giữ 39 đối tượng cộm cán, cầm đầu các băng nhóm.

Chiến dịch diễn ra cực kỳ nhanh gọn, bất ngờ. Bất ngờ đến nỗi, khi được mời lên cơ quan công an, các đối tượng vẫn tưởng là được gọi lên để giáo dục, răn đe như mọi lần.

Bằng cái uy và cái ân của mình, tướng Vĩnh khi đó đã phân tích cho những đối tượng này hiểu rõ mục đích của việc giáo dục cải tạo. Tất cả đều tâm phục khẩu phục, tự giác chấp hành. Chỉ trong ngày đầu tiên ra quân, lực lượng Công an TP Nam Định đã đưa được trọn vẹn cả 39 đối tượng đi tập trung cải tạo.

Ở giai đoạn 2 của “cuộc tổng tiến công tội phạm” này, Công an thành Nam vừa tấn công, vừa phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm. Cũng từ đó, phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm” được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Nhiều mô hình quần chúng bảo vệ ANTQ xuất hiện: Đường phố không có tội phạm; Thanh niên xung kích; Thanh niên tự quản; Hội phụ nữ giáo dục, cảm hoá người lầm lỡ…

Ngoài những vụ trọng án lớn, trong những vụ như Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn và nhiều vụ án khác, Trung tướng Phan Văn Vĩnh đều có những chỉ đạo, quan điểm quyết liệt trong trấn áp tội phạm được ghi nhận.

Đức Hoà (tổng hợp)

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news