Tên phố phản ánh hình ảnh lịch sử, truyền thống và văn hóa của người Hà Nội. Ngoài những tên phố quen thuộc đi vào tiềm thức của nhiều người thì cũng có những tên phố khi nhắc đến lại hoàn toàn lạ lẫm.
Đặt tên đường là một vấn đề luôn khiến các nhà quản lý Hà Nội không khỏi băn khoăn. Ngoài những tên phố, tên đường quen thuộc được đặt theo các anh hùng, danh nhân... thì Hà Nội lại có những tên phố khi đọc lên tạo cảm giác lạ và khó hiểu.
Đường Cổ Ngư
Cổ Ngư là cái tên quen thuộc từng xuất hiện trong ca khúc "Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa". Tuy nhiên, nếu hiện nay tra bản đồ thì sẽ không thể tìm thấy tên phố Cổ Ngư.
Đường Cổ Ngư nay là đường Thanh Niên. Ảnh: internet |
Từ Cổ Ngư được bắt nguồn từ đê Cố Ngự. Cố Ngự có nghĩa là giữ vững. Cố Ngự là con đê của một góc Đông Nam Hồ Tây ít sóng, nông hơn chỗ khác, cá tụ về nhiều. Người dân Yên Hoa và Yên Quang đã đắp lại để đánh cá cho dễ hơn.
Sau đó hai chữ “Cố Ngự” được dân gian đọc trại đi thành “Cổ Ngư”. Sau khi giải phóng năm 1954, con đường Cổ Ngư được mở rộng với sự giúp sức của nhiều thanh niên. Sau đó, đường Cổ Ngư đổi sang tên đường Thanh Niên do chính Bác Hồ đặt.
Phố Cổng Đục
Phố Cổng Đục dài một trăm mét đi qua thôn cũ Tân Khai, từ cuối phố Hàng Mã thông sang Hàng Vải. Sau khi thành Hà Nội bị Pháp đánh chiếm đã đục phá tường thành từng quãng. Đoạn thành ở ngang quãng này cũng bị đục để lấy lối ra vào đi lại. Từ đó, phố có tên Cổng Đục nghĩa là có cái cổng mở ra ở tường thành phía đông. Ảnh internet |
Ngõ Tạm Thương
Theo "Từ điển đường phố Hà Nội", tên Tạm Thương có từ đầu thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn. Tên ban đầu được đặt là Trạm Thương - nơi chứa tạm thóc thuế của dân. Kho thóc này được đặt tên là Tạm Thương. Sau đó, tên ngõ đổi thành ngõ Tạm Thương. Ngõ Tạm Thương nối từ phố Hàng Bông đến phố Yên Thái (quận Hoàn Kiếm) dài gần 500m. Ảnh internet |
Phố Mã Mây
Mã Mây là tên phố nằm trong khu phố cổ Hà Nội, phía nam cắt phố Hàng Bạc, đầu quay sang phía tây nối vào phố Hàng Buồm . Thời xưa, Mã Mây là hai phố Hàng Mây (chuyên làm đồ dùng chế biến từ mây) và Hàng Mã (chuyên làm hàng mã và các loại đồ cúng bằng giấy). Sau này, người Việt quen gọi là phố Mã Mây. Ảnh internet |
Phố Chả Cá
Phố Chả Cá tên gọi trước là phố Hàng Sơn. Nơi đây xuất hiện một vài cửa hàng bán chả cá và thu hút được nhiều khách đến ăn. Do đó, sau cách mạng, tên phố Hàng Sơn đổi thành Phố Chả Cá. Phố dài 180m, nối phố Hàng Lược (ở ngã tư Hàng Mã) đến phố Lãn Ông, cắt ngang qua phố Hàng Cá. Ảnh internet |
Phố Chân Cầm
Phố Chân Cầm dài gần 140m, bắt đầu từ phố Lý Quốc Sư thông sang phố Phủ Doãn. Giữa thế kỳ XIX, hai thôn Chân Tiên và Minh Cầm gộp lại thành Chân Cầm. Thời Pháp thuộc, phố này có tên là La-gít-kê (rue Lagisquet). Sau Cách Mạng tháng Tám, tên phố Chân Cầm chính thức được đặt. |
Phố Nhà Hỏa
Thời Pháp thuộc, phố có tên Rue Feitshamel, ở sau hai phố lớn là phố Cửa Đông và phố Bát Đàn. Nguồn gốc của phố Nhà Hỏa là vì đoạn phố giáp với đầu Hàng Điếu là đất thôn Yên Nội và đoạn phố giáp với Đường Thành là đất thôn Tân Khai. Thôn này vốn có ngôi đền Nhà Hỏa thờ Hỏa thần ở số nhà 30 Hàng Điếu. Ảnh hanoi.gov.vn |
Phố Hòa Mã
Phố Hòa Mã dài khoảng 460m, nối từ phố Lò Đúc đến phố Huế, cắt ngang qua phố Ngô Thì Nhậm. Đầu thế kỷ XIX thì thôn Hòa Mã có tên là Đổi Mã. Là nơi vua đổi xiêm áo thường, mặc lễ phục vào tế ở đàn Nam Giao. Tên gọi Hòa Mã xuất hiện sau Cách Mạng tháng Tám. Ảnh internet. |
Dốc Tam Đa
Thời xưa có nhà Ích Phong làm dầu cù là, trước cổng có tượng tam đa: Phúc, Lộc, Thọ hiện nay đã mất nên người dân quen gọi là nhà Tam Đa và nay là dốc Tam Đa. Ảnh InfoMap |
Quốc Huy (tổng hợp)