Tin mới

Những dấu hỏi vụ phát hiện ống xả khổng lồ dưới lòng biển Vũng Áng

Thứ bảy, 23/04/2016, 15:01 (GMT+7)

Thông tin mâu thuẫn liên quan tới sự "hiện diện" của ống xả khổng lồ nằm sâu dưới lòng biển khu vực Vũng Áng đang tiếp tục làm gia tăng thêm sự lo lắng của dư luận trước hiện tượng cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung.

Thông tin mâu thuẫn liên quan tới sự "hiện diện" của ống xả khổng lồ nằm sâu dưới lòng biển khu vực Vũng Áng đang tiếp tục làm gia tăng thêm sự lo lắng của dư luận trước hiện tượng cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung.

Trước khẳng định chưa hoạt động, sau nói xả 12.000 m3/ngày đêm

Ngày 21/4, trả lời báo chí về kênh xả thải của Formosa có đường ống lớn được kéo thẳng ra đáy biển, đại diện Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) thừa nhận, hệ thống kênh xả thải này được xây dựng từ tháng 12/2012. Theo thiết kế trước đây, công ty muốn xây một đường ống ngầm dưới lòng đất nhưng nhà chức trách địa phương không cho phép nên họ tự thay đổi thiết kế, làm ống xả ngầm chôn dưới biển. Ống xả thải kéo dài 1,5km ra và nằm gần tầng đáy ngoài biển Vũng Áng là đường cuối cùng sau khi gom nước từ các điểm về. Và báo cáo với Tổng cục Môi trường, Formosa cũng nêu rõ, đến tháng 6/2016, kênh xả thải của công ty mới khánh thành và đi vào hoạt động. 

Tuy nhiên, sau đó 1 ngày, đại diện của Formosa lại thừa nhận, mỗi ngày đêm, Formosa xả 12.000 m3 nước thải. Tuy nhiên, hệ thống xả thải của Formosa đều phải tập trung về một chỗ, sau đó nước thải đi qua một trạm quan trắc tự động trước khi được thải ra biển. (?)

Các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân làm nước biển nhiễm độc khiến cá chết hàng loạt. Ảnh: Thanh niên

Nghi vấn về người phát hiện ống xả khổng lồ 

Cũng trong ngày 21/4, báo chí đăng tải thông tin, ống xả khổng lồ nằm dưới lòng biển Vũng Áng được một ngư dân tên Nguyễn Xuân Thành (ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bất ngờ phát hiện vào hôm 4/4 khi người này lặn xuống đáy biển để bắt cá. Và theo mô tả của anh Thành thì ống xả này dài khoảng 1,5km. 

Tuy nhiên, một người có thâm niên hơn chục năm rà phá bom mìn dưới lòng biển lại khẳng định, với một thợ lặn bình thường, trong điều kiện ánh sáng tốt, ở độ sâu 40 đến 45 mét, tầm nhìn trong lòng biển cũng sẽ chỉ giới hạn ở khoảng vài mét. Càng xuống sâu, lòng biển càng tối và càng khó quan sát. Trường hợp được trang bị hệ thống thiết bị lặn hiện đại (có giá lên tới vài trăm triệu đồng) thì cũng chỉ kéo dài tầm quan sát xa hơn thêm vài mét nữa. Do vậy, việc có thể dùng mắt thường để đoán định độ dài của vật thể lên tới cả km thì khó có thể xảy ra trong thực tế.

Formosa nói đã được cấp phép và ý kiến "tiền hậu nhất nhất" của Bộ TNMT

Cũng liên quan đến nghi vấn về ống xả thải của Formosa trực tiếp xả nước thải chưa qua xử lý thẳng ra biển, trả lời báo chí chiều 21/4, chủ đầu tư Formosa cho biết, toàn bộ nguồn nước trước khi xả thải ra môi trường đều đã được xử lý qua quy trình tự động khép kín, đạt tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên Môi trường. Ngày 22/4, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cũng khẳng định, hệ thống đường ống xả thải dài 1,5km của Formosa đã được Bộ Tài nguyên Môi trường cho phép lắp đặt để xả nước thải đã qua xử lý, nằm trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan chức năng phê duyệt.

Trước thông tin này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên Môi trường) Hoàng Dương Tùng lại lên tiếng "phản pháo". Ông Tùng cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, Formosa chưa được cấp phép xả thải xuống biển. Hiện các cơ quan chức năng của Bộ vẫn đang tiến hành các bước thủ tục kiểm tra, thẩm định cần thiết. Nếu hệ thống xử lý nước thải, xả thải này đạt tiêu chuẩn thì mới được cấp phép hoạt động.

Tuy nhiên, tại cuộc họp bàn giải pháp, truy tìm nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt được tổ chức tại Hà Tĩnh vào chiều 23/4, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân lại khẳng định, quy trình xả thải của Formosa đã được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news