Tin mới

Những lời nhận xét học trò tiểu học gây hứng thú và đầy sáng tạo

Thứ năm, 23/10/2014, 11:19 (GMT+7)

Hình cô khen mặt cười, chưa hoàn thành kèm mặt méo; hay lời phê cần cố gắng, đã thạo l/n...là những sáng tạo bất ngờ của thầy cô, sau 1 tuần không chấm điểm.

 

 

Hình cô khen mặt cười, chưa hoàn thành kèm mặt méo; hay lời phê cần cố gắng, đã thạo l/n...là những sáng tạo bất ngờ của thầy cô, sau 1 tuần không chấm điểm.

Đã một tuần trôi qua từ khi Thông tư 30 Ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2014, giáo viên, phụ huynh và học sinh dù muốn hay không muốn cũng phải thực hiện theo. Giáo viên thay vì đánh giá học sinh thường xuyên bằng điểm số, chỉ đánh giá bằng nhận xét, lời nói; phụ huynh không còn được hỏi hôm nay con được mấy điểm, học sinh không còn háo hức về nhà khoe được điểm mấy...

Khi giáo viên chia sẻ lời nhận xét

Với yêu cầu đánh giá bằng nhận xét, lời nói, không ít giáo viên tiểu học tỏ ra băn khoăn khi với số lượng học sinh đông, việc nhận xét dễ lặp lại, thiếu phong phú. Do đó, nhiều giáo viên tiểu học đã cùng nhau chia sẻ một số lời nhận xét để làm phong phú thêm vốn từ trong nội dung nhận xét học sinh.


Trên nhiều diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm giáo dục, giáo viên tiểu học chia sẻ một số lời nhận xét trong đánh giá học sinh. (Ảnh minh họa)

Trên một số trang mạng do chính giáo viên tiểu học lập ra để chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp khó khăn trong quá trình dạy học cũng xuất hiện không ít chia sẻ thú vị về cách nhận xét học sinh làm sao cho phong phú, đa dạng.

Một thầy giáo ở Vĩnh Phúc có chia sẻ bộ sưu tập những lời nhận xét như sau:


Biểu tượng có thể dùng khi nhận xét học sinh tiểu học.

Cũng có giáo viên chia sẻ một số lời nhận xét các môn học có thể viết vào vở học sinh, sổ cuối tháng, cuối năm.

Chẳng hạn, nhận xét vở học sinh, phần Luyện từ và câu như sau: “Vốn từ của con rất tốt/ tốt/khá tốt”; hoặc “Vốn từ của con còn hạn chế, cần luyện tìm từ nhiều hơn nhé”. Nhận xét về phần Câu có thể “Con đặt câu đúng rồi”, “Con đặt câu hay lắm. Cần phát huy con nhé”…

 

Khi nhận xét Bài tập làm văn, giáo viên này cũng đưa ra một số gợi ý như “Con có năng khiếu làm văn lắm”; “Câu văn hay biết dùng từ ngữ gợi tả tốt” hay “Bài văn biết chọn hình ảnh đẹp, từ ngữ đặc sắc”…

 

Khi nhận xét về Chính tả, giáo viên có thể nêu “Chính tả con chú ý nét khuyết thêm. Con rèn chữ thêm. Con cố gắng viết đúng hơn nhé.”…

Đối với môn Toán, các giáo viên cũng đưa ra một số mẫu câu nhận xét như “Em đã hiểu bài và làm bài rất tốt”; “Em hiểu bài và làm bài tốt” hay “Em có hiểu bài, nhưng chú ý cách đặt tính hoặc chú ý nhân chia cộng trừ… nhớ nhé”…

Trong phần nhận xét cuối năm đối với các môn học như Tiếng Việt, Toán, Thể dục,… cũng được chia sẻ chi tiết.

Với môn Tiếng Việt “đọc to, rõ ràng hơn so với đầu năm”, “đã khắc phục được lỗi phát âm l/n”; “Có tiến bộ trong trả lời câu hỏi”; “Viết được câu có đủ thành phần, diễn đạt được ý của mình”. Với môn Toán, các gợi ý cho nhận xét cuối năm như sau: “Học tốt. Biết tính thành thạo chu vi và diện tích của các hình chữ nhật và hình vuông. Giải đúng các bài toán có lời văn”.

Về các hoạt động giáo dục như Thể dục “Ham hoạt động, tích cực tham gia các hoạt động vận động cùng các bạn”. Về Âm nhạc có “Thích múa hát; Hát đúng nhạc, có cảm xúc”…

Đối với từng môn học, từng kiểu nhận xét trong vở học sinh, trong hồ sơ, cuối năm học… đều được giáo viên tiểu học dạy từ các trường khác nhau chia sẻ, cùng góp ý.

Liệu lời nhận xét có thành công thức?

Công thức thường được dùng trong các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh. Nhắc đến công thức, người ta nghĩ ngay đến những gì có sẵn, chỉ cần thay đổi số liệu hoặc một chi tiết nào đó là đảm bảo ra kết quả chính xác.

Hay trong cuộc sống, từ “công thức” vẫn được dùng như một tính từ để chỉ những gì khuôn mẫu, khô khan mà thiếu sự sáng tạo.

Trở lại với cách đánh giá của giáo viên lâu nay, giáo viên thường cho học sinh theo thang điểm 10, 9, 8… Những con điểm này là giống nhau, có thể dùng cho bất kì bài kiểm tra nào. Nhưng còn đánh giá bằng lời nhận xét, tức là bằng ngôn ngữ, giáo viên hoàn toàn có thể biến con số khô khan vốn có thành ngôn từ phong phú, hấp dẫn.

Vẫn biết việc chia sẻ kinh nghiệm, lời nhận xét như trên là cần thiết trong giai đoạn đầu thực hiện Thông tư 30, nhưng cũng không ngoại trừ khả năng những “công thức nhận xét” xuất hiện khi hàng loạt lý do được nêu ra như sĩ số lớp đông, thời gian không có, giáo viên quá tải,…? Thực không dám trả lời cho câu hỏi này.

Tuy nhiên, như ý nghĩa ban đầu của việc thực hiện Thông tư 30 là “đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh”, lời nhận xét phải kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ học sinh; đồng thời phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ… thì những “công thức nhận xét” sẽ không bao giờ đáp ứng được điều đó.

Thiết nghĩ, lời nhận xét phải xuất phát từ cái tâm của người giáo viên, phải có quá trình theo dõi, tiếp xúc cùng học sinh. Như một giáo viên tâm sự trên trang mạng chia sẻ kinh nghiệm giáo dục tiểu học rằng: “Khó khăn lắm sao một lời nhận xét chân tình, sát sao để giúp các bé con của chúng ta có niềm tin, có nhẫn nại và ý chí để luôn cố gắng tiến bộ, hoàn thiện bản thân mỗi ngày theo khả năng của các con”.

Người giáo viên này mong rằng: “Tất cả giáo viên tiểu học cần hiểu được ý nghĩa lớn lao của “lời nhận xét chân tình” cho học sinh của mình. Việc chuyển đổi ban đầu hơi khó khăn nhưng dần sẽ quen và thấy được hiệu quả của nó”.

Video bạn có thể quan tâm:

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news