Những ngôi làng đại gia này đều có xuất phát điểm từ "nghèo rớt mồng tơi". Nhưng nhờ sự chí thú làm ăn của người dân, hiện nay, những ngôi làng này nổi tiếng vì sự giàu có.
Làng tỷ phú đồng nát giàu nhất Việt Nam
Về mảnh đất xứ Nghệ, hỏi thăm xã Diễn Tháp (huyện Diễn Châu) chẳng ai là không biết. Nơi đây đã quá nổi tiếng về độ giàu có, từ đầu đến cuối các làng ở Diễn Tháp, chi chít những ngôi biệt thự trị giá hàng chục tỉ, xe hơi chất dài thành hàng.
Ngoài làm ruộng thì Diễn Tháp trước đây còn có nghề đúc đồng truyền thống nên tranh thủ lúc nông nhàn còn kiếm được đồng ra đồng vào.
Xuất phát từ nhu cầu của nghề đúc đồng mà bà con nơi đây cứ sau mỗi vụ mùa xong là lại sắm cho mình một chiếc xe cà tàng đi gom đồng nát về phục vụ cho nghề. Không chỉ đi trong tỉnh mà bà con ở đây còn đi ra tận các tỉnh ngoài bắc như Nam Định, Hải Dương, Hà Nam... để gom đồng nát. Lúc đầu họ chỉ mua đồng nhưng sau thấy đồng nát các loại như nhôm, sắt, nhựa… cũng nhiều nên gom về nhập cho các đại lý lớn thu mua.
Sau công đoạn qua phân loại, tái chế, hàng lại được đưa sang Lào bán với giá cao. Dần dần, Diễn Tháp phất lên một cách nhanh chóng và trở thành một trong những xã giàu nhất của tỉnh Nghệ An.
Bắt đầu từ năm 2000 người dân Diễn Tháp đua nhau xây nhà tầng, biệt thự khiến dân quanh vùng này ngạc nhiên vô cùng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Diễn Tháp mang một bộ mặt hoàn toàn mới, những ngôi nhà biệt thự cao tầng nằm san sát nhau nối thành một con phố dài dọc theo trung tâm xã.
Toàn xã Diễn Tháp hiện có hàng trăm hộ giàu, ô tô đếm sơ sơ cũng trên 500 chiếc các loại, trong đó cái rẻ nhất cũng có giá khoảng 500 triệu, còn lại đều hàng “khủng”, thậm chí một số đại gia còn xài xế hộp hạng sang có giá cả chục tỷ đồng.
Hiện nay Diễn Tháp có khoảng hơn 800 trăm tỉ phú. Theo đánh giá của các nhà xã hội học, Diễn Tháp là một trong những làng giàu nhất của làng quê Việt Nam.
Đồng Kỵ : 'Ngôi làng nhan nhản giám đốc, tỷ phú'
Xét về độ giàu có, làng Đồng Kỵ quả thực đúng là một làng tỷ phú bậc nhất của đồng bằng Bắc Bộ. Hầu hết những gia đình mở Công ty, hay hợp tác làm đồ gỗ đều có tiền tỉ trong nhà.
Cả phường Đồng Kỵ có gần 400 công ty, hợp tác xã chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Cứ khoảng 10 hộ có một giám đốc, có gia đình cả bố lẫn con đều là giám đốc. Bởi vậy, những người làng bên hay gọi làng Đồng Kỵ là làng giám đốc.
Khoảng 500 hộ buôn bán lớn có hàng chục, hàng trăm tỷ trở lên - một điều đáng kinh ngạc với một ngôi làng trước đây còn phải chạy ăn từng bữa. Hiện tại, hơn 60% sản phẩm gỗ mỹ nghệ của dân làng Cời được tiêu thụ ởthị trường Đông Nam Á và một số nước ở châu Âu.
Làng đại gia lái xe hơi thăm ruộng
Làng hoa Vạn Thành nằm sâu trong thác Cam Ly, địa hình đồi dốc hiểm trở nhưng dọc các con đường xe hơi đời mới đậu san sát nhau như đang ở giữa những con phố trung tâm Đà Lạt.
Trước đây vùng dân cư này chỉ có trên 100 gia đình, chủ yếu sống với nghề trồng rau xanh. Khi Đà Lạt có những nhà đầu tư nước ngoài đến thuê đất trồng hoa xuất khẩu vào đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 thì người dân ấp Vạn Thành cũng chuyển đổi cây trồng từ rau sang hoa với kiểu “ăn theo" các công ty lớn và trở thành một trong 3 làng hoa của Đà Lạt.
Làm ăn khấm khá, dân làng Vạn Thành sống sung túc như những đại gia khi tất cả đều xây nhà lầu, cứ 2 gia đình thì có một xe hơi, nhiều nông dân của làng mỗi sáng đi làm vườn bằng ô tô.
Ở làng hoa Vạn Thành, người sở hữu nhiều nhất có 2 hecta hoa, người ít nhất diện nhập cư cũng được một sào. Đất trồng hoa ở đây giá chuyển nhượng một sào cũng phải 700 triệu đồng, nên hàng chục người đang có tổng tài sản trên chục tỷ đồng. Với thu nhập này thì chuyện sở hữu trên một biệt thự bạc tỷ là chuyện rất thường tình.
Cũng đầy rẫy xe hơi và thường lái xe đi thăm ruộng giống người dân Vạn Thành là những đại gia ở xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song (Đăk Nông). Hiện, thống kê trên địa bàn xã Thuận Hạnh có hơn 50 chiếc ô tô con, trong đó loại đắt tiền trên 1 tỷ có khoảng 10 chiếc. Những hộ mua xe thường xuống các công ty đặt hàng nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài đưa về, có những hộ có xe rồi mới đi học bằng lái.
Đào được cả tạ vàng, cả làng có 30 tỷ phú
Ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định cho hay: “Làng Thiết Khoá (Thức Hóa) gồm có 3 xóm 7 - 8 - 9 hợp lại. Làng có trên 3.000 nhân khẩu thì phân nửa số ấy làm nghề đào vàng. Gần như 100% thanh niên làng Thiết Khoá làm nghề này. Người ta bảo đây là “làng đại gia” nhưng cái giá phải trả cũng nhiều vì từ trước tới nay có bãi vàng nào là yên ổn”.
Cho đến bây giờ, xã Giao Thịnh chưa có một con số chính xác về những người trong làng Thiết Khoá đi đào vàng. Nhưng nếu tính sơ qua thì con số cũng lên tới 1.000 người, đó là chưa kể đến những người đi theo thời vụ. Và tại các bãi vàng lớn của nước ta như Thần Sa (Thái Nguyên), Na Rì (Bắc Kạn) hay tại những mỏ vàng lớn như ở Tây Nguyên thì các “bưởng vàng” là người Thiết Khoá không phải là ít.
Trong số những người đào vàng ở Thiết Khoá, phải kể đến “Minh vàng” người xóm 9. Ông Minh sau hàng chục chuyến đào vàng thất bát đã bỏ vào Lâm Đồng trồng cà phê. Nhưng không ngờ, tại đây giấc mộng đại gia của ông nhanh chóng thành hiện thực chỉ trong vòng một tháng khi đào được 100kg vàng và ghi tên mình vào danh sách 30 tỷ phú của làng.
Ông Phạm Đức Thành, Phó chủ tịch UBND xã Giao Thịnh nhẩm tính: “Con số 30 tỷ phú là có thể nhìn thấy được. Còn nhiều tỷ phú khác không lộ diện vì nhiều lý do khác nhau”. Quả thật, ở Thiết Khoá thì biệt thự và xe hơi tiền tỷ không phải là hiếm, càng không phải xa lạ. Tuy nhiên, sự giàu có của bất kỳ một làng quê nào cũng kéo theo những mặt trái, đó là nạn nghiện hút. Thiết Khoá cũng vậy, đã bắt đầu có những lo lắng khi tệ nạn này dần len lỏi vào từng ngõ xóm, từng gia đình.
Theo Người đưa tin