Chị (Tinmoi.vn) Chị Nguyệt Hoài Đức, “người rừng” Quảng Nam, runing men… là những nhân vật bỗng dưng nổi tiếng, thậm chí “phải nổi tiếng” cho dù họ không muốn điều này.
“Running Man” Vũ Xuân Tiến
Chỉ với hành động “cuồng” đuổi theo xe chở Arsenal tám km, Vũ Xuân Tiến – chàng sinh viên đến từ Hải Dương đã trở thành cái tên thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên khắp thế giới trong trong chuyến du đấu của Arsenal ở Hà Nội. Dư luận gọi Tiến là “Running Man”. Sự nổi tiếng đến với anh hoàn toàn bất ngờ và không hề có sự toan tính, sắp đặt.
Mọi cái đến với Vũ Xuân Tiến đều do may mắn và xuất phát từ tình yêu chân thành của một cổ động viên với đội bóng Arsenal. Biết tin ban tổ chức chính thức bán vé tại sân vận động Mỹ Đình, Xuân Tiến đã lên Hà Nội xếp hàng từ 2h sángvà đã mua được vé với giá 400.000 đồng để được vào sân “tận mục” xem thần tượng thi đấu. Ngày Arsenal sang Việt Nam, biết xe chở các cầu thủ đi qua khu vực Hồ Gươm, Vũ Xuân Tiến đã phục sẵn ở đó với mong ước gặp được thần tượng sớm hơn và gần hơn. Vì thế, khi xe vừa đi ngang qua, Tiến lập tức chạy bộ suốt tám km, bất chấp nhiều chướng ngại vật nguy hiểm trên đường. Thế rồi, tình yêu chân thành của Tiến đã được đáp lại khi chiếc xe dừng lại, các cầu thủ Arsenal đón Tiến lên xe, bắt tay và chụp ảnh chung.
"Running man" Vũ Xuân Tiến
“Khi chạy theo xe tôi chẳng nghĩ gì cả, chỉ muốn được gặp mặt những thần tượng của mình càng lâu càng tốt. Tôi cũng không biết mình có thể chạy được bao nhiêu km để đuổi theo xe chở Arsenal, nhưng chắc chắn tôi sẽ chạy đến khi kiệt sức mới thôi”, Tiến chia sẻ với báo chí sau đó.
Không chỉ được gặp thần tượng, Tiến đã được hơn thế rất nhiều khi anh được chọn là CĐV đại diện cho fan Arsenal, đứng bên cạnh các cầu thủ Arsenal ngay khi hai đội làm lễ chào cờ. Bên cạnh đó, Tiến còn được tặng các Pháo thủ tặng áo và huấn luyện viên Wenger mời sang Emirates để xem Arsenal thi đấu.
Những gì đến với Tiến quả là một giấc mơ, một câu chuyện cổ tích giữa đời thường nhưng anh được dư luận đánh giá cao nghị lực đến cùng để thực hiện được giấc mơ của mình. “Những gì Xuân Tiến có được hoàn toàn xứng đáng. Sự nổi tiếng đến với anh ấy là cái duyên, không hề có tự toan tính”, nhà nghiên cứu xã hội học Trịnh Hòa Bình nhận xét.
Chị Nguyệt Hoài Đức
Chị Nguyệt Hoài Đức là cái tên được dư luận nhắc đến nhiều nhất suốt thời gian vụ “Nhân bản kết quả xét nghiệm máu” ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức được phơi bày. Sự nổi tiếng này với chị là có lẽ là một điều bất đắc dĩ. Bởi theo chị trải lòng, tất cả những việc chị làm là muốn cho mọi người thấy được góc khuất của cuộc sống, làm xã hội tốt đẹp hơn, trong sáng hơn.
Mặc dù nhiều lần bị người nhà giám đốc bệnh viện đe dọa nhưng chị chị Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức vẫn quyết tâm đưa sự việc liên quan đến hàng nghìn phiếu xét nghiệm máu được nhân bản ra ánh sáng.
Theo đơn thư tố cáo của chị Nguyệt, sự việc này diễn ra từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013 tại khoa Huyết học. Giám đốc bệnh viện đã chia cán bộ xét nghiệm thành hai bộ phận, một bộ phận phụ trách máy móc đầu tư, mỗi ngày chỉ thực hiện xét nghiệm cho 3-20 bệnh nhân. Một phận còn lại do trưởng khoa trực tiếp phụ trách làm các xét nghiệm trên máy thuê của một công ty Dược với lượng bệnh nhân đông tấp nập. Trung bình mỗi ngày, bộ phần này làm xét nghiệm cho 200-300 bệnh nhân, với 1.000-2.000 tiêu bản xét nghiệm, bao gồm rất nhiều chỉ số xét nghiệm sinh hóa, máu..., chiếm tỉ lệ hơn 97% công việc của khoa. Đại đa số là bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế.
Chị Nguyệt Hoài Đức
Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo và sự việc được phản ánh trên báo chí, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, đưa ra kết luận. Chiều 19/8/2013, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã quyết định khởi tố bị can đối với 10 cán bộ, nhân viên y tế để điều tra các sai phạm trong vụ nhân bản kết quả xét nghiệm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức về hành vi: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức khen thưởng cho chị Hoàng Thị Nguyệt và 2 người đã có đơn tố cáo sai phạm xảy ra tại bệnh viện này.
Trở thành “người nổi tiếng” sau vụ việc rúng động tại BV Đa khoa Hoài Đức nhưng chị Nguyệt bày tỏ, chị không dám nhận công lao này. “Công lao thuộc về tất cả các anh chị, tôi chỉ đóng góp một phần nhỏ bé để nhìn thấy góc khuất trong cuộc sống. Mục đích để cho xã hội tốt đẹp hơn, trong sáng hơn”, chị Nguyệt nói.
Trong và sau buổi lễ, chị Nguyệt đã khóc rất nhiều bởi “trong lòng đan xen quá nhiều trạng thái cảm xúc”. Lễ khen thưởng cũng không chút vui vẻ, không hoa, không tiếng vỗ tay và không một nụ cười.
Cha con người rừng
Sau 40 năm bỏ làng vào sống giữa rừng sâu, sáng 7/8/2013, hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang đã được chính quyền địa phương cùng dân làng "giải cứu" về làng. Qua kiểm tra sức khỏe, cán bộ y tế khẳng định sức khỏe của cha con họ vẫn khỏe mạnh dù không có thuốc men, quanh năm đóng khố đối chọi với thời tiết khắc nghiệt.
Theo chính quyền địa phương, khi Hồ Văn Lang được 1 tuổi, ông Thanh đã ôm con chạy vào rừng sâu sống biệt lập đến giờ. Trước đó, ông Thanh từng là bộ đội chính quy của Quân khu 5.
Cha con người rừng
Thời gian mới trở về cộng đồng, hai cha con “người rừng” rất bỡ ngỡ, buồn bã trước cuộc sống mới và liên tục đòi quay về rừng. Thậm chí, khi kiệt sức nằm cấp cứu ở Bệnh viện huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) nhưng mỗi khi mở mắt tỉnh dậy ông Thanh lại vùng vẫy muốn mọi người đưa về rừng.
Sự việc đặc biệt được dư luận quan tâm, một số ý kiến bức xúc với hành động cưỡng chế đưa cha con người rừng về cộng đồng và đòi thả cha con họ về rừng. Thế nhưng về phía chính quyền địa phương, gia đình vẫn quyết giữ họ ở lại với cộng đồng. Mọi thủ tục nhập hộ khẩu, cấp đất, làm nhà cho cha con người rừng được tiến hành nhanh chóng. Chiều ngày 19/11, ngôi nhà mới trị giá 127 triệu đồng đã được chính quyền địa phương bàn giao cho cha con “người rừng”.
Sau 5 tháng, bố con người rừng đã bớt bỡ ngỡ với cuộc sống dưới đất nhưng vẫn mang trong lòng nỗi nhớ rừng. Khó khăn hơn hết lúc này là họ sẽ phải tự bươn trải kiếm sống nuôi thân trong quãng đường trước mắt.
Lái xe bị hôi bia
Bất ngờ xuất hiện trước công luận gắn liền với một vụ tai nạn là điều không ai muốn và anh Hồ Kim Hậu (30 tuổi, quê Bình Định) cũng là trường hợp trong số đó. Thế nhưng, nếu không có những hành động vô cảm “hôi của” từ người dân đi thì vụ việc cũng như tài xế lái xe sẽ không xuất hiện nghiêm trọng trước công luận.
Tài xế bị hôi bia
Vụ việc xảy ra vào lúc khoảng 12h30 ngày 4/12, khi anh Hậu chở 1.350 thùng bia Tiger từ TP.HCM đến chợ Chợ Lầu (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) giao cho nhà phân phối bị nghiêng và đổ xuống đường. Điều đáng nói, trong lúc tài xế cùng phụ xe nhặt những thùng bia rơi dưới đường để vớt vát chút tài sản thì một số người dân nhảy lên xe để lôi bia xuống. Phát hiện sự việc, anh Hậu phải bỏ hiện trường để chạy về xe giữ bia.
“Tôi và phụ xe chạy lại hiện trường nơi bia bị đổ để gom lại nhưng có rất nhiều người dân bên đường lao vào lấy. Lúc đó tôi cố hô lớn van xin mọi người đừng lấy bia nữa, giữ nguyên hiện trường chờ bảo hiểm xuống làm việc nhưng vô vọng. Người đến lấy bia mỗi lúc một đông khiến 2 người chúng tôi không thể cản nổi…”, tài xế Hậu chia sẻ với báo chí sau tai nạn.
Hành động vô cảm, nhẫn tâm của những người thản nhiên “nhặt lộc trời” đã khiến người lái chiếc xe chở bia trên đối diện với nhiều khó khăn và liên tục xuất hiện trước dư luận.
Thế rồi mọi lo lắng trước khoản bù cho hàng nghìn thùng bia bị hôi, anh Hậu cũng được thở phào khi đại diện hãng bia bị hôi của trong vụ tai nạn ngày 4/12 tại Đồng Nai vừa ra thông cáo chính thức, trong đó khẳng định tài xế Hậu sẽ không phải đền bù bất cứ khoản tiền nào. Tối 15/1 vừa qua, anh đã nằm trong danh sách Công dân tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2013.
H.Minh (tổng hợp)