Ở một số xã của huyện Thông Nông và huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, vẫn còn những em nhỏ còi cọc, tật nguyền, do được sinh ra trong cuộc hôn nhân cận huyết thống. Cũng có những cặp vợ chồng nơi đây sinh tới 22 người con hay tình trạng một ông chồng có nhiều vợ... Những hủ tục lạc hậu này khiến đời sống của đồng bào vẫn chưa có nhiều đổi thay.
Chị Lục Thị Khằn - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sơn (huyện Thông Nông) dẫn chúng tôi đến nhà chị Nông Thị Nhung, ở xóm Khau Thượng, xã Yên Sơn. Vừa vào đến cổng, cả đoàn công tác giật mình vì một vật từ trên cây rơi bịch xuống đất. Chị Khằn vội trấn an chúng tôi: "Thằng Đông (Vi Văn Đông) đấy, nó tuy tật nguyền nhưng leo cây rất giỏi, thấy khách lạ nên nó nhảy xuống dọa đấy”. Chúng tôi định thần, nhìn lại thì thấy một thiếu niên chừng 14 - 15 tuổi, đầu nhỏ xíu, chân tay co quắp, đi lại rất khó khăn.
Ngăn chặn hôn nhân cận huyết cần sự thông hiểu của mỗi người và cả xã hội.
Theo lời kể của chị Lục Thị Khằn, Vi Văn Đông và 3 em là Vi Văn Tái, Vi Thị Hiền và Vi Văn Khằm đều là nạn nhân của cuộc hôn nhân cận huyết giữa chị Nông Thị Nhung và anh Vi Văn Đôn. Họ vốn là anh em con cô, con bác, bị hai gia đình ép gả mà thành vợ thành chồng. Sinh Đông ra, anh chị cũng không hề biết là do cận huyết mà nó thành ra thế. Điều đặc biệt là đứa con gái thứ 2 của anh chị vẫn khỏe mạnh bình thường. Nhưng đến đứa thứ 3, thứ 4, rồi thứ 5 thì đứa nào cũng không bình thường như Đông, thậm chí do đông con, cộng với gia đình nghèo túng nên chúng ngày càng teo tóp và chẳng đứa nào biết đi. Vừa rồi, do quá ốm yếu nên đứa con thứ 3 của anh chị đã chết.
Cũng theo chị Khằn, ngoài gia đình chị Nhung, trong xã còn có 9 trường hợp khác cũng là hôn nhân cận huyết thống.
Không chỉ hôn nhân cận huyết, mà ở các xã vùng cao nơi có đông đồng bào Mông, Dao sinh sống, tình trạng tảo hôn và sinh nhiều con cũng khá phổ biến. Riêng ở xóm Tả Bốc, xã Lương Thông của huyện Thông Nông thôi cũng có khá nhiều câu chuyện bi hài về chuyện này.
Ông Trương Văn Ve, ở xóm Tả Bốc có lẽ là người nổi tiếng nhất không chỉ ở Cao Bằng vì “thành tích” sinh nhiều con. Năm nay mới 48 tuổi, nhưng ông Ve đã kịp lấy hai bà vợ và sinh được 22 người con. Trước khi chưa lấy vợ, gia đình ông thuộc loại giàu có nhất xóm Tả Bốc, ngô đầy bồ, bò cả đàn, nhà thì to nhất xóm không thiếu thứ gì.
Năm 18 tuổi, ông Ve lấy vợ, sau 4 lần mang thai vợ ông chỉ toàn đẻ con gái, khi qua nhà hàng xóm uống nước, uống rượu lại bị hàng xóm khích bác, là con gái thì ngồi hàng ghế dưới không được ngồi cùng mâm, rồi chắc không có người nối dõi tông đường... thế là năm 1993, ông Ve quyết định lấy vợ hai là bà Hà Thị Dậu và bà Dậu đã sinh cho ông một cậu con trai. Để ăn mừng sự kiện này, ông mổ cả lợn khao cả xóm xem còn ai khinh thường được ông nữa. Thấy vợ hai sinh con trai, sợ bà hai cướp mất chồng và ruộng đất, bà cả cũng quyết định sinh đứa thứ năm và cũng là con trai. Cũng từ đây, hai bà vợ ông Ve hễ vợ cả mang bầu, thì vợ hai lại đẻ và ngược lại liên tục kết quả là hai bà vợ của ông Ve đẻ được 22 người con. Trong đó bà vợ cả đẻ được 10 đứa con, còn vợ hai 12 đứa con.
Ông Ve ở chung một nhà với hai người vợ và đàn con của mình được 10 năm và số tài sản cha mẹ để lại cứ dần bay đi, cuộc sống sung túc xưa nay thay bằng cảnh nheo nhóc. Các con ông giờ đến mèn mén và rau bí cũng không đủ ăn, một năm gia đình phải thiếu ăn đến mấy tháng. Để bù vào, ông phải bán bò, bán ruộng để nuôi con.
Đến khi không còn cái gì bán được, để đỡ miệng ăn, ông gả chồng cho các con gái từ rất sớm. Đứa sớm thì lấy chồng năm 12 tuổi, đứa muộn thì ông gả chồng năm 17 tuổi. Nhưng khổ nỗi, con gái gả đi thì con dâu lại về, thằng Tú, thằng Vàng nhà ông đều đến 17 tuổi là đòi lấy vợ. Vậy là ông lại còng lưng ra kiếm tiền để lấy vợ cho con. Mà chúng lấy vợ thì lại phải đẻ, phải có chỗ ở cho con cái chúng chứ. Ngôi nhà sàn cũ kỹ của ông giờ phải gồng mình chứa những 27 nhân khẩu. Cực chẳng đã ông Ve lại phải vay mượn tiền, mua được một mảnh đất trên núi để dựng tạm căn nhà và mang theo bà vợ hai cùng 11 người con lên núi để ở.
Bài và ảnh: Mạnh Hà
Theo Báo Tin Tức