Hôm nay (1/3), giá viện phí tại các bệnh viện trên cả nước chính thức điều chỉnh. Nhiều quy định quan trọng như: quy định về số lượng Phó Chủ tịch UBND, trợ cấp khó khăn đột xuất cho thân nhân công an ... cũng có hiệu lực trong tháng 3.
Tăng viện phí 2-7 lần
Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc do Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính đã ban hành chính thức có hiệu lực từ 1/3/2016.
Theo đó, kể từ hôm nay, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ tăng từ 2 - 7 lần khi cộng thêm các chi phí tiền lương, chi phí phẫu thuật, thủ thuật vào giá.
Lần điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này được tính các chi phí: Trực tiếp (thuốc, dịch truyền, hóa chất, điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ…); chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; chi phí tiền lương theo lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Thông tư, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh gồm: Giá dịch vụ khám bệnh; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá các dịch vụ kỹ thuật.
Hôm nay (1/3), giá viện phí tại các bệnh viện trên cả nước chính thức điều chỉnh. Ảnh: Người lao động |
Thông tư được chia làm 2 lộ trình thực hiện: từ 1/3 thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật); từ 1/7 mức giá gồm cả tiền lương. Thời điểm thực hiện cụ thể của các đơn vị, địa phương do Bộ Y tế xem xét, quyết định.
Thông tư nêu rõ, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương kể từ ngày 1/3/2016.
Cụ thể, tiền khám bệnh từ 1/3/2016 vẫn không thay đổi so với khung giá “kịch trần” quy định trong Thông tư 04 của Bộ Y tế mà hiện các bệnh viện (BV) đang áp dụng. Cụ thể, tiền khám bệnh trong tháng 3 ở BV hạng 1 vẫn là 20.000 đồng/lượt khám; BV hạng 2 là 15.000 đồng, BV hạng 3 là 10.000 đồng, BV hạng 4 là 7.000 đồng. Và từ 1/7, tiền khám sẽ tăng lên tương đương các hạng BV là 39.000 đồng; 35.000 đồng, 31.000 đồng và 29.000 đồng.
Tiền giường bệnh cũng có sự thay đổi. Tháng 3, tiền giường điều trị hồi sức tích cực ở BV hạng đặc biệt tăng từ 335.000 lên 354.000 đồng, còn tháng 7 tăng lên 677.000 đồng/người, BV hạng 1 là 354.000 và 632.000 đồng; BV hạng 2 là 350.000 và 568.000 đồng… Tiền giường bệnh nội khoa BV hạng 1 tăng từ 80.000 đồng lên 99.000 và 215.000 đồng (vào tháng 7)…
Ngoài ra, các dịch vụ thủ thuật, phẫu thuật khác đều có giá như nhau ở mọi hạng BV. Cụ thể, nội soi dịch vụ có sinh thiết, giá cũ 410.000 đồng, giá mới 525.000 đồng, giá tháng 7 là 621.000 đồng. Nội soi ổ bụng giá “kịch trần” trong Thông tư 04 là 575.000 đồng tăng lên 684.000 đồng vào tháng 3, tháng 7 là 793.000 đồng...
Ô tô được đi tối đa 60km/h trong khu đông dân cư
Theo quy định của Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/3/2016, tốc độ tối đa trên đường bộ (trừ đường cao tốc), trong khu vực đông dân cư của ô tô là 60km/h nếu chạy trên đường đôi (có dải phân cách giữa) hoặc đường một chiều có từ hai làn xe trở lên và 50km/h nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có một làn xe.
Ở ngoài khu vực đông dân cư, tốc độ tối đa cho phép của xe ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ hai làn xe là 90km/h; xe ô tô chở người trên 30 chỗ là 80km/h; xe bus là 70km/h… Trên đường hai chiều không có dải phân cách hoặc đường một chiều có một làn, tốc độ tối đa cho phép của các loại xe ô tô này lần lượt là 80km/h; 70km/h và 60km/h…
Đối với xe máy khi tham gia giao thông (trừ đường cao tốc), tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ nhưng không quá 40km/h. Trên đường cao tốc, người điều khiển ô tô, xe máy phải tuân thủ tốc độ tối đa không quá 120km/h.
Quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND
Theo Nghị định số 08/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/3/2016, số lượng Phó Chủ tịch UBND được quy định cụ thể theo từng cấp, ở khu vực đô thị và nông thôn.
Cụ thể, đối với đơn vị hành chính ở nông thôn, tỉnh loại I có không quá 4 Phó Chủ tịch UBND; tỉnh loại II, loại III có không quá 3 Phó Chủ tịch UBND. Huyện loại I có không quá 3 Phó Chủ tịch UBND; huyện loại II, loại III có không quá 2 Phó Chủ tịch UBND. Xã loại I có không quá 2 Phó Chủ tịch UBND, xã loại II, loại III có 1 Phó Chủ tịch UBND.
Đối với đơn vị hành chính ở đô thị, Nghị định quy định thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 5 Phó Chủ tịch UBND; thành phố trực thuộc trung ương còn lại có không quá 4 Phó Chủ tịch UBND. Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá 3 Phó Chủ tịch UBND; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có không quá 2 Phó Chủ tịch UBND.
Trợ cấp khó khăn đột xuất cho thân nhân công an
Nghị định số 05 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân có hiệu lực từ 1/3. Trong đó quy định, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần.
Gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến nhà ở bị sập, trôi, cháy hoặc phải di dời chỗ ở được trợ cấp 3.000.000 đồng/suất/lần. Mỗi đối tượng trên chỉ được trợ cấp không quá 2 lần trong năm.
Ngoài ra, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần, mất tích cũng được trợ cấp 2.000.000 đồng/suất.
Quy định đối tượng được hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai
Quyết định 01/2016 của Thủ tướng về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho địa phương khắc phục hậu quả thiên tai có hiệu lực kể từ ngày 5/3 quy định nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ dân sinh, khôi phục hạ tầng như sau: Chỉ xem xét hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương với những địa phương có mức thiệt hại vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương. Việc hỗ trợ được phân nhóm: Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương có điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%.
Các địa phương còn lại, ngân sách địa phương tự đảm bảo kinh phí; Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng quyết định.
H.Minh (tổng hợp)