Tin mới

Những số phận nghiệt ngã ở “làng góa phụ”

Thứ hai, 31/03/2014, 08:12 (GMT+7)

Cái tên ấp 7 có một thời được thay thế bằng cụm từ “làng góa phụ”. Vì ở làng biển này, sau chuyến đi biển định mệnh cách đây hơn 10 năm, hàng trăm người chồng, người cha đã không trở về.

Cái tên ấp 7 có một thời được thay thế bằng cụm từ “làng góa phụ”. Vì ở làng biển này, sau chuyến đi biển định mệnh cách đây hơn 10 năm, hàng trăm người chồng, người cha đã không trở về.

Mãi cho đến bây giờ, lâu lâu người ta lại bắt gặp hình ảnh của những người vợ, người mẹ ở ấp 7, xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau lần mò ra cửa biển Khánh Hội đứng đợi chồng, đợi con đến chiều tối, rồi họ lại thơ thẩn trở về trong niềm đau tuyệt vọng.

Cái tên ấp 7 có một thời được thay thế bằng cụm từ “làng góa phụ”. Vì ở làng biển này, sau chuyến đi biển định mệnh cách đây hơn 10 năm, hàng trăm người chồng, người cha đã không trở về. Những người phụ nữ trở thành trụ cột của gia đình, họ thay chồng nuôi con.

Thay chồng nuôi con

Con đường về làng biển Khánh Hội vốn đã chông chênh, khó đi… vậy mà đường dẫn vào “làng góa phụ” lại càng khó đi và chông chênh hơn gấp nhiều lần. Từ TP Cà Mau phải chạy hơn 50km đường xe, chúng tôi mới đến được xã Khánh Hội, huyện U Minh. Theo chỉ dẫn của người dân bản xứ, để vào ấp 7, chúng tôi phải gởi xe tại một điểm giữ xe cách cửa biển Khánh Hội khoảng 6 km, rồi thuê đò (loại phương tiện để người dân vùng sông nước đi lại trên sông – PV) chở đi mới vào được.


Chồng mất tích khi đi biển, chị Dung phải gạt nước mắt gượng dậy nuôi con.

Đến bến đò tại đầu kinh ấp 7, chúng tôi được chị Trang (Nguyễn Thị Trang, SN 1982), chủ phương tiện đò dọc nhận lời đưa đi. Nghe chúng tôi nói muốn đến những gia đình có chồng bị chết trong cơn bão số 5, chị Trang bảo: “Tưởng đi đâu thì khó, chứ mấy anh muốn gặp các chị được mệnh danh là “hòn vọng phu” trong ấp này thì dễ ẹc. Chỉ sợ các anh không đủ tiền trả công cho tui thôi, chứ ở làng biển này tui chở các anh đi gặp những gia đình ấy đến chiều còn chưa hết nữa là”.

Theo lời chị Trang, sau cơn bão số 5 (tháng 10/1997), chỉ riêng ở ấp 7 thì đã có hàng trăm gia đình phải đội khăn tang khóc chồng, nhiều đứa con còn chưa kịp biết mặt cha. Những người phụ nữ sau nhiều tháng ra biển đón chồng, họ lại trở về làm đám ma cho chồng mà trong quan tài trống rỗng. Do không tìm thấy xác chồng, nên một số chị em đành mang những chiếc áo quần cũ kỹ của chồng còn vướng lại mùi nắng biển bỏ vào trong quan tài đem chôn. Có những gia đình nghèo đến mức không có tiền để rửa một tắm di ảnh lớn của chồng để lên bàn thờ…

Trên đường vào ấp 7, tôi hỏi đùa với chị Trang, chồng chị đâu mà không đi chạy đò để chị làm cực vậy? Vừa lái vỏ máy, chị Trang trả lời tỉnh queo: “Ông xã tui là người may mắn thoát chết trong cơn bão năm đó. Sau khi trở về chưa kịp hoàn hồn, ổng nói sẽ nghỉ đi biển vì không muốn xa mẹ con tui. Vậy mà gần một năm sau, ông ấy lại trở chứng đòi đi biển vì ở nhà tù túng quá ổng chịu không nổi. Tui nhất quyết không cho, ổng nói nếu không cho ổng ra biển thì phải nuôi ổng, tui gật đầu liền. Thế là từ đó, tui thay ổng kiếm tiền bằng nghề chạy đò, còn phần ổng thì lo cơm nước, chăm sóc cho mấy đứa con đi học…”.

Nghề chạy đò của chị Trang được xem là nghề “sướng” nhất so với các chị em phụ nữ khác ở đây. Sau một ngày đổ mồ hôi lái vỏ máy người phụ nữ này đôi khi kiếm được gần cả trăm ngàn đồng. Tuy nhiên có ngày cũng phải bỏ công không vì không có khách đi. Công việc nói là “sướng” nhưng cũng không kém phần vất vả. Nhìn dáng vẻ nhỏ nhắn, gầy gò của người phụ nữ này mà phải “ròng mình” lấy sức điều khiển chiếc vỏ chạy băng băng trên sông khiến chúng tôi vô cùng nể phục.

Chiếc vỏ máy cũ kỹ của chị Trang đưa chúng tôi đến nhà chị Lê Thị Mỹ Dung là vợ anh Võ Minh Thành chết trong cơn bão số 5, đến nay vẫn chưa tìm thấy xác. Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, người phụ nữ chỉ mới bước qua cái tuổi 35, nhưng trông già hơn rất nhiều so với độ tuổi của chị. Nét mặt khắc khổ, làng da cháy xám của chị Dung giúp chúng tôi hiểu được phần nào nỗi cơ cực của những người vợ thay chồng nuôi con ở làng biển Khánh Hội.

Nói về người chồng xấu số của mình, chị Dung mắt đỏ hoe kể: Chồng chị, anh Thành, là người miền Trung. Cách đây hơn 10 năm, anh Thành vào cửa biển Khánh Hội đi ghe thuê, khi ấy chị mới hơn 20 tuổi cũng làm thuê cho các chủ ghe ở cửa biển Khánh Hội. Cuộc sống nghèo khổ của hai mảnh đời khiến chị và anh Thành ngày càng thấu hiểu và yêu thương nhau hơn. Anh chị quyết định về sống chung với nhau, ngày cưới chỉ đơn giản có mâm cơm cúng ông bà, vài ba người khách là bạn đi biển của anh Thành đến uống rượu chúc mừng. Sau ngày cưới, anh chị được người dân địa phương cho mượn miếng đất cất nhà để ở. Anh Thành đi biển, chị ở nhà làm thuê, ai thuê đâu làm đó…

Ngày biết vợ có thai, anh Thành chạy qua nhà bà Sáu khoe mình sắp được làm cha. Chiều 22/9/1997, anh Thành cùng vợ cuốc đất đám mạ thuê thì mấy người bạn của anh Thành đến gọi ảnh đi biển. “Khi đó, tui có linh tính không tốt nên kêu ảnh ở nhà cùng tui cuốc đất được rồi, đừng ra biển. Ảnh nói với tui, cuốc đất không được bao nhiêu, tiền ăn còn không đủ lấy tiền đâu cho tui sinh con. Ảnh còn nói để đi chuyến biển này về, có tiền ảnh sẽ mua cái mùng mới để sinh con ra khỏi phải ngủ mùng cũ vì sợ muỗi cắn con… Vậy mà!”, lời chị Dung bặt đi trong tiếng nấc nghẹn ngào.

 

Những đứa trẻ xóm biển vô tư vui đùa sau giờ tan học.

Bà Sáu Thu, hàng xóm của chị Dung, nói: “Thằng Thành mới ra biển chưa đầy nửa tháng thì bão đến. Khoảng 2 giờ chiều ngày 3/10/1997, gió bắt đầu thổi mạnh. Tui chạy qua nhà kêu con Dung sang nhà tui ở cho đỡ sợ, nó mới qua đến nhà thì nghe tiếng ầm sau lưng, quay đầu nhìn lại thì thấy cả căn nhà của nó đổ sập. Tội cho con nhỏ, bụng mang dạ chửa mà phải sống một mình trong bão. Tội hơn là khi nó biết chồng chết ngoài biển, mấy tháng sau đó nó không màng gì tới nhà cửa. Ngày nào nó cũng lội bộ ra cửa biển Khánh Hội (cách xa gần 7 km) để đợi chồng, vì nó không tin chồng nó đã chết”.

Mấy tháng sau bão, rất nhiều bà con trong xóm đến động viên, an ủi chị Dung. Rồi người cho lá, người cho cây, dân làng cùng nhau dựng lại căn nhà đã sập trong bão cho chị có chỗ che mưa, che nắng. “Tui đã từng nghĩ đến cái chết, nhưng tui không làm được vì còn đứa con trong bụng, là giọt máu cuối cùng của anh Thành. Nghĩ vậy tui cố gắng đứng dậy để sống, lao vào công việc cả ngày lẫn đêm để quên những nỗi buồn mà biển mang đến và để có tiền sinh con”, chị Dung trầm tư.

Cuộc sống nghèo khổ, không mảnh đất “cắm dùi” đã khiến cuộc sống của mẹ con chị Dung trong nhiều năm qua càng trở nên túng quẫn. Hàng ngày chị phải tiếp tục công việc làm thuê, ngày cũng kiếm được 30-50 ngàn đồng. Con chị Dung với anh Thành là cháu Võ Minh Hoàng, năm nay đã 14 tuổi. Tuy không biết một chữ bẻ đôi, nhưng Hoàng rất biết nghĩ. Không muốn nhìn thấy mẹ làm lụng cực khổ, Hoàng xin mẹ được đi biển từ năm 11 tuổi. Chị Nhung nhớ lại: “Nghe nó xin đi biển, tui đã khóc và nói với nó dù có 'cạp đất ăn' cũng không cho nó đi biển. Tui sợ biển cả sẽ mang nó đi mãi giống như cha của nó ngày trước. Nhưng nó đã trốn đi, hơn 2 tháng sau, khi nó ra biển trở về, hai mẹ con ôm nhau khóc. Nó nói, cho nó đi biển để có tiền phụ mẹ, nó sẽ không sao vì có cha của nó ngoài biển phù hộ”.

Ở ấp 7, xã Khánh Hội còn rất nhiều hoàng cảnh bi thương. Trường hợp của chị Trần Thị Lan, chị Nguyễn Kiều Thương… cũng là những người vợ thay chồng nuôi con. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Út cũng mất trong chuyến biển định mệnh năm đó. “Ngày ảnh đi biển, tui đang mang thai đứa con đầu lòng. Tui như chết đi khi hay tin ảnh đã mất tích ngoài biển. Tui sinh con ra trong những ngày tháng đau khổ, buồn tủi ấy. Dù đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng mẹ con tui luôn hy vọng và mong đợi một ngày nào đó ảnh sẽ trở về”, chị Thương nói.

Bà Trần Thị Lánh, mẹ ruột của chị Thương cho biết, anh Út mất tích ngoài biển vào tháng 10/1997, thì chỉ hai tháng sau chị Thương sinh con. Đứa con của chị Thương và anh Út được đặt tên Nguyễn Bão Biển, như là một lời ghi nhớ về người chồng bạc số của mình. Để có tiền nuôi con lớn và lo cho con ăn học, người mẹ này phải lao vào công việc, với nhiều nghề khác nhau. Có khi là lựa cá, có lúc là vá lưới… Thời gian gần đây chị phải gởi con lại cho ngoại để lên Sài Gòn ở mướn với đồng lương ít ỏi. Số tiền ấy, ngoài việc ăn uống, chi tiêu, chị lại gởi một phần về quê lo cho hai bà cháu.

Những đứa con không biết mặt cha

Ở làng biển này, có những đứa trẻ được sinh ra không có cơ hội để một lần được nhìn thấy mặt cha. Cháu Võ Minh Hoàng, con trai của chị Dung tâm sự: “Mẹ rất thương con, sau mỗi chuyến con ra biển trở về mẹ lại ôm con vào lòng, xoa đầu rồi bảo con giống cha. Nhưng con không hình dung ra được cha con như thế nào, mặc dù mẹ kể cho con nghe rất nhiều về cha. Con chỉ tiếc một điều, phải chi ngày xưa nhà con có tiền thì ít ra con cha cũng để lại cho con tấm hình để con biết mặt”.

Có phần may mắn hơn cháu Hoàng, cháu Nguyễn Bão Biển có điều kiện hơn chút ít. Sau ngày cha chết, mẹ con cháu được bên ngoại rước về nuôi, dù không giàu có gì nhưng bà Lánh và chị Thương quyết tâm cho cho con cháu mình ăn học để mai này khi lớn lên nó có thể tìm được việc làm không phải đi biển như cha. Trả lời câu hỏi của tôi, cháu có thương và nhớ cha không?, Bão Biển đáp: “Cháu thương mẹ nhiều, cũng thương cha nữa. Dù không thấy mặt cha, những những tấm hình mà cha để lại là tài sản vô giá đối với mẹ con cháu”.

Ở ấp 7, đàn ông, trai tráng đa phần đều làm nghề biển. Dân làng biển, sống nhờ vào biển, đôi khi biển mang đến cho người dân miếng cơm, manh áo… nhưng có những lúc biển nổi cơn thịnh nộ đã cướp đi nhiều sinh mạng của người dân nơi đây.

Theo Dòng Đời

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news