Vượt qua nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu thốn ở vùng núi và nỗi nhớ người thân nơi quê nhà, những cô giáo vùng cao vẫn lặng lẽ từng ngày để dạy con chữ cho những trẻ em nơi đây.
Cô giáo 9X xinh xắn "cắm bản" vì yêu nghề
Là một trong hai cô giáo trẻ nhất trong số 64 giáo viên "cắm bản" được tuyên dương, Đàm Thị Thu Thủy được học sinh trường Mẫu giáo Thải Giàng Phố - Bắc Hà - Lào Cai yêu quý bởi sự duyên dáng, giọng nói nhẹ nhàng, tận tình với học sinh.
Thủy sinh năm 1990, từng học chuyên ngành mầm non, trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Sau khi học xong, được sự giới thiệu của bạn bè,Thủy đã không ngần ngại lên nhận quyết định về công tác tại Huyện Bắc Hà.
Cô giáo Đàm Thị Thu Thủy. Ảnh: VTC |
Cô chia sẻ về lý do quyết định lên vùng cao công tác: "Tôi rất thích làm giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và thấy yêu mảnh đất này nên tôi đã nhận quyết định về công tác tại huyện Bắc Hà - Lào Cai".
Với lòng yêu nghề, Thủy cũng đã nhiều lần đưa học sinh tham gia các cuộc thi văn nghệ và đạt nhiều giải cao.
Thủy cho biết, các em học sinh đều là con em người dân tộc Mông. Sự bất đồng về ngôn ngữ, phong tục, văn hóa khiến Thủy nhiều lúc nản lòng nhưng rồi cô lại tiếp tục bước tiếp để đến trường dạy chữ cho các em nhỏ nơi đây.
Thầy giáo trẻ 10 năm cắm bản "ươm chữ" cho học sinh vùng cao
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm đam mê nghề, hơn 10 năm nay, thầy giáo trẻ Vi Văn Thỏa, giáo viên Trường tiểu học Trung Lý, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua khó khăn để cắm bản, đem con chữ đến với những em nhỏ vùng cao.
Từng đi bộ hàng chục km đường rừng để đi tìm con chữ, chàng trai trẻ dân tộc Thái Vi Văn Thỏa thấu hiểu được sự nghèo khó, đói ăn, “khát chữ” của trẻ em vùng cao. Đây cũng là động lực để chàng trai trẻ Vi Văn Thỏa quyết tâm theo ngành sư phạm nhằm đem con chữ đến với học sinh vùng cao.
Điều kiện giảng dạy và công tác khó khăn là vậy nhưng chưa thấm vào đâu với khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Đã nhiều năm nay, thầy giáo Thỏa cùng các giáo viên khác phải sống trong căn phòng tạm bợ. Mọi sinh hoạt cá nhân đến việc soạn bài lên lớp đều gặp nhiều khó khăn do căn phòng chật hẹp. Nắng Hè thì oi bức, trời mưa thì dột nát.
Không chỉ chỗ ở khó khăn, vào mùa nắng, các giáo viên phải đối mặt với vấn đề thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Để có nước nấu ăn, sinh hoạt hàng ngày, các thầy cô phải đi bộ vài cây số xuống khe suối lấy nước về dùng.
Nhắc đến chuyện về thăm quê, thầy tâm sự: "Con trai tôi từ ngày sinh ra đã phải gửi ông bà nội chăm nuôi, mặc dù rất nhớ con nhưng một năm tôi chỉ tranh thủ về thăm con 1-2 lần. Nhớ vợ, thương con, tôi coi học sinh như con mình mong khỏa đi nỗi nhớ."
Tại điểm trường không có sóng điện thoại di động nên mỗi khi muốn nói chuyện với gia đình, người thân, các giáo viên ở điểm trường phải bắc thang leo lên cây mới có sóng điện thoại. Khó khăn vất vả là vậy, nhưng thầy Thỏa và các thầy cô nơi đây luôn động viên nhau và hứa quyết tâm cắm bản để mang "con chữ” đến với những học trò miền biên giới.
Thầy giáo 23 năm "gieo chữ" nơi đại ngàn
Thầy Đinh Thanh Hải, giáo viên Trường TH và THCS số 1 Trọng Hóa (Quảng Bình) luôn được học sinh kính trọng và yêu thương bởi trong suốt 23 năm qua, thầy luôn ăn, ở, sống, làm việc và dạy chữ cho con em đồng bào.
Thầy giáo Đinh Thanh Hải nhớ lại lúc anh chọn lên Dân Hóa công tác, gia đình, vợ con anh ai cũng phản đối. Bởi Dân Hóa lúc đó chưa có đường ô tô lên. Mỗi lần đến lớp phải chuẩn bị đồ từ sáng sớm, đi bộ nguyên một ngày trời mới tới nơi. Buổi ngày, thầy dạy trò con chữ, tiếng Kinh. Tối đến, trò dạy thầy nói tiếng Khùa, tiếng Mày và các tập tục của đồng bào để tiện giao tiếp. Đồng bào xã Dân Hóa ngày đó nghèo khó, sống heo hút giữa đại ngàn, nhưng học trò ở đây rất ngoan và ham học, dân bản lại yêu thương đùm bọc thầy giáo như anh em ruột thịt.
Thầy giáo Đinh Thanh Hải và học sinh. Ảnh: Báo Quảng Bình |
Giáo viên cắm bản đã khó khăn, nhưng nhìn các em học sinh quần áo rách rưới, nhem nhuốc lại thấy thương hơn! Nhất là những lúc trời mưa lạnh, các em không có áo ấm mặc đến lớp, đôi chân tím tái vì lạnh, anh phải thổi bếp lửa lên cho ấm rồi mới dạy được. Thấy những cảnh tượng đó, anh lại yêu học trò và dân bản hơn và thầm bảo mình phải cố gắng để dạy chữ mới mong cuộc sống họ đổi thay được.
Xa vợ, xa con nhiều lúc muốn về nhà nhưng cách núi ngăn sông, trời mưa lũ, nên có khi 3 tháng anh mới về nhà được một lần.
Rồi cứ thế suốt hơn 23 năm trôi qua, thầy Hải vẫn miệt mài "cắm bản" gieo chữ cho đồng bào dân tộc. Cứ mỗi nơi thầy đến thì dân thương, thầy ở dân quý và thầy đi dân nhớ.
Lê Vy (tổng hợp)