Tiêu tiền theo cảm xúc, cho mượn tiền, tiêu xài hết thu nhập, phụ thuộc vào thẻ tín dụng… là những thói quen tiêu tiền bạc xấu, ai mắc phải nên lập tức từ bỏ.
Đó là nội dung bài viết trên trang Business Insider và cho rằng những thói quen xấu này sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của chủ sở hữu, nếu ai mắc phải nên ngăn chặn và lập tức từ bỏ.
Mua sắm theo cảm xúc
Sử dụng chuyện mua sắm để đối phó với những cung bậc cảm xúc vui vẻ hay buồn bã… là điều phổ biến. Song chi tiêu mạnh tay theo cảm xúc thực tế chẳng sửa chữa bất cứ điều gì, ngược lại, nó có xu hướng làm cho mọi việc tồi tệ hơn. Điều dễ gặp nhất là nhanh chóng đẩy để bạn lại với nợ trong thẻ tín dụng, hàng ngày đối diện với đống lộn xộn vô số đồ dùng không cần thiết.
Những thói quen tiền bạc xấu nên từ bỏ. Ảnh minh họa |
Để tránh chi tiêu quá nhiều hay theo cảm xúc, bạn nên lập một số nguyên tắc cơ bản cho chính mình. Đơn cử, bạn chỉ mua hàng trong danh sách mà mình đã lập ra tại thời điểm mà cảm xúc cân bằng, Một cách hiệu quả khác là hãy thử chờ 24 giờ trước khi thực hiện việc mua sắm ngoài kế hoạch đã đặt ra.
Cho vay tiền
Giúp đỡ người khác là việc đáng quý, song cho bạn bè hay thành viên trong gia đình vay mượn tiền có thể làm tổn thương cả ví tiền lẫn mối quan hệ của bạn. Nếu chẳng may người mượn tiền không thể trả lại, mâu thuẫn và mất lòng giữa bạn và người vay mượn có thể xảy ra.
Thay vì cho vay tiền, bạn có thể giúp đỡ bạn mình bằng cách cùng tìm ra một giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính hợp lý, hay giúp họ tiết kiệm một số chi phí trong điều kiện bạn có thể như cho nhờ xe… Cách làm này sẽ không ảnh hưởng đến ví tiền của bạn mà giữ được mối quan hệ tốt đẹp với họ, cũng không tạo cho bạn mình thói quen ỉ nại.
So sánh tình trạng tài chính bản thân với người khác
Nhiều người đo lường thành công bằng kích thước ngôi nhà hay loại xe mà mình đang chạy. Song ngôi nhà lớn, chiếc xe sang hay những vật dụng xa xỉ chỉ thể hiện cách một người tiêu tiền, không phải số tiền họ kiếm được.
Để hạn chế việc sống quá mức khả năng kiếm tiền của bản thân, hãy bắt đầu với việc suy nghĩ những gì là thực sự quan trọng với bạn; đặt mục tiêu mà bạn muốn có cho cuộc đời mình, vào 5 năm, 10 năm, 20 năm hay 50 năm tới.
“Khi đã xác định được những gì là quan trọng nhất với mình, bạn hãy ra quyết định chi tiêu dựa trên yếu tố đó thay vì chi tiêu quá mức để sống theo khái niệm về thành công của người khác”, chuyên gia Cliburn nói.
Tiêu xài hết thu nhập
Chọn cách tiêu xài tất cả số tiền mình có sẽ khiến bạn khó dành dụm được một quỹ dự phòng cho những ngày vất vả có thể xảy ra sau này.
Theo cố vấn tài sản Derek Gabrielsen thuộc hãng Wealth Partners, những người chi tiêu tất cả những gì mình có thường không lập ngân sách, và “đó là sai lầm lớn nhất mà một người có thể mắc phải.
Để không rơi vào tình trạng nhẵn ví, ông Gabrielsen khuyên mỗi người nên lập ngân sách, trong đó ghi lại khoản tiền tiết kiệm dành cho trường hợp khẩn cấp và khoản tiền hưu trí hằng tháng và thực hiện đúng những gì đã đặt ra.
Phụ thuộc vào thẻ tín dụng
Đọc thông tin trên bảng kê thẻ tín dụng, đặc biệt là số tiền cuối cùng mà bạn phải trả nếu chỉ trả một khoản nhỏ nhất cho mỗi tháng, bạn sẽ hoảng hốt khi thấy thẻ tín dụng thực sự đắt đỏ.
Để thoát khỏi tình trạng này, bạn nên ngừng sử dụng thẻ tín dụng ngay lập tức, trước khi thiết lập ngân sách chặt chẽ và cố gắng trả dứt nợ.
Tặc lưỡi, phớt lờ sự thật đang xảy ra
Chỉ đến khi không thể thanh toán mới biết tài khoản rỗng là tình huống nhiều người gặp phải vì không có thói quen kiểm tra tài khoản thường xuyên.
Theo ông Gabrielsen, việc bạn không theo dõi số dư định kỳ cũng như việc từ chối đi bác sĩ khi bạn biết mình không được khỏe.
“Cách duy nhất để khiến mọi việc trôi chảy là nhìn thẳng vào vấn đề, và tìm cách để thoát khỏi chúng”, ông Gabrielsen khuyến cáo.
H.Minh (tổng hợp)