Một số tin tức về những "vật thể lạ", chất lạ, vật phẩm gây độc hại… chưa chính xác, chưa được cơ quan chức năng kết luận, chỉ nói đến chung chung mà không nói rõ là loại nào, cách sử dụng có đúng không, có được phép sử dụng không đã gây hoang mang, ảnh hưởng xấu trong dư luận.
1. Dầu cá ăn mòn hộp xốp
Vài ngày gần đây, thông tin về hiện tượng dầu cá có dấu hiệu ăn mòn xốp ở Quảng Ngãi đã khiến nhiều người dân tỏ ra lo lắng.
Tuy nhiên, vào chiều ngày 7/1/2016, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về sự việc dầu cá ăn mòn xốp. Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết:
Kết quả của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đến sáng 7/1, cho thấy chưa phát hiện bất thường về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm dầu cá của châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam. Và tất cả các loại dầu cá đều có tác dụng làm tan xốp (thành phần là polystyrene).
Thử nghiệm dầu cá ăn mòn xốp. Ảnh: Vietnam+ |
Thời gian hòa tan nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng loại dầu cá khác nhau. Trong cơ thể người không có polystyrene như xốp nên khi sử dụng dầu cá sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Dầu cá được cơ thể người hấp thu và chuyển hóa thành những chất có lợi cho sức khỏe, ông Phong cho biết.
Đối với trường hợp hai lọ dầu cá ở Quảng Ngãi được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi cho biết, đây là sản phẩm trôi nổi, không chính hãng, không được nhập khẩu chính thống vào Việt Nam.
Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không hoang mang và không mua, sử dụng thực phẩm nói chung và thực phẩm chức năng nói riêng không có nguồn gốc xuất xứ.
2. Thuốc kích phọt hoa quả
"Thuốc kích phọt" được tiết lộ sử dụng trong rau xanh khiến nhiều người hoang mang. |
Hồi cuối tháng 9/2014, trên báo chí có đưa tin về một loại "thuốc kích phọt" dạng viên sủi hoặc bột với giá 6.000-9.000 đồng/gói có xuất xứ Trung Quốc được nhiều hộ trồng rau sử dụng làm làm “rau lớn nhanh như thổi” khiến dư luận hoang mang.
Hình ảnh rau sau khi được phun thuốc. Ảnh: Đại lộ |
Ví dụ, với những loại rau lấy ngọn như rau muống, mùng tơi, bí, hành… nếu dùng thuốc kích thích thì chỉ mất một thời gian ngắn là rau đã có thể đạt độ sinh trưởng tối đa thay vì phải mất 3-5 tuần như khi trồng ở ruộng.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chúng tôi tìm hiểu, loại thuốc như trong hình là sản phẩm của Công ty Liên doanh Sinh hóa Triết Giang (tên tiếng Anh: Zhejiang Qianjiang Biochemical Co., Ltd), được thành lập vào năm 1970, có trụ sở tại thành phố Hải Ninh, khu kinh tế tỉnh Chiết Giang, cách Thượng Hải 120 km.
Công ty hoạt động về công nghiệp về thuốc trừ sâu sinh học với các sản phẩm chính là thuốc trừ sâu sinh học (thuốc diệt khuẩn, thuốc trừ sâu, thuốc điều tiết tăng trưởng thực vật, thuốc sinh học trung gian và thức ăn phụ gia…).
Một sản phẩm sử dụng trong nông nghiệp, kích thích hạt nảy mầm và điều hướng tăng trưởng cho cây của công ty Triết Giang |
Chất khá phổ biến trong thành phần của nhiều sản phẩm của công ty là Axit gibberellic-một loại thuốc điều tiết tăng trưởng thực vật. Đây là hoóc môn tác động tới sự phân hủy của thực vật và hỗ trợ thực vật lớn nhanh nếu sử dụng với liều lượng nhỏ (thông thường được dùng ở nồng độ khoảng 0,01–10 mg/L).
Các gibberellin sẽ tác động tới sự phát triển của thực vật như: Kích thích phát triển thân cây nhanh chóng, kích thích phân bào có tơ trong lá của một số thực vật, tăng tỷ lệ nảy mầm của hạt.
Axít gibberellic được sử dụng trong nông nghiệp, cụ thể là kích thích hạt nảy mầm và điều hướng tăng trưởng cho cây, cũng có thể dùng trong trồng cây nhà kính. Nó cũng được dùng rộng rãi trong ngành trồng nho như là hoóc môn để thúc sự sản xuất các chùm quả và các quả nho to, hay là chất điều tiết tăng trưởng trong ngành trồng anh đào tại khu vực thung lũng Okanagan (Canada).
Từ đó có thể thấy “thuốc kích phọt” từ Trung Quốc được nhắc đến đó là sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không như một số báo nói là "không phải ai cũng dễ dàng mua được”, “khó kiếm”. Thuốc cũng có quy định, chỉ dẫn sử dụng cần đúng loại và đúng liều lượng.
3. Chất bảo quản hoa quả nhập khẩu từ Úc, Newzealand…
Hoa quả nhập khẩu gắn mác Úc hay Newzealand được bày bán trên thị trường. Ảnh minh họa. |
Hồi cuối tháng 8/2014, những nguồn tin trái chiều về việc Việt Nam chưa từng nhập khẩu hoa quả Newzealand (kiwi vàng, kiwi xanh, cherry, táo Ambrosia…), hoa quả Úc (na, cherry, cam, táo, nho… ) khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang với nguồn gốc của các loại hoa quả nhập khẩu. Ngoài ra, cách kiểm soát an toàn thực phẩm với trái cây nhập khẩu, khi thông tin quả táo để 5 tháng, lê để 9 tháng không hỏng khiến người tiêu dùng e sợ.
Vietnamnet ngày 30/09/2014 dẫn phát biểu của ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện Việt Nam chủ yếu nhập táo, lê từ Trung Quốc, Mỹ, Newzealand và Úc.
Ông Hồng khẳng định, trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm phù hợp thì thời gian bảo quản của trái cây hoàn toàn có thể kéo dài 6-10 tháng, thậm chí cả năm. Hiện các chất bảo quản trái cây và rau quả là được phép sử dụng ở Việt Nam về việc có hay không chất bảo quản độc hại cũng như việc kiểm soát chất lượng hoa quả nhập khẩu hiện nay tại Việt Nam.
Đến đầu năm 2015, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã gửi thông báo về việc tạm dừng nhập khẩu 38 loại hoa quả của Úc vào thị trường Việt Nam kể từ ngày 1/1/2015 do những lo ngại về dịch ruồi đục trên nhiều lại hoa quả. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BTVT cho biết, việc tạm dừng nhập khẩu này không phải vì lý do an toàn thực phẩm mà là để bảo vệ cây trồng khỏi dịch bệnh. Việt Nam sẽ nhập khẩu hoa quả trở lại khi phía Australia thông báo không còn dịch bệnh và đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật.
Cục trưởng Cục BVTV cũng lý giải, hoa quả Úc vẫn tràn ngập sau lệnh cấm là do các cửa hàng còn hàng tồn hoặc họ nhập theo giấy phép cũ.
4. Chất dầu khoáng trong áo ngực
Túi dung dịch lỏng được một công ty sản xuất của Trung Quốc tiết lộ là dầu khoáng. Ảnh: Dân trí. |
Hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11/2012, có rất nhiều thông tin thu giữ hàng trăm chiếc áo ngực phụ nữ có chứa “thuốc lạ” gồm 2 túi chất lỏng cùng hạt nhựa/(viên thuốc màu trắng?) tại chợ Đồng Xuân và phố Hàng Đào, HN; tại khu vực chợ Bến Ngự (TP.Huế); Đà Nẵng…
Tuy nhiên, cả hai kết quả kiểm nghiệm của Viện Hóa học và phân tích của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), đơn vị phân tích mẫu do Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội gửi đều có một kết quả chung là thành phần của chất rắn màu trắng mà báo chí gọi là “thuốc lạ”, “hạt lạ” trong áo ngực phụ nữ là nhựa tổng hợp polystyren (PS-Polystyrene Composit); Dung dịch màu trong suốt được xác định là dầu khoáng (Mineral Oil), một loại dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Phát hiện áo có “hạt lạ”. Ảnh: VTC |
Mặc dù Viện Hóa học trong quá trình kiểm nghiệm cho biết, thành phần polycyclic aromantic hydrocarbon (PAH) trong mẫu dầu khoáng có đặc tính độc hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc kiểm nghiệm chưa định lượng chất này trong mẫu áo ngực mà chỉ xác định định tính.
Trong khi đó, Viện Khoa học hình sự kết luận, nhựa PS trong các túi dung dịch trên các áo lót đều không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Dung dịch dầu khoáng (Mineral seal Oil) trong các mẫu áo ngực được phân tích, có tỷ trọng 0,84, không tìm thấy các chất độc và các chất có hại với sức khỏe con người.
Lưu ý: PAH gồm các chất có thể gây ung thư như: Anthracene, Benzopyrene, Chrysene… Vì vậy, dầu khoáng sử dụng trong y học và thực phẩm cần kiểm nghiệm chặt chẽ các thành phần này theo quy định quốc tế.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người tiêu dụng chọn mua áo có chất lượng, thấm mồ hôi, mặc vừa vặn không quá chật hay quá rộng để ngực không bị thắt, máu không lưu thông làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi mua sản phẩm nên mua hàng tin tưởng, có nguồn gốc xuất xứ uy tín. PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên khuyên người dân: Một số quảng cáo của các công ty sản xuất áo ngực Trung Quốc cho biết “chất lạ” trong áo ngực là dầu khoáng nhưng không nói rõ loại dầu khoáng gì, có độc hay không, có được phép sử dụng không… "là cách nói quá mập mờ”, vì dầu khoáng có hàng trăm loại và có cái được phép dùng trong y tế, mỹ phẩm, có cái thì không được phép vì gây độc.
5. Ăn nhiều bưởi gây ung thư?
VN Express trích quyết định ngày 13/9/2007 của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, xử phạt vi phạm hành chính với một số cơ quan báo chí đăng thông tin về việc “ăn nhiều bưởi có nguy cơ ung thư vú”.
Các múi của bưởi chùm dính liền nhau. Ảnh: Thanh niên. |
Theo đó, thông tin mà một số báo đăng tải là từ một nghiên cứu ở Mỹ về việc ăn quá nhiều bưởi có thể gây ung thư vú. Tuy nhiên nghiên cứu này được tiến hành với loại bưởi chùm (bưởi đắng) của Mỹ (tên tiếng Anh là grapefruit), khác với bưởi VN (còn có tên là bưởi ngọt, bưởi da xanh, tên khoa học là citrus grandis hay citrus maxima).
Việc không phân biệt hai loại bưởi đã gây hiểu lầm, gây nhiều thiệt hại cho nông dân.
Linh Mai (tổng hợp)