Tác giả trẻ cho rằng 'Nín đi con' phù hợp với ít nhất hai thế hệ: thế hệ những người trẻ và cha mẹ của họ.
- Rất nhiều người tò mò, một 9X chưa làm mẹ, lại đẻ ra một quyển sách mà bạn chưa hề trải nghiệm, như vậy là bạn chơi ngông. Bạn nghĩ sao về điều này?
- Những vấn đề mà không trùng mẫu số thì đúng hay sai là ở quan điểm của mỗi người. Tôi thấy tôi dùng chữ rất thong thả, chả hiểu nổi gân ở đâu mà người ta bảo tôi gồng. Còn chơi ngông thì tôi không dám, vì tôi chưa đủ trình độ để "ngất ngưởng với đời". Đôi khi, cần phân biệt rõ ràng giữa sự quan tâm và thói săm soi, tò mò. Không phải ai mua sách, tôi cũng biết ơn. Tôi chỉ trân trọng những độc giả tôn trọng mình. Mua về để xem con bé này nó viết cái gì, rồi cười cợt. Tôi cũng chẳng vui vẻ đâu. Họ phí từng ấy tiền, còn sách thì hụt mất một quyển trên kệ, mà đáng lý nó có thể đến tay người muốn đọc hơn.
- Có rất nhiều chủ đề để bạn khai thác, tại sao bạn lại chọn cách viết sách dạy con cho lần này?
- Thực ra chuyện dạy con chỉ là cái cớ, còn trong quyển sách của tôi còn vô số chủ đề nhỏ li ti khác. Một người viết mà cạn đề tài, hết ý tưởng, hiếm chữ, thì nên lái sang nghề khác làm cho đỡ bí tắc đầu óc. Đến một lúc nào đó hết chuyện để kể qua văn chương, nhất định tôi sẽ im mồm.
- Bạn có bao giờ suy đoán trước về những phản hồi với quyển sách?
- Năng lực tưởng tượng là vô cùng cần thiết đối với những người lao động sáng tạo. Dĩ nhiên tôi phải chuẩn bị tâm lý của mình trong bất kỳ phản ứng nào, trước hết đối với những phản hồi quá khích. Chẳng hạn khi đọc nhan đề những phần như mẹ dạy con đi bar, khuyên con gái nên biết uống rượu, không cấm con xăm…
Nhiều bậc phụ huynh không đọc rõ sẽ vội vàng nhảy dựng lên phản đối và quy chụp đây là một quyển sách nhảm nhí, vẽ đường lung tung cho "hươu chạy". Rồi sẽ có những ý kiến như "một người chưa làm mẹ thì hiểu biết gì mà viết", mà "có viết cũng non choẹt lý thuyết và thiếu thốn sự thực tế". Tuy nhiên, nếu độc giả đọc kỹ, tôi nghĩ quyển sách này phù hợp với ít nhất hai thế hệ: thế hệ những người trẻ và cha mẹ của họ.
- Có ý kiến cho rằng bạn tự tin thái quá. Bạn nghĩ sao khi nghe ý kiến đó?
- Tự tin thái quá sẽ dẫn đến ảo tưởng. Tôi hoàn toàn tỉnh táo khi viết quyển sách này, bất chấp cảm xúc có những lúc mụ mị ma quỷ. Bởi vì tôi muốn tác phẩm của mình an toàn, nên nó hoàn toàn viết những điều mà người ta khó cãi, dù có một vài chủ đề nghe qua đã rất chói tai như hư thuốc lá, sex, tình yêu đồng tính…
- Ở trên có nhắc đến câu “vẽ đường cho hươu chạy”, bạn có sợ những quan điểm táo bạo của mình vô tình vẽ sai đường?
- Đối với tôi đằng nào mà hươu chẳng phải chạy trên hành trình cuộc đời nó, cha mẹ nào nhốt con mãi mãi được. Thế nên tại sao không vẽ trước khi hươu chạy, còn hơn để hươu chạy sai rồi mới dạy?
- Có ý kiến cho rằng đàn ông không đọc Trang Hạ, những đôi yêu nhau không đọc truyện Gào, còn những ai nhai vội không nuốt nổi chữ của Nhật Linh? Để có nhận định trên bạn đã cố tình chau chuốt cầu kỳ câu chữ cho có vẻ "nhà văn"?
- Tôi không thể trở thành nhà văn. Nên tôi không cần tỏ vẻ hao hao, na ná mà làm gì. Lý do tôi không thể bởi vì tôi không thích. Còn trong trường hợp tôi thích thì chắc gì tôi đủ nồng nhiệt, năng lực mà làm. Trở thành nhà văn là một quá trình trưởng thành từ ngôn ngữ đến cách nhìn, cách cảm, khó lắm chứ không dễ như những người trẻ ảo tưởng vẫn tự nhận.
Họ tên: Lê Nguyễn Nhật Linh Thành tích: |