Bệnh tật và áp lực từ khoản nợ lên tới 33 triệu USD, trưa ngày 11/6, nguyên Tổng giám đốc công ty CP Đầu tư xây dựng cao su đã treo cổ tự vẫn tại nhà riêng.
Khoảng hơn 11h trưa ngày 11/6, ông Nguyễn Bá Lý (59 tuổi, quê Hà Tĩnh) - nguyên Tổng giám đốc công ty CP Đầu tư xây dựng cao su bị phát hiện đã treo cổ tự vẫn tại nhà riêng ở Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Được biết, vào tháng 8/2014, dù chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng ông Lý đã xin thôi việc vì lý do sức khỏe. Trước đó, ông Lý có dấu hiệu trầm cảm vì bệnh tật và áp lực công nợ.
Nguyên nhân là do trong thời kỳ ông Lý làm Tổng giám đốc công ty CP Đầu tư xây dựng cao su, vào thời điểm năm 2010, 2011, khi giá mủ cao su "lên đỉnh" tới 90 - 110 triệu đồng/tấn, ông Lý đã đề xuất công ty vay ngân hàng 33 triệu USD (gần 660 tỷ đồng) với lãi suất 5%.
Đồng thời, phía công ty Đầu tư xây dựng cao su cũng huy động thêm một số cổ đông cá nhân khác để mua 4.000 ha cao su (chưa đến kỳ khai thác) trị giá 800 tỷ đồng (200 triệu/ha) của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Sài Gòn vào tháng 4/2011 trên đất tại Trường bắn Quốc gia khu vực 3.
Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, giá mủ cao su liên tục trượt dài. Đến hiện tại, từ mức giá 110 triệu đồng/tấn, giá cao su chỉ còn 30 triệu đồng/tấn.
Trước đó, cuối năm 2014, ông Dương Lê Dũng - nguyên Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long, Nguyên Giám đốc Công ty Lương thực CN Vĩnh Long thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã tự tử ngày 4/12 tại trại giam.
Ông Dũng là một trong số những lãnh đạo của Công ty Lương thực CN Vĩnh Long bị bắt tạm giam vì gây thất thoát gần 130 tỷ đồng.
Theo đó, ngày 10/11, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, Bộ Công an phối hợp với Công an Vĩnh Long thực hiện các quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam: Dương Lê Dũng, Huỳnh Văn Thức (40 tuổi, Trưởng phòng Kế hoạch-Đầu tư, ngụ xã Tân Thành Đông, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) và Trần Thị Diễm Thúy (41 tuổi, nguyên Kế toán trưởng) về các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết luận kiểm tra của các cơ quan chức năng, cuối 2012, Công ty Lương thực Vĩnh Long ký hợp đồng xuất khẩu 94.000 tấn mì lát cho Công ty Artwell và Công ty Toepfer. Thời gian giao hàng tháng 6/2013 do Công ty cổ phần Tập đoàn Thịnh Phát Kom Tum cung cấp.
Tuy nhiên, công ty Lương thực Vĩnh Long đã ứng tiền trước cho Thịnh Phát khi chưa nhận hàng, đây là hành vi sai phạm nguyên tắc tài chính. Để bao che cho việc này, Công ty Lương thực Vĩnh Long cử một số nhân viên lên TP.Kom Tum làm nhiệm vụ chốt giữ kho, nhận hàng và đồng thời giao hàng xuất khẩu theo như hợp đồng đã ký.
Đầu tháng 2/2014, do phía Thịnh Phát không có số hàng như ký kết ban đầu, đã thông đồng với Công ty Lương thực Vĩnh Long ký khống các phiếu xác nhận nhập kho và cho công ty mượn hàng trong kho đem bán.
Gia Phát