Số nợ có khả năng mất vốn lên tới 23.652 tỷ đồng trong khi vốn vốn chủ sỡ hữu chỉ là 29.605 tỷ đồng, AgriBank đang đối mặt với nhiều rủi ro...
Mới đây tại họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2013, Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong số 3 ngân hàng hàng thương mại Nhà nước mà Kiếm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trong năm 2012 thì Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (AgriBank) là ngân hàng có sai phạm dẫn đến kết quả kinh doanh kém, tỷ lệ nợ xấu cao.
Theo đó nợ có khả năng mất vốn tại AgriBank là 23.652 tỷ đồng, chiếm 59,23% tổng dư nợ xấu, bằng 89% vốn điều lệ (vốn điều lệ của AgriBank tính đến 31/12/2013 là 29.605 tỷ đồng).
Như vậy, tổng nợ xấu của AgriBank lên tới xấp xỉ 40.000 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ của ngân hàng này khoảng 10.000 tỷ đồng.
Số nợ có khả năng mất vốn lên tới 23.652 tỷ đồng trong khi vốn vốn chủ sỡ hữu chỉ là 29.605 tỷ đồng, AgriBank đang đối mặt với nhiều rủi ro... Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, một số khoản đầu tư của AgriBank đã suy giảm trên 60% giá trị đầu tư như: Khoản đầu tư vào Công ty CP đầu tư Vietnamnet suy giảm 68% giá trị; Công ty CP Vận tải Vinaconex giảm 72%; Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 giảm 85,08%; Công ty CP Tập đoàn CMC mất 90,43%.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay, tiềm ẩn rủi ro và khó thu hồi vốn. Cụ thể AgriBank thường xuyên vi phạm tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất, tỷ lệ khả năng chi trả ngay và tỷ lệ khả năng chi trả 7 ngày đối với VND.
Nhìn vào con số nợ xấu khủng của Agribank, một chuyên gia kinh tế có nhiều năm hoạt động trong ngành tài chính ngân hàng khẳng định: Tình hình rất xấu với ngân hàng AgriBank, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn lớn (chiếm 89% vốn điều lệ) coi như ngân hàng mất vốn 100%, vì tỷ lệ này gần bằng vốn chủ sở hữu.
“Điều quan trọng phải xem tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn AgriBank đã trích lập dự phòng rủi ro chưa? Nếu trích phòng rủi ro đủ thì 23.652 tỉ đồng sẽ ăn vào vốn chủ sở hữu. Nếu tiền lãi năm 2013 không đủ trừ cho số 23.652 tỉ đồng hoặc nợ xấu vượt qua con số lãi năm 2013 thì nợ xấu đó ăn vào vốn chủ sở hữu. Cũng cần phải xem số vốn điều lệ 29.605 tỉ đồng được đưa ra trước hay sau khi trích lập dự phòng rủi do, nếu là trước khi trích lập dự phòng rủi ro thì vốn chủ sở hữu thực tế sẽ không còn bao nhiêu...”, vị chuyên gia này phân tích.
Ngược lại nếu 29 nghìn tỉ là số vốn điều lệ được đưa ra sau khi được trích lập dự phòng rủi ro thì AgriBank vẫn an toàn khi ít nhất còn hơn 29 nghìn tỉ để hoạt động.
Trên lý thuyết, ngân hàng AgriBank trên bờ vực rủi ro nghiêm trọng nhưng theo các chuyên gia kinh tế, nếu tình hình trở nên xấu Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp để AgriBank tồn tại.
Trong lúc này để cứu AgriBank theo các chuyên gia kinh tế có 3 cách. Thứ nhất về nguyên tắc khi vốn chủ sở hữu xuống rất thấp thì cách tốt nhấn là ngân hàng phải cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận, lấy lợi nhuận sau thuế bù vào vốn chủ sở hữu bị mất đi trước đó để tăng vốn chủ sở hữu lên. Vì vậy chi phí hoạt động cắt giảm tới mức tối đa.
Do vậy trong thời gian tới việc có thay đổi, tinh giảm bộ máy nhân sự nếu diễn ra tại AgriBank là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên các ngân hàng không thể tự cứu mình chỉ bằng cách cắt giảm chi phí vì dù cắt giảm đến mức nào đó cũng phải có được bộ máy hoạt động. Việc này chỉ giúp giảm gánh nặng ngân hàng.
Chính vì thế với những ngân hàng đang đối mặt với nhiều rủi ro như AgriBank, cách duy nhất tăng vốn chủ sở hữu, tiền vốn này không phải vốn vay, không phải vốn huy động mà là nguồn vốn của Chính phủ.
Thứ hai thực hiện sáp nhập, tuy nhiên việc tìm một ngân hàng lớn để sáp nhập và vực dậy AgriBank là rất khó bởi bản thân AgriBank là một trong số ít ngân hàng thương mại nhà nước có số vốn lớn nhất.
Thứ ba Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể tính đển phương án chuyển đổi AgriBank thành ngân hàng cổ phần, bán cổ phiếu người dân mua khi đó trở thành ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước.
Theo Giáo dục Việt Nam