Phố Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội, từ lâu đã được mệnh danh là con phố "cưỡi ngựa xem hoa", bởi nơi đây bày la liệt các loại mặt hàng trang trí đồ chơi... Đặc biệt dịp trung thu thì con phố này trở nên đông đúc hơn bao giờ hết.
Dòng người chen chúc "cưỡi ngựa xem hoa" trên phố Hàng Mã. Ảnh: Sỹ Nguyên |
Cũng vì lý do này mà mỗi dịp Trung thu, người dân trên con phố Hàng Mã lại được sống trong cảnh vui thì ít mà khó chịu thì nhiều. Mới đây một người dân sinh sống tại đây đã có những lời tâm sự về nỗi khổ của người dân Hàng Mã, có thể đó cũng giống với tâm sự của nhiều người dân Phố cổ.
Trung thu là Tết Thiếu nhi, nhưng ra đường ngày này người khổ nhất vẫn là các cháu nhỏ. Ảnh: Sỹ Nguyên |
Nhà em trong này, cho em vào nhà cái ạ! (Nỗi khổ khi phải gửi xe vào nhà)
Thật là cực chẳng đã, từ lúc biết nghĩ đến giờ, em là em chả có ưa gì cái đợt Trung Thu này cả có lẽ nhiều người cũng rơi vào hoàn cảnh như em. Từ đầu tháng, ngày nào đi làm về cũng chen lấn xô đẩy để dắt con xe vào nhà. Vừa đi tai vừa giả điếc vì những câu đại loại "dở hơi đi phi xe vào đây", "trông thế này đi SH mà không có tiền gửi xe à"..., không còn cách nào khác, nếu không muốn đôi co thì cứ phải liên hồi "anh chị thông cảm nhà em trong này, cho em vào nhà cái ạ!".
Đến khi bước vào dịp cao điểm (qua ngày 10/8 ÂL) thì em cũng chả dám bén mảng con xe đến xung quanh Hàng Mã luôn chứ đừng nói gì là dắt xe vào nhà. Cũng phải gửi xe xa tít mù tắp (mà gửi vẫn đắt như thường ấy chứ, nào có được rẻ hơn ai đồng nào), rồi đi bộ chen chúc vào nhà để rồi 23h hơn mới được đi ra lấy xe về. Các cụ các mợ thì chỉ có 1,2 ngày gửi xe giá cao rồi đi chơi Trung thu, ấy vậy mà sướng.
"Đấy, các cụ các mợ thấy đấy, ai không biết cứ nghĩ nhà Hàng Mã đợt này thích phải biết. Nhưng sự thực thì khổ lắm chứ sung sướng gì đâu".
Dịp Trung thu, các tuyến phố bán đồ chơi nổi tiếng ở Hà Nội như Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Lược luôn trong tình trạng đông đúc, tấp nập cảnh mua sắm, đi chơi... |
Người đi thì lắm, người ngắm thì nhiều, người mua thử hỏi có mấy ai
Lại nói về các điểm bán hàng, nhiều người sẽ nghĩ đây là dịp hốt bạc của dân kinh doanh trên phố Hàng Mã. Nhưng sự thật thì thôi rồi...
"Người đi thì lắm, người ngắm thì nhiều, người mua thì chả được mấy mống". Chưa kể có các trai xinh gái đẹp tự nhiên như ruồi, cầm đồ lên ướm, ưỡn ẹo tạo dáng chụp ảnh rồi đặt xuống quay mông đi thẳng, không một lời cay đắng. Nào nhà em có khó với ai, giá mà cứ mở lời 1 câu cho chụp nhờ cái ảnh thì có mất tý nhan sắc hay nghèo đi thứ gì của họ đâu chứ. Thật là khó chịu quá mà.
Mà em cũng không hiểu người đâu ra mà lắm thế nhỉ? Nhớ hồi cấp 2 (nào đâu xa, 20 năm trước chứ mấy) thanh thiếu niên vẫn còn có không gian mà đánh trận giả bằng súng nước, bóng nước. Giờ thì ra động vào chạm nhau luôn. Các thể loại mùi nước hoa auth + nước hoa fake + nước xịt phòng + vị cháy cánh ... hòa quyện vào nhau cứ gọi là...
"Nãy vừa về nhà, mẹ bảo cả tối chả có được 1 khách nào mua gì (nghe đến là buồn. Và thế là, mẹ em quyết ngày mai (tức Trung thu) sẽ không bán hàng nữa, đóng cửa nằm nhà cho khoẻ. Em là em rất ủng hộ".
Trao đổi với PV, anh Sỹ Nguyên chủ nhân của đôi dòng tâm sự trên cho biết, đây mới chỉ là một vài vấn đề bề nổi thôi. Nếu mọi người ở có mặt ở đây những ngày này chắc sẽ hiểu.
Ngoài ra, anh Nguyên cũng chia sẻ thêm về hệ lụy môi trường, khi dòng người chơi lễ lũ lượt ra về cũng là lúc đường phố tại đây phủ kín nilon, rác thải. Cùng với đó là sự ồn ào mất an ninh, nhiều kẻ gian được dịp ra tay trộm cắp.
Sau khi tâm sự về một vài "nỗi khổ" của người dân Hàng Mã vào dịp Trung thu được đăng tải trên mạng xã hội. Rất nhiều người "đồng cam cộng khổ" tại đây cũng đã chia sẻ câu chuyện của mình. Có người còn cho đây là lý do khiến họ có nhà Phố cổ mà không ở.
Bạn Quynhanh Nguyen bình luận: "Đồng cảm cực kì ngày nào đi làm về cũng phải đi taxi đỗ ở xa rồi đi bộ chen chúc về đến nhà".
Thành viên Vân Nguyễn chia sẻ: "Đi vào ngã tư Hàng Mã, Hàng Gà em phát kinh lên, năm nào cũng chỉ thấy người là người, mà lên đấy có ngắm được cái gì đâu toàn thấy chen nhau đi bọn trẻ con đi xong về thấy chúng nó mệt lừ người mồ hôi đầm đìa (các bố mẹ cho bọn nó đi khổ thêm)".
Đức Hòa