Tin mới

Nơi phụ nữ phải thay 3 cái quần mỗi khi đi chợ

Thứ ba, 16/09/2014, 15:05 (GMT+7)

Câu chuyện thoặt nghe tưởng như đùa, thế nhưng, đây lại là thực tế đã diễn ra từ nhiều năm nay tại xã Xuân An, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

 

 

Câu chuyện thoặt nghe tưởng như đùa, thế nhưng, đây lại là thực tế đã diễn ra từ nhiều năm nay tại xã Xuân An, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Trong một lần đi cùng đoàn sinh viên Hà Nội làm thiện nguyện ở một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, chúng tôi được nghe người dân kể về câu chuyện “phụ nữ phải thay 3 cái quần mỗi khi đi chợ”. Câu chuyện nghe vừa hài hước lại khá thú vị nên chúng tôi quyết định tìm hiểu về nó.

Dẫn chúng tôi ra bên bờ suối Giành (nơi được người dân gọi với tên bến Ngòi - PV), đoạn chảy qua khu dân cư An Lạc 1, xã Xuân An, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, ông Lã Thanh Hải (trưởng thôn An Lạc 1) nói: “Đây là nơi phụ nữ phải thay 3 cái quần mỗi lần đi chợ”.

Ông Lã Thanh Hải (trưởng thôn An Lạc 1) trao đổi với PV.

Sau nụ cười sảng khoái, người nông dân có làn da rám nắng thở dài, chia sẻ với PV: “Suối Giành chảy qua địa bàn xã Xuân An, chia cách xã này với xã Xuân Kiên. Đồng thời chia cách thôn An Lạc 1 với trung tâm xã. Con suối trong xanh thơ mộng là vậy nhưng mùa lũ đến cũng không kém phần hung dữ. Là huyện miền núi có diện tích đồi rừng chiếm đa số, hệ thống sông suối có độ dốc cao khiến cho Yên Lập thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ lũ ống, lũ quét. Mỗi khi mùa lũ là bà con những khu dân cư dọc 2 bên suối vô cùng cực khổ vì không có cầu. Người dân cụm dân cư Ngòi Chò, thôn An Lạc 1 và người dân xã Xuân Kiên mỗi khi đi chợ giao thương tại trung tâm xã Xuân An đều phải đi qua con suối. Đối tượng đi chợ nhiều nhất là cánh phụ nữ, mỗi lần qua suối họ không thể cởi đồ mặc quần đùi như đàn ông được. Vì vậy, ngoài rau, củ, quả… và những thứ đem ra chợ bán thì phụ nữ nơi đây phải mang theo 3 cái quần. Một quần để mặc từ bờ bên này sang bờ bên kia, một quần để mặc từ bên kia sang bên này, còn một cái đẹp nhất để mặc đi chợ”.

Đó là nguyên nhân có câu chuyện “3 quần” ở trên. Đang trao đổi với ông Hải thì nhóm PV được tận mắt chứng kiến cảnh: “phụ nữ phải thay 3 cái quần mỗi khi đi chợ”.

Một tay ôm thúng, một tay dắt cháu nhỏ, bà Bùi Thị Huấn (60 tuổi, trú tại thôn Vải Đạn, xã Xuân Viên, huyện Yên Lập) đứng trút bỏ quần áo ngay tại bờ suối. Bà chia sẻ: “Tôi theo mẹ đi chợ từ ngày còn phải bế phải bồng, tính đến nay cũng mấy chục năm. Còn bao nhiêu lần đi qua con suối này thì nhiều chẳng thể đếm được. Vì đây là con đường chính và nhanh nhất để đi đến chợ xã, thế nên việc đi lại hằng ngày qua con suối là không thể tránh được. Phụ nữ ở đây ai cũng phải mang theo 3 cái quần mỗi khi đi chợ”.  

Bà Bùi Thị Huấn (60 tuổi) đi chợ về cùng đứa cháu. Trong ảnh, bà Huấn đang thay quần để đi qua sông. Ảnh Đức Thuận

Kỷ niệm nhớ đời nhất của bà Huấn khi qua suối, là một lần bị trượt chân rồi trôi theo dòng nước, cũng may hai bên bờ nhiều cây cối nên bà túm được và tự mình trèo lên bờ.

Ông Hải cho biết, ngoài cách sang sông truyền thống là lội suối như bà con vẫn làm, nếu vận chuyển nông sản thì chỉ có cách dùng xe trâu. Hằng năm, thôn An Lạc 1 có làm cầu tạm để bà con đi lại cho đỡ nguy hiểm. Gọi là cầu nhưng nó rất thô sơ, trụ cầu được đan bằng rọ sắt thả đá vào, mặt cầu dùng tre kết làm bè mảng rồi đặt lên làm cầu. Kinh phí để làm cầu khoảng 4 triệu, chưa kể công sức và vật liệu do người dân bỏ ra, kinh phí cũng do người dân tự đóng góp. Biện pháp này cũng chỉ mang tính tạm thời vì cứ tháng 6 đến tháng 9 là suối Giành vào mùa lũ, lũ miền núi thì ghê gớm, cuốn trôi tất cả mọi thứ nó đi qua. Thế nên, những cây cầu đơn sơ của người dân cũng theo đó mà biến mất. Một năm người dân nơi đây phải làm 2 cây cầu tạm để phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển và trao đổi nông sản.

Theo ông Hải, điều đáng lo ngại nhất là hiểm họa tiềm ẩn khi những cháu nhỏ đi học qua đây, thường thì sẽ có người lớn dắt qua, nếu không các cháu phải đi bè mảng, rất nguy hiểm. Mùa nước lớn, để đến trường học sinh phải đi đường vòng khoảng 4km mới tới được lớp.

“Do nhu cầu bức thiết của người dân nên năm 2011, chúng tôi đã làm đơn kiến nghị lên huyện để xin một cây cầu. Căn cứ vào tình hình thực tế, UBND huyện đã phê duyệt xây dựng cầu treo tại đây. Năm 2012, dự án bắt đầu được khởi công. Thế nhưng, từ bấy đến nay ngoài hai cái trụ cầu ở 2 bên bờ suối thì người dân vẫn mòn mỏi đợi cầu”, ông Hải nói.

Tìm đến các cấp có thẩm quyền, ông Hải nhận được câu trả lời, nguyên nhân chậm thi công cầu là do thiếu vốn.

Ông Trường (65 tuổi, người dân thôn An Lạc 1) trăn trở: “Chứng kiến cảnh bà con lội suối bất chấp nguy hiểm bao nhiêu năm nay tôi vô cùng xót xa. Dự án được duyệt thì chính quyền cũng phải dự trù ngân sách và có những nguồn vốn đối ứng, việc đổ thừa cho thiếu vốn mà để bà con chịu khổ cực và sống trong mong chờ như vậy là không được”.

Nhìn bà Huấn dắt tay đứa cháu nhỏ khổ sở đạp lên từng viên đá trơn trượt dưới lòng suối, lội từng bước liêu siêu mới thấy được sự nguy hiểm tiềm ẩn khi mỗi lần người dân phải vượt suối. Không chỉ ông Hải, ông Trường, bà Huấn… mà hàng nghìn người dân xã Xuân An và Xuân Kiên, huyện Yên Lập đang mong lắm một cây cầu.

Hằng ngày người dân cứ phải "băng rừng, vượt suối" như thế này. Ảnh Đức Thuận

Nhiều đoạn sâu tới cổ người lớn. Ảnh Đức Thuận

Phương tiện để chuyển nông sản duy nhất là xe trâu. Ảnh Đức Thuận

Video:

 

 

Theo Đức Thuận - Nguyễn Tùng (Người đưa tin)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news