Cho đến bây giờ, khi đối diện với PV, cô H. mới thực sự thấy mình may mắn, được trở về nhà sớm và nguyên vẹn như chồng cô nói. Cô bảo rằng, chắc do kiếp trước, cô “ăn ở có trước, có sau nên được cha mẹ dưới suối vàng phù hộ”. Bởi, tất cả phụ nữ ở nơi cô lao động chui, thậm chí đàn ông đều bị quấy rối và lạm dụng tình dục. Nó trở thành nỗi ám ảnh ghê tởm đối với cô...
“Bóng ma” trong đêm tối
Vì biết tiếng Tàu và trước đó cũng được đi học hết lớp 12 nên so với những lao động khác, cô H. có chút hiểu biết về đời sống Xã hội. Hơn nữa, đã từng là vợ, là mẹ nên cô H. có nhiều “thủ pháp” đối phó với lời nói tục, hành vi khiếm nhã của chủ Trung Quốc.
Cô H. kể, lúc mới sang, chủ Trung Quốc tưởng cô không biết tiếng, chúng tha hồ nói với nhau những từ tục tĩu, miệt thị. Ngoài việc cô biết tiếng Tàu ra, chúng còn để ý đến cô, bởi cô có dáng người cao ráo, nước da trắng. Người quản lý trực tiếp lao động ở công trường thường hỏi han cô rất tận tình. ông chủ thi thoảng mới tới công trường nhưng ngoài hỏi công việc từ người quản lý, họ toàn hỏi nữ lao động như thế nào? “Tôi đã từng “được” ông chủ trực tiếp gọi vào phòng – thực chất chỉ là giường trong lều, lán dành cho người quản lý ở - cùng chủ nói chuyện”, cô H. nhớ lại.
“Tôi nghĩ mãi, nếu không đối đáp bằng tiếng Tàu, sẽ bị chúng “giở trò” nên tôi đành lộ thân phận. Tôi nói rằng, đã có chồng, con lớn rồi và đang mắc bệnh; đi làm việc để lấy tiền chữa bệnh. Chúng còn hỏi tôi bị bệnh gì. Tôi nói đại là bị bệnh nan y. Từ đó, ông chủ không ngó ngàng gì tới tôi nữa. Thế nhưng, 3 người phụ nữ khác, cùng làm chỗ tôi, bị chúng “quấy quá trời”. Đang đi làm ở ngoài đồng, khuân đất làm gạch, mặt mũi, tay chân đều lấm, bẩn. Quần áo thẫm mồ hôi như bị mưa ướt sũng, thế mà tên quản lý cũng gọi vào lều để “nói chuyện”. Thực ra, chẳng có chuyện gì để nói cả. Chúng gọi vào để tranh thủ quấy rối tình dục. Chúng không dám làm “chuyện ấy” ban ngày thì bóp mông, sờ người, thậm chí cắn môi, má... họ đến sưng tấy”, cô H. trải lòng.
Cô H. bảo rằng, bọn quản lý, ông chủ có chủ đích quấy rối tình dục phụ nữ lao động chui nên bố trí lều ở của họ xa với lều của đàn ông. Chúng rao giảng rằng, để tránh lao động nam “lằng nhằng” với lao động nữ. Nhưng, quả thật, không thể “lằng nhằng” nổi vì làm việc quá mệt, sau đó, ai cũng chỉ muốn nghỉ ngơi mà thôi.
“Đêm đến, bọn quản lý mò vào lều của lao động nữ. Chúng chẳng nói chẳng rằng, lao vào ôm, đè ra ngay. Ai khoẻ chống cự được thì cũng đã bị chúng ôm, hôn, cào cấu... Lao động nữ tên P., ở Lạng Sơn, cũng người dân tộc thiểu số, biết chút ít tiếng Tàu, được quản lý tên Wang Shi để ý. P. được bố trí làm việc ít giờ hơn phụ nữ khác. Cứ nửa đêm, Wang Shi mò đến lán, lôi P. đi khoảng hơn tiếng đồng hồ. Lần nào về, P. cũng tả tơi, rũ rượi. Lúc đầu, P. không nói nhưng sau không thể chịu đựng được sự lạm dụng của quản lý Wang nên nhờ chị em nói giúp là sốt hay đau ốm. Nhiều lần như thế, Wang nghi ngờ, vào tận lán kéo P. đi bằng được. Lúc đầu, tôi tưởng P. chỉ bị mỗi Wang “làm chuyện ấy” nhưng không phải, P. phải phục vụ tình dục cho cả ba quản lý liền”.
Nỗi sợ hãi “thiết quân luật”
Gặng hỏi mãi, cô H. mới tiết lộ: “Chỗ tôi làm toàn là lao động người Bắc Giang và Lạng Sơn. Người nào cũng lầm lũi làm việc. Hơn 100 người mà chỉ có 10 người là nữ nên bọn chủ cứ “tỉa” từng người để quấy rối. Chúng có rất nhiều lý do để gọi lao động nữ vào lán “hỏi chuyện”. Có cô vừa bị quản lý, vừa bị ông chủ quấy rối, nghĩ mà tội. Điều đáng kinh tởm nhất là, chúng quấy rối chị em rồi, hôm sau chúng kể với nhau, cười hô hố, khả ố vô cùng”.
Tôi thắc mắc: “Nhiều người thế, sao không bảo nhau chống lại, để cho vài người quản lý lộng hành thế?”. Cô H. chép miệng: “Ai cũng sợ nên không dám đấu tranh. Thấy anh A., chị B. bị chúng đánh một cách vô lý cũng chẳng dám ý kiến gì. Ngoài lý do đó, còn có một lý do cơ bản khác, “nổi loạn” cũng không thể thoát khỏi khu công trường của chúng được mà sẽ bị chúng “thiết quân luật” hơn. Công trường là khu đất rộng nhiều ha nhưng được bố trí từng khu, mỗi khu có tường rào bằng dây thép gai dựng cao lên. Đã thế, bên ngoài tường rào dây thép gai là hào, rãnh sâu. Đường vào và ra chỉ duy nhất là một cổng. Khi đóng cổng vào, bên trong là khu biệt lập”.
Sinh hoạt cá nhân của nhóm Wang Shi rất tùy tiện và bệnh hoạn. Thỉnh thoảng ông chủ mới đến kiểm tra nên bọn Wang rất tự do thể hiện những hành vi lỗ mãng, hoang dã của mình. Chúng tiện đâu tiểu tiện ở đấy. Chúng còn lỗ mãng đến mức, vạch “của quý” tiểu tiện ngay trước mặt lao động nữ. Người nào mải làm việc, không nhìn thấy, chúng còn gọi giật giọng để chị em quay lại, bắt buộc phải nhìn. Thế là chúng cười rất khả ố. Có lần, cô H. vô tình phát hiện ra quản lý Wang Shi và hai quản lý khác đang bày cho nhau cách “làm chuyện ấy” khi quấy rối tình dục lao động nữ chui. Chúng còn vô văn hoá và dâm dục đến mức, người lao động nữ đang cúi xuống làm việc, chúng tiến đến sờ, cấu vào mông, rồi ngẩng mặt lên trời cười... như con tinh tinh.
Đối tượng lừa người lao động sang Trung Quốc làm việc chui bị bắt Trước thực tế, người lao động, phần lớn là người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi tỉnh Bắc Giang bị lừa sang Trung Quốc làm việc chui, Công an Bắc Giang đã vào cuộc và phát hiện, bắt giữ đường dây tổ chức đưa người sang Trung Quốc trái phép. Đối tượng cầm đầu tên là Hồ Văn Sanh (SN 1989, trú tại bản Răng, xã Cẩm Đàn, Sơn Động, tỉnh Bắc Giang).
Sanh còn trẻ, đã từng có thời gian làm việc ở Trung Quốc nên biết được nhu cầu cần lao động của các ông chủ rất lớn. Sanh đã dụ dỗ nhiều người dân rời khỏi địa phương mà không khai báo tạm trú, tạm vắng nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Với thủ đoạn này, Sanh đã trực tiếp đưa chót lọt nhiều chục lao động sang Trung Quốc. Có những lao động đã trốn được về, “hỏi tội” Sanh. Ngoài ra, Sanh còn cầm đầu đường dây chuyên môi giới, đưa lao động sang Trung Quốc trái phép. “Chân rết” của Sanh ở các huyện khác như Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, Tân Yên... đều có. Thậm chí, có thời điểm, “chân rết” của Sanh còn được “cắm” tại xã để tiện cho hoạt động phạm pháp. Tại cơ quan điều tra, Sanh khai nhận đã đưa những người dân sang Trung Quốc để lao động, làm việc tại các xưởng sản xuất đồ chơi, nhựa, chặt mía tại các công ty... Những người này được đưa lên Lạng Sơn, sau đó đi đường rừng để qua cửa khẩu Chi Ma. Mỗi người đưa sang Trung Quốc thành công, Sanh sẽ thu 2,5 triệu đồng chi phí ăn ở, đi lại. |
Theo Đới Sống & Pháp Luật