Tin mới

Nông dân làm lò đốt rác phát điện: Vứt cả đứa con tinh thần xuống ao

Thứ tư, 16/07/2014, 14:29 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Bức xúc với “lệnh cấm” của Sở KHCN, ông Kiên tháo bỏ hệ thống lò đốt rác phát điện của mình. Mỗi bộ phận ông vứt 1 nơi, thậm chí có nhiều khi ức chế, ông vứt cả một vài thiết bị xuống ao.

 

 

(Tinmoi.vn) Bức xúc với “lệnh cấm” của Sở KHCN, ông Kiên tháo bỏ hệ thống lò đốt rác phát điện của mình. Mỗi bộ phận ông vứt 1 nơi, thậm chí có nhiều khi ức chế, ông vứt cả một vài thiết bị xuống ao.

Bị “cấm” nên vứt cả sản phẩm xuống ao

>>> "Cấm" nông dân chế tạo lò đốt rác phát điện: Côn đồ khoa học hay côn đồ dư luận

>>> Phát minh nông dân Thái Bình: Lò đốt rác phát điện có thể nổ như bom

Ngày 16/7, PV đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Kiên (trú tại xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, Thái Bình), chủ nhân lò đốt rác phát điện nhưng bị cơ quan chức năng “cấm” không được phép hoạt động.

Bùi Văn Kiên người sáng chế ra lò đốt rác phát điện.

Ông Bùi Văn Kiên, cho biết: "Năm 2012, tôi đã có cuộc thử nghiệm công khai ở chợ Sặt (xã Thái Giang), lúc đó có cả đoàn làm việc của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình. Trong cuộc thử nghiệm, tôi đã đốt một khối lượng rác thải gồm nhiều loại từ rác sinh hoạt, rác công nghiệp (sắt thép phế liệu) cho đến rác thải y tế, là thứ khó đốt nhất. Lượng điện sản sinh ra đủ thắp sáng 20 bóng đèn sợi tóc 100W, còn lượng khói đen xả ra môi trường gần như không đáng kể. Đoàn của Sở KHCN cũng đã đo đạc những chỉ số điện năng từ chiếc máy của tôi. Nhưng sau đó, tôi nhận được kết quả là không cho thử nghiệm, chế tạo thêm nữa vì lý do không an toàn, mất vệ sinh môi trường."

Tự nhận thấy chiếc lò của mình cần hoàn thiện hơn, ông Kiên tiếp tục mày mò, học hỏi thực tế và trong sách để cải tiến lò đốt rác phát điện. Lần chạy thử thứ 2 vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2012, kết quả thử nghiệm rất tốt. Những chỉ số như:  lượng bụi là 160mg/Nm3, còn tiêu chuẩn VN là 150mg/Nm3 (vượt chuẩn không đáng kể). Chỉ số CO là 324mg/Nm3 còn tiêu chuẩn VN là 300mg/Nm3 (vượt chuẩn không đáng kể).

Những chỉ số khoa học về lò đốt rác của ông Kiên.

Tuy nhiên theo ông Kiên, “công trình của ông nhiều lần bị cơ quan chức năng cấm đoán, tôi quyết định mang toàn bộ mô hình đó về nhà và dỡ bỏ."

Từ đó đến nay, mô hình của ông Kiên bị vứt xó ngoài vườn. Nguyên nhân, do ông đã dốc toàn bộ của cải tích góp nhiều năm vào việc nghiên cứu lò, nay không còn đủ lực để phát triển nghiên cứu. Nhưng nguyên nhân lớn nhất, là ông không nhận được sự hưởng ứng của cơ quan chức năng.

"Tôi thử nghiệm chế tạo hoàn toàn bằng tiền của mình, về độ an toàn, tôi làm ở giữa chợ nhưng chưa hề để xảy ra cháy nổ gì cả. Về ô nhiễm môi trường, một mình tôi đốt làm sao bằng được cả xã cả huyện người ta đốt rơm rạ, thậm chí là tự ý đốt rác" - ông Kiên bức xúc.

"Cấm đoán nhiều, tôi bực mình dỡ luôn cái máy ra cho gọn, bởi mỗi lần nhìn vào tôi thấy xót xa, bức xúc lắm" - ông Kiên ngậm ngùi chia sẻ.

“Tôi chưa nhận được văn bản nào về việc cấm không cho lò đốt rác hoạt động, lệnh cấm được phát đi trong cuộc họp tai địa phương, có sự tham gia của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình. Theo đó, họ cho rằng lò đốt rác không đạt yêu cầu về an toàn và môi trường nên không được phép hoạt động nữa” – ông Kiên nói.

Từ đó, ông Kiên chán nản vì công trình của mình không được cơ quan chức năng hưởng ứng, mặc dù theo ông, “nếu đưa vào hoạt động lò đốt rác sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người dân”.

Bức xúc với “án treo” của Sở KHCN, ông Kiên tháo bỏ hệ thống lò đốt rác phát điện của mình. Mỗi bộ phận ông vứt 1 nơi, thậm chí có nhiều khi ức chế, ông vứt cả một vài thiết bị xuống ao.

“Thái Bình cấm tôi sang Hải Phòng”

Ông Bùi Khắc Kiên chia sẻ: “Sau khi báo chí vào cuộc, nhiều cá nhân, tổ chức, công ty đã biết đến sáng chế của tôi. Cũng nhờ đó mà lò đốt rác phát điện đã tìm được lối ra.”

Ông hoan hỉ cho biết, mới đây, Hợp tác xã (HTX) Trường An (xã Mỹ Đức, huyện An Lão, Hải Phòng) đã mời ông sang để thử nghiệm lò đốt rác phát điện do ông sáng chế. Theo ông Kiên, nhiều năm qua Hải Phòng đã thí điểm nhiều mô hình xử lý rác thải trong khu dân cư, thế nhưng, chưa có mô hình nào thực sự mang lại hiệu quả. Nhận thấy, lò đốt rác của ông có tính khả thi cao, HTX Trường An đã mời ông sang lắp đặt, thử nghiệm tại địa phương.

Trước đó, HTX cũng đã xây dựng vài mô hình xử lý rác, nhưng công suất thấp, khoảng 5 tấn rác thải/ 1 ngày đêm, lò đốt của HTX phải phân loại rác trước khi xử lý. Sau khi đốt, rác cũng không cháy hoàn toàn nên phải đem chôn, ảnh hưởng đến môi trường.

Video: Cận cảnh lò đốt rác phát điện của nông dân Thái Bình

 

 

Trong khi đó, lò đốt rác của ông Kiên công suất dự kiến sẽ xử lý được khoảng 20-30 tấn rác thải/ 1 ngày đêm. Rác thải khi đưa vào xử lý không cần phân loại, “lò có thể đốt tất cả các loại rác, vì nhiệt độ của lò rất lớn. Thậm chí, cả đá khi đưa vào lò cũng bị đốt thành tro bụi. Rác sau khi đốt gần như bị cháy hết, chỉ còn lại 1 chút cặn, điều quan trọng là lò đốt chuyển hóa được nhiệt năng thành điện năng. Chỉ cần 1 người cũng có thể vận hành được lò” – ông Kiên nói.

Ưu điểm lớn nhất của lò đốt do ông Kiên sáng chế là hạn chế được tốt đa nhân công.

Ông Kiên cho biết thêm, HTX hỗ trợ cho ông cơ sở vật chất, một số vật liệu sẵn có và nhân công, còn kinh phí ban đầu sẽ do ông tự trang trải. Nếu lò đốt mang lại hiệu quả thực sự, HTX sẽ hoàn trả tiền ông đã đầu tư.

Hiện nay, ông đã có trong tay 200 triệu để sẵn sàng cho dự án của mình.

Được hỏi về số tiền trên, ông Kiên cho hay: “Bao nhiêu vốn liếng tôi đã đầu tư vào lò đốt trước đó, từ khi bị cấm, lò để hoen gỉ, hư hỏng nên toàn bộ tiền của đổ xuống sông xuống biển. Cũng may, tôi có người cháu ruột là Trần Văn Hoan (44 tuổi) liên tục động viên, cổ vũ. Thậm chí, biết tôi khó khăn, Hoan sẵn sàng bán cả vàng rồi đi vay mượn để lo đủ cho tôi 200 triệu cho lần thử nghiệm tại Hải Phòng.”

Hiện tại, ông đang trong giai đoạn chuẩn bị vật liệu để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

Mặc dù, đã được tiếp tục hoàn thiện giấc mơ chế tạo lò đốt rác phát điện nhưng ông Kiên vẫn có mong muốn được tỉnh Thái Bình tạo điều kiện cho ông nghiên cứu tại quê hương. Ngoài ra, ông muốn có thêm nhiều sự quan tâm, giúp đỡ từ các nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức khoa học chuyên nghành về công trình của mình.

Ông chia sẻ: “Đã có hơn 20 đối tác mời tôi hợp tác để phát triển, hoàn thiện lò đốt để đưa vào sử dụng. Thậm chí mới đây, một công ty của Nhật Bản đã cử đại diện đến tại nơi thăm quan lò đốt và tỏ ý muốn hợp tác. Nhưng tôi không muốn, vì tôi làm không vì lợi nhuận mà muốn sản phẩm có ích cho quê hương, cho đất nước. Khi lò đốt được sản xuất hàng loạt và được người dân sử dụng, rác thải sẽ không còn là vấn đề đau đầu của Nhà nước và người dân khi phải tìm cách xử lý. Lúc đó, rác sẽ là một tài nguyên quý.”

Lò đốt rác phát điện có thể nổ như bom

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Quang, Trưởng bộ môn Hệ thống Năng lượng Nhiệt, Viện KH&CN Nhiệt - Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Người đã trực tiếp cùng đoàn đánh giá của bộ Khoa học Công nghệ đến thực địa, đánh giá lò đốt rác phát điện của nông dân Bùi Xuân Kiên.

Theo TS. Quang, lò hơi của ông Kiên thiếu những điều kiện về an toàn, nó tiềm ẩn nguy cơ phát nổ rất cao. Những thiết bị như tua bin, lò hơi cũng do ông tự thiết kế, lắp ghép không theo quy chuẩn nào. Việc chế tạo lò đốt rác phát điện của bác Kiên là hành động tự phát. Trong quá trình làm, ông Kiên chủ yếu dựa trên kinh nghiệm bản thân và bắt chước những mô hình đi tham khảo, cách làm thủ công không đủ điều kiện an toàn. Lò hơi là thiết bị áp lực, có thể nổ như một quả bom nếu không tuân thủ đúng điều kiện kỹ thuật, khi đó hậu quả sẽ khó lường.

Tôi rất cảm phục tính kiên trì của bác, nhưng một phần thấy sự vô vọng trong cách thức của bác, một phần thấy bác như một nạn nhân của truyền thông để cứ thế lao sâu vào một vấn đề không đi đến đâu” – TS Quang phát biểu.

Na Sầm

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news