Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu Trường THCS Uy Nỗ thành lập hội đồng kỷ luật xử lý nghiêm các cá nhân liên quan đến vụ nữ sinh bị bạn đánh ngay trong trường gây xôn xao dư luận.
Liên quan đến vụ nữ sinh cấp 2 đánh bạn ngay trong trường xảy ra tại Trường THCS Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội), theo tin tức trên báo Dân trí, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu Phòng GD-ĐT huyện Đông Anh sớm báo cáo chính thức về sự việc tới Sở GD-ĐT và UBND huyện Đông Anh; đồng thời, chỉ đạo Trường THCS Uy Nỗ thành lập hội đồng kỷ luật, yêu cầu các cá nhân liên quan kiểm điểm về trách nhiệm, mức độ vi phạm, xử lý nghiêm các sai phạm.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu Phòng GD-ĐT cùng ban giám hiệu nhà trường gặp gỡ gia đình học sinh bị đánh để động viên, chia sẻ, giúp học và gia đình ổn định tâm lý.
Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm vụ nữ sinh bị bạn đánh hội đồng trong trường |
Theo thông báo của Sở GD-ĐT Hà Nội, trường THCS Uy Nỗ phải thông báo tới chính quyền địa phương nơi các học sinh cư trú để có biện pháp giáo dục. Kết quả xử lý vụ việc này phải được thông báo rộng rãi trong toàn trường, đến từng gia đình học sinh và báo cáo về Sở GD-ĐT, UBND huyện Đông Anh trước ngày 30/5.
Như tin tức đã đưa, ngày 23/5, một đoạn clip ngắn đã được tung lên mạng, quay lại hình ảnh một nhóm khoảng 5 nữ sinh lớp lớn đã dàn cảnh, uy hiếp và đánh đập một nữ sinh ở lớp bé hơn trong sự chứng kiến thờ ơ của bạn bè cùng trường. Các nữ sinh không chỉ đánh bạn cật lực mà còn buông lời đe dọa, quay clip tung lên mạng.
Theo tìm hiểu của báo chí, nữ sinh nạn nhân trong clip là em Phan Thu T. (học sinh lớp 7, trường THCS Uy Nỗ). Các học sinh đánh T. là Lê Thị Thu M.(học lớp 9B), Đặng Thu H., Đỗ Thanh H. Vương Thị Khánh H., Nguyễn Thị H. và Nguyễn Ngọc Th. (đều là học sinh lớp 8B, trường THCS Uy Nỗ).
Trao đổi với phóng viên báo Người đưa tin, bà Phan Thị Thanh (60 tuổi, bác ruột của T.) cho biết, từ khi sinh ra, T đã bị thiệt thòi vì bố mẹ bị thần kinh, không làm ăn được gì. Sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng suốt 7 năm qua, T. luôn là học sinh giỏi của trường, được thầy cô và các bạn yêu quý.
Vậy mà, chỉ vì ghanh tị được cô giáo ưu ái hơn mà nó bị mấy đứa túm tụm đánh cho thế này...”, bà Thanh thở dài.
Kể lại sự việc, T. cho biết: “Sáng 6/5, em được một nhóm năm người (gồm bốn học sinh lớp 8 và một chị tên M. là học sinh lớp 9) gọi ra sau trường, rồi nhảy vào đánh em. Trong lúc đánh em, chị Minh có nói “Tại vì mày chịu khó đi tập văn nghệ nên được cô Vui quý hơn...”.
Trong trận đánh ấy, M. (nữ sinh học lớp 9) là chủ mưu. Sau trận đánh lần một, buổi chiều cùng ngày, T. lại bị nhóm nữ sinh gọi ra sau trường đánh tiếp trận thứ hai. Lần này, M. nói dối để dụ dỗ T. ra sau trường: “Từ nay, tao với mày là chị em nên không đánh nhau nữa”, T. kể lại lời M. nói. Thế nhưng, khi ra sau trường, nhóm nữ sinh lại tiếp tục đánh đập em rất dã man.
Sau hai trận đánh, vì bị đau nên khi nghe cháu kể, lại thấy T. bị chảy máu miệng, hai tai sưng to nên bà Thanh (bác T.) đã lên gặp nhà trường. Nhà trường có tổ chức cuộc gặp mặt và yêu cầu năm học sinh phải xin lỗi T. trước cuộc họp.
Tưởng rằng sự việc dừng lại ở đây, nhưng sáng 7/5, T. tiếp tục bị nhóm nữ sinh này tìm đến để “xử lý” với lý do làm gãy móng tay của M. và thêm một lý do khác nữa là vì T. “mách gia đình”. Tuy nhiên, chúng không đánh được em trước sự can ngăn của các bạn trong lớp. Sau ba lần bị đánh và đe dọa, gia đình T. tiếp tục báo cáo với nhà trường, nhờ phía nhà trường can thiệp giúp đỡ.
H.M (tổng hợp)