“Giải mã” giếng nước tự phun trào cao 20 m, một cán bộ Sở KH-CN cho biết có thể nơi khoan giếng là một “túi” nước và khi mũi khoan đụng đến làm chênh lệch áp suất, làm nước phun lên.
Liên quan đến giếng nước tự nhiên phun trào cao 20m tại Bà Rịa-Vũng Tàu, theo tin tức trên báo Pháp luật TP HCM, chiều 2/6, đoàn công tác của Sở KH-CN, Sở TN-MT cùng huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đến khu vực giếng khoan trong vườn nhà ông Nguyễn Văn Bảnh (thôn 1, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) để lấy mẫu nước, tìm hiểu nguyên nhân dòng nước giếng phun cao 20 m trong hai ngày qua.
Nước giếng tự phun trào không tốt cho sức khỏe |
Tại hiện trường đoàn ghi nhận mực nước phun lên tính từ mặt đất là 8-10 m. Đoàn đã yêu cầu ông Bảnh mua ống nhựa đưa xuống giếng và có van hạn chế nước chảy, còn quanh miệng giếng sẽ trám xi măng. Việc khắc phục hiện tượng phun nước sẽ được thực hiện trong hôm nay (3/6).
“Giải mã” hiện tượng này, một cán bộ Sở KH-CN cho biết có thể nơi khoan giếng là một “túi” nước và khi mũi khoan đụng đến làm chênh lệch áp suất, làm nước phun lên. Đây là hiện tượng tự nhiên, và nước sẽ dừng phun khi áp suất giảm.
“Việc khoan giếng sâu đến mức này thì nước có thể có một số loại chất không tốt đối cho sức khỏe nên người dân không nên uống nước này”, cán bộ này nói.
Trong khi đó, cho rằng nước giếng tự phun trào 20m là hiện tượng hiếm gặp, trong ngày 2/6, có đến hàng trăm người dân địa phương tới nhà ông Nguyễn Văn Bảnh (75 tuổi, ngụ tổ 5, thôn 1, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) lấy nước giếng khoan về chữa bệnh.
Như tin tức đã đưa, ngày 1/6, ông Nguyễn Văn Bảnh thuê thợ đến khoan giếng với độ sâu 80 m để lấy nước tưới cây nông nghiệp. Đến khoảng 13h, khi thợ khoan rút ống thì nước phun lên. Lúc đầu cột nước chỉ khoảng 60 cm nhưng thợ càng rút ống nước càng phun cao khiến nhiều người kinh ngạc.
Được biết, đây cũng không phải là lần đầu xuất hiện hiện tượng nước phun trào khi khoan giếng nhưng theo ghi nhận của báo chí, chiếc giếng nhà ông Bảnh có độ phun trào cao nhất.
H.Minh (tổng hợp)