Tin mới

Nước giếng sủi bọt, chuyền màu tím đen ở Phú Thọ

Thứ tư, 17/06/2015, 12:01 (GMT+7)

Nước giếng khoan ở khu vực xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ này vẫn trong vắt, và được người dân dùng sinh hoạt hàng ngày, tuy nhiên khi đổ một chút nước chè xanh vào thì nước lập tức sủi bọt, chuyển màu tím đen, bốc mùi tanh, hôi khó chịu.

 

Những ngày gần đây, người dân khu 10, xã Bằng Giã, huyện Hạ Hoà luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm hoang mang trước hiện tượng nước giếng khoan vẫn dùng sinh hoạt hàng ngày khi đổ nước chè vào lập tức sủi bọt, chuyển màu tím đen, bốc mùi tanh, hôi khó chịu. Dân báo lên xã, xã báo về huyện, huyện kiến nghị với tỉnh. Đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp về kiểm tra, lấy mẫu nước xét nghiệm. Trong lúc chờ đợi, chính quyền xã chỉ biết khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước này trong sinh hoạt, đặc biệt là ăn uống. Hơn 400 gia đình sống dọc bờ ngòi Lao, sông Hồng trên địa bàn xã lại tiếp tục hàng ngày mang can, thùng nhựa vào các khu trong đồi, gò, xin nước về dùng...

Khởi động hệ thống bơm nước từ giếng khoan ngoài vườn, anh Nguyễn Trường Xuân (khu 10, xã Bằng Giã) thủng thẳng bảo khách đang tò mò chờ xem "hiện tượng lạ": "Các bác cứ bình tĩnh, đợi em bơm hết nước đọng đã. Cứ 1-2 ngày không bơm là nước đọng bốc mùi hôi không thể ngửi được, dùng tưới cây cũng còn cảm giác không an tâm...". Theo lời kể của anh: Gia đình sinh sống ở đây đã lâu năm. Không thể sử dụng nước sông, anh chị đầu tư khoan giếng lấy nước sinh hoạt cho an toàn. Nhưng chẳng hiểu sao nước bơm lên trong vắt là vậy mà luôn có mùi tanh, hôi khó chịu. Đựng trong chậu nhôm vài bữa là ăn mòn, kết tủa thành lớp dầy trên thành chậu. Luộc rau muống cứ xanh ngắt như mực viết Cửu Long.

Chẳng riêng gì nhà anh, các gia đình sống dọc theo bờ sông ở khu vực này đều có hiện tượng tương tự với nước giếng khoan. Có nhà dùng nước rửa xe máy, được một thời gian, chiếc xe sơn màu xanh bỗng chuyển thành màu...vàng!. Mỗi lần rửa ấm pha chè, thấy nước cứ có vẩn tím đen, nghĩ ấm chén bẩn, nhiều người cứ tráng đi, rửa lại cả chục lần rồi mới tá hoả khi biết nước đổi màu, sủi bọt khi có nước chè hoà lẫn.! Thử nghiệm cả trăm lần, kết quả vẫn diễn ra tương tự, bà con lo lắng báo cáo "chuyện lạ" lên lãnh đạo khu dân cư, chính quyền xã với mong muốn có lời giải thích, cách giải quyết hữu hiệu. Mấy hôm sau, có đoàn cán bộ về kiểm tra, lấy mẫu nước đi xét nghiệm.

Tưới ướt đẫm mấy gốc cây cảnh ngoài vườn, anh Trường gọi vợ mang chiếc chậu inox đã ố vàng và chiếc cốc thuỷ tinh ra vòi hứng nước. Cầm ấm chè mới pha ở nhà từ từ rót vào chậu và cốc săm sắp nước giếng khoan mới bơm lên trong vắt, anh Trường nhắc: "Các bác xem nhé !". Nước chè rót đến đâu, nước đang trong lập tức vẩn đen và chỉ trong chốc lát, cả chậu nước đã đen tím như chậu mực, ngầu bọt bốc mùi hôi tanh khó chịu. Nước trong cốc thuỷ tinh cũng có hiện tượng tương tự. Khoả tay vào chậu "nước tím", anh Trường thở dài não nuột trước vẻ mặt kinh ngạc đến thẫn thờ của chúng tôi: "Vậy mà ngày nào chúng tôi cũng phải dùng nước này để tắm giặt, rửa rau ăn. Chẳng biết nước chứa chất gì mà khủng khiếp thế? Không biết dùng vậy có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không?"...

Trong văn bản báo cáo xin ý kiến xử lý nguồn nước phục vụ sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh môi trường của UBND huyện Hạ Hòa gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi rõ: “Trong thời gian gần đây, trên địa bàn khu 10, xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa (khu vực chân cầu Hạ Hòa) nguồn nước sinh hoạt tại các giếng đào, giếng khoan của một số hộ dân sau khi bơm lên mặt đất cho một lượng nước lá cây có vị chát (như nước chè, nước lá đơn đỏ…) thì nước chuyển sang màu tím đen, có mùi tanh không đảm bảo vệ sinh môi trường gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân. UBND huyện đã giao các đơn vị chức năng của huyện kiểm tra, xem xét hiện tượng trên; nhưng do điều kiện về chuyên môn và trang bị kỹ thuật của huyện còn hạn chế nên chưa xác định được nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm do tạp chất gì…”. Ông Nguyễn Ngọc Tiến- Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hạ Hòa cho biết: “Đầu năm nay, nhận được thông tin phản ánh của người dân, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi đã lập tức cử cán bộ về kiểm tra, xác minh và nhận thấy hiện tượng trên là do nước đã bị nhiễm một số tạp chất kim loại, các tạp chất này có sẵn trong lòng đất, không phải do các nguồn thải từ sản xuất, sinh hoạt của con người gây ra. Phòng đã tham mưu với UBND huyện ra văn bản gửi các cơ quan chức năng. Ngày 1-4, đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường đã về kiểm tra thực tế và lấy mẫu nước đi xét nghiệm. Huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo chính quyền xã Bằng Giã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn theo thẩm quyền; phối hợp với các phòng, đơn vị có liên quan, các tổ chức đoàn thể nhân dân tích cực tuyên truyền vận động, khuyến cáo các hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh để phục vụ cho sinh hoạt ăn uống hàng ngày…”.

 

Phản ánh đến Báo GĐ&XH, người dân khu 10, xã Bằng Giã (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết, nhiều tháng nay, nước giếng khoan trong khu vực này vẫn trong vắt, không có mùi khác lạ, nhưng khi cho một chút nước chè xanh vào thì nước lập tức đổi màu tím đen, sủi bọt và có mùi tanh bốc lên rất khó chịu.

Anh Nguyễn Trường Xuân (ở khu 10, xã Bằng Giã) cho biết, gia đình anh mới đầu tư một chiếc giếng khoan. Ban đầu, anh Trường thấy nước bơm lên trong vắt nên nghĩ là an toàn và dùng làm nước sinh hoạt cho cả gia đình. Nhưng sau nhiều lần chú ý đến nồi nước rau muống luộc, anh thấy nước có màu xanh như màu mực. Khi đổ một chút nước chè xanh vào chậu nước trong vắt bơm từ dưới giếng lên thì màu nước biến thành tím ngắt, sủi bọt, có mùi tanh. Lo ngại về chất lượng nước, anh Trường không dám dùng nước giếng khoan để sinh hoạt, thậm chí khi dùng để tưới cây gia đình anh cũng dè dặt.

Theo tìm hiểu của phóng viên thì hầu hết nước giếng khoan của các gia đình (khoảng 400 gia đình) sống dọc bờ Ngòi Lao, sông Hồng (xã Bằng Giã) đều có hiện tượng tương tự. Người dân ở đây hoang mang không dám dùng làm nước sinh hoạt. Họ chấp nhận dùng can nhựa đi xin nước ở các vùng lân cận về dùng, thậm chí đi mua nước.

Được biết, nhiều tháng nay lo lắng cho sức khỏe bởi nguồn nước lạ, người dân xã Bằng Giã đã liên tục kêu cứu đến các cơ quan hữu trách địa phương. “Đến nay vẫn chưa có một cơ quan chuyên môn nào tại tỉnh Phú Thọ trả lời chúng tôi hiện tượng lạ ấy do đâu? Nguy hại thế nào đến sức khỏe con người? Có khuyến cáo cho người dân là có nên dùng thứ nước ấy hay không?”, một người dân tại xã Bằng Giã cho biết.

Trước hiện tượng này, UBND huyện Hạ Hòa đã có văn bản gửi Sở TN&MT, Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ nêu rõ: Trong thời gian gần đây, trên địa bàn khu 10, xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa (khu vực chân cầu Hạ Hòa) nguồn nước sinh hoạt tại các giếng đào, giếng khoan của một số hộ dân sau khi bơm lên mặt đất cho một lượng nước lá cây có vị chát (như nước chè, nước lá đơn đỏ…) thì nước chuyển sang màu tím đen, có mùi tanh không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân. Do hạn chế về chuyên môn, trang bị kỹ thuật nên đến nay, UBND huyện Hạ Hòa chưa xác định được nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm do tạp chất gì.

Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ánh Lộc - Chủ tịch UBND xã Bằng Giã cho biết, gần 10 năm trước, xã được một tổ chức phi chính phủ đầu tư công trình nước sạch với công suất có thể cung cấp cho hơn 200 hộ dân. Nhưng đến nay, do thời gian sử dụng kéo dài, công tác bảo trì, sửa chữa kém nên đã ngừng hoạt động. Đường ống vỡ, máy bơm rơi xuống giếng sâu 50-60m không thể lấy lên… khiến người dân không có nước sạch, phải đi xin nước ở khu vực khác về dùng, thậm chí đi mua. Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ đã cử đoàn công tác về lấy mẫu nước kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng về hiện tượng lạ trên.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news