Tin mới

Nước tiểu - "thần dược" trường thọ của cụ bà 104 tuổi?

Chủ nhật, 10/08/2014, 08:50 (GMT+7)

“Thần dược” trường thọ từ nước tiểu hỗn hợp của cụ bà Võ Thị Bài (104 tuổi) trong câu chuyện “tay không bắt cướp” nổi tiếng ở Đồng Nai vừa qua sẽ khiến nhiều nghe giật mình.

“Thần dược” trường thọ từ nước tiểu hỗn hợp của cụ bà Võ Thị Bài (104 tuổi) trong câu chuyện “tay không bắt cướp” nổi tiếng ở Đồng Nai vừa qua sẽ khiến nhiều nghe giật mình.

Bởi theo nguyên lý bài tiết, nước tiểu là loại nước bỏ đi, mất vệ sinh và có chứa độc tố gây hại… Tuy nhiên, các chuyên gia Đông y, Tây y có những kiến giải bất ngờ.

Nước tiểu trẻ em có tác dụng tốt cho phụ nữ

Sau khi đọc toàn bộ bài viết về “thần dược” trường xuân của cụ bà Võ Thị Bài 104 tuổi, ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, lương y Nguyễn Huy (Hà Nội) khẳng định: “Nước tiểu là một vị thuốc quý, đơn giản, không tốn kém mà từ ngàn đời nay cha ông ta đã sử dụng. Mãi sau này, người ta cho rằng dùng nước tiểu mất vệ sinh nên con người thời hiện đại mới bỏ không dùng nữa. Ngày tôi còn nhỏ, bố tôi cứ buổi sáng lại bắt tôi tiểu vào cái bát rồi cụ uống. Ngày ấy tôi không hiểu, cứ thấy “ghê ghê”, sau này tôi mới biết nước tiểu có thể dùng để chữa rất nhiều bệnh nếu biết vận dụng đúng người, đúng bệnh”.
Theo lương y Nguyễn Huy, ông là người kiểm nghiệm và từng dùng đến nước tiểu để tự cứu mình trong một vụ tai nạn. Cách đây vài năm, ông bị ngã xe trong đêm giao thừa. Lúc đó, ông cảm thấy tứ chi tê dại và buồn ngủ. Theo kinh nghiệm người làm thuốc, ông biết mình sắp ngất đến nơi nên bấm vào huyệt nhân trung để giữ thần trí tỉnh táo. 

"Sau khi được người thân đưa về nhà, tôi bảo con tiểu ra một cái bát và giã vào đó mấy miếng gừng tươi chắt nước để uống ngay. Sau khi uống thứ nước đó, tôi thấy cơ thể tạm ổn và ngủ một giấc. Sáng mai tỉnh dậy, tôi mới biết ngực trái bị nguyên cái ghi đông xe đập vào. Sở dĩ, tôi bảo con cho uống nước tiểu trong thời khắc nguy hiểm ấy vì biết trong nước tiểu có Amoniac, có tác dụng chống sốc rất tốt, làm cho người ta tỉnh nhanh và có thể dùng nó để cấp cứu”, ông Huy chia sẻ.

Lương y Nguyễn Huy cho biết bản thân ông đã thực nghiệm Công dụng của nước tiểu.


Lương y cũng cho biết, có rất nhiều vị thuốc trong Đông y được tẩm bằng nước tiểu. Ví dụ như bài “Tứ chế” nổi tiếng chữa bệnh xoang. “Tứ chế” tức là chia mẻ thuốc làm 4 phần: 1 phần để sống, 1 phần sao,1 phần tẩm rượu, 1 phần tẩm nước tiểu. Phần tẩm nước tiểu làm bằng cách phơi khô, ngâm nước tiểu 1 đêm, rồi lại phơi khô. Cứ như thế làm đi làm lại 3 lần rồi mới đem sao vàng trộn lại với 3 phần thuốc kia. 

Hay vị thuốc “Nhân trung bạch”, chính là cặn nước tiểu, dùng để chữa một số bệnh nội tiết. Ngoài ra, loại thuốc nhỏ mắt lông ngỗng của các cụ ngày xưa cũng có một phần nước tiểu.

“Đặc biệt, phụ nữ mới sinh sau khi sạch huyết uống 1-2 tháng nước tiểu sẽ thấy tác dụng tốt. Nước tiểu dùng để uống phải là nước tiểu trẻ con dưới 10 tuổi, bỏ đầu bỏ cuối lấy phần nước tiểu giữa lúc trẻ đang tiểu. Mỗi lần 1 bát, bỏ mấy lát gừng càng tốt. Việc uống nước tiểu nên thực hiện vào sáng sớm hoặc tối muộn trước khi đi ngủ, uống khoảng 300 ml", lương y Huy chia sẻ thêm. 

Theo ông Huy, nước tiểu có tác dụng phục hồi chức năng cho sản phụ, thực chất là phục hồi nội tiết sản phụ, giúp thận khỏe, chức năng sinh sản không bị tổn thương, chống bệnh hậu sản, rối loạn nội tiết tố. Sở dĩ nên uống nước tiểu trẻ em dưới 10 tuổi bởi chúng chưa có nội tiết tố. Còn nước tiểu của người trên 10 tuổi chỉ lấy để dùng làm thuốc cấp cứu, chống sốc và dùng làm vị Nhân trung bạch.

Trở lại với câu chuyện cụ bà 104 ở Đồng Nai thường xuyên uống nước tiểu bỏ một ít bột nghệ, một ít muối để chăm sóc sức khỏe hàng ngày, lương y Nguyễn Huy cho biết, nước tiểu có thể bỏ vào mấy miếng gừng hoặc nghệ vì chúng có tác dụng dẫn thuốc vào các bộ phận của cơ thể một cách mạnh và nhanh hơn. Còn cho muối thì không cần vì trong nước tiểu đã có đủ muối rồi. 
"Việc bà cụ ngày trẻ đang yếu ớt bỗng trở nên khỏe mạnh sau khi uống nước tiểu thì tôi không khẳng định hoàn toàn do nước tiểu, có thể đó là sự thay đổi của cơ thể người phụ nữ sau khi lập gia đình hay chế độ ăn uống… Tuy nhiên những khi sinh nở và lúc về già, cụ vẫn thường xuyên uống nước tiểu là rất tốt. Sức khỏe của cụ hiện tại chính là nhờ một phần ở loại nước này”, thầy thuốc này nói.

Chữa bệnh bằng nước tiểu trẻ em từng là một trào lưu

Trên thực tế, phương pháp chữa bệnh bằng nước tiểu đã có từ cách đây rất lâu, thậm chí còn rất phổ biến tại một số vùng ở Trung Hoa. Tân Hoa xã ngày 1/6/2001 cho biết, hơn 3 triệu người Trung Quốc đã uống nước tiểu của chính mình để chữa bệnh và giúp thân thể khỏe mạnh, cường tráng. Năm 1993, ông Trang Tây Dân ở tỉnh Tây An (Trung Quốc) là người đi đầu trong việc lập cơ sở chữa bệnh bằng nước tiểu. 
Người ta được thông báo là nước tiểu chứa rất nhiều thành phần hoạt tính có khả năng củng cố hệ miễn dịch, không chứa vi khuẩn và vệ sinh hơn máu. Hiện nay, nhiều người Trung Hoa vẫn khẳng định tác dụng của phương thuốc đơn giản mà thần kỳ này vì họ cho rằng nước tiểu không phải là một chất thải của cơ thể mà là những chất được lọc ra từ máu. 

Nước tiểu trẻ em là vị thuốc được lưu truyền trong dân gian từ lâu.


Tại Việt Nam, phương pháp này cũng từng là một trào lưu. Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM cho biết: “Việc sử dụng nước tiểu chữa bệnh đã từng rộ lên ở Việt Nam trong khoảng 20 năm và người ta đua nhau chữa bệnh bằng phương pháp này. Tuy nhiên do việc sử dụng bừa bãi không đúng cách nên khiến việc sử dụng nước tiểu không mang lại hiệu quả nhiều và đến nay đã lắng lại”.

Trong cuốn “Những Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, cố GS-TS Đỗ Tất Lợi cũng có ghi: “Nước tiểu còn gọi là đồng tiện, nhân niệu, luân hồi tửu, hoàn nguyên thang. Đồng tiện chỉ nước tiểu của trẻ em, thường là của bé trai dưới 12 tuổi, khỏe mạnh. Trong những tài liệu cổ, người ta dùng nước tiểu người lớn với tên “nhân niệu”. Rồi vì không coi nước tiểu người lớn là vị thuốc quý nếu biết dùng nên mới gọi là “luân hồi tửu” (thứ rượu uống vào, thải ra lại uống vào). 

Trong y học cổ truyền, nước tiểu có vị mặn, tính hàn (lạnh), có tác dụng chữa hàn nhiệt, đầu thống (đầu đau nhức), ho lâu mất tiếng, chủ yếu dùng chữa các chứng sốt rét, bổ âm, giáng hỏa, dùng ngoài xoa bóp khi bị ngã hay bị thương, bị đánh người thâm tím”. Cũng theo cố GS-TS Đỗ Tất Lợi, “còn nhiều công dụng của nước tiểu thấy ghi trong những sách cổ mà chúng ta chưa giải thích được cũng như chưa có điều kiện kiểm tra”.

Theo lương y Bảy, việc áp dụng nước tiểu trong chăm sóc sức khỏe tùy thuộc vào quan điểm và kinh nghiệm chữa trị của từng người nhưng chỉ nên sử dụng nước tiểu của trẻ em khỏe mạnh vì hệ tiêu hóa của các em thuần, miễn dịch tốt, không nhiễm tạp chất, lấy theo phương cách bỏ khúc đầu, khúc cuối, lấy khúc giữa dùng để sao tẩm thuốc (hương phụ tiện chế). Đồng tình với quan điểm này, lương y Nguyễn Huy cũng lưu ý, nước tiểu không phải là thuốc bổ mà gần như là thuốc bảo vệ và kích thích. 

“Đã gọi là thuốc hay thực phẩm chức năng thì bất cứ loại nào cũng phải có liệu trình và đúng người, đúng bệnh mới có hiệu quả tốt, nước tiểu cũng vậy. Với nước tiểu, chỉ nên dùng cho phụ nữ sau sinh và các cụ trên 70 tuổi, bởi chúng có thể giúp bổ sung nội tiết tố. Chỉ cần dùng 5-3 ngày lại nghỉ 15 ngày, không nên lạm dụng quá, sẽ thành dư thừa. Các cụ 90 tuổi có thể dùng dày hơn nhưng không nên dùng liên tục. Còn dùng để chữa bệnh kết hợp với các loại thuốc khác thì nên có sự chỉ định của các thấy thuốc”, lương y Huy khuyến cáo. 

Không nên tùy tiện dùng “thần dược” của cụ già 104 tuổi

TS. Bùi Mạnh Hà (Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, về bản chất, trong nước tiểu hầu hết là các chất độc mà cơ thể thải ra. Nước tiểu ban đầu có thể là vô trùng nhưng khi lần lượt đi qua bể thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo để ra ngoài thì đều có thể bị bội nhiễm thêm do đi qua những vùng viêm nhiễm và bệnh lý của các cơ quan đó. Do vậy, nước tiểu hứng được ở phía ngoài thì hơn 80% là không sạch. 

Mặt khác, nước tiểu vốn có nồng độ muối rất cao nên uống vào cũng không khác gì uống nước muối sẽ càng làm cho khát thêm và có nguy cơ giữ nước lại gây hại cho cơ thể (phù, cao huyết áp, suy tim...). Cho đến giờ vẫn chưa có bất cứ tài liệu y học nào chứng minh một cách khoa học rằng nước tiểu có tác dụng chữa bệnh hay bồi bổ sức khỏe. Vì vậy, y học hiện đại không hề khuyến khích dùng loại nước này”.






Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news