Trong cuộc chiến truy bắt tội phạm, có những trận đánh, chó nghiệp vụ của lực lượng bộ đội Biên Phòng được “tung” ra như một nhân tố cực kỳ quan trọng để đảm bảo cho sự thành công của chuyên án.
Đặc biệt, có chuyên án mấy tháng trời trinh sát phải “nếm mật nằm gai”, bám theo di biến động của nhóm đối tượng luôn kè kè súng, lựu đạn và “hàng trắng”, thế nhưng để quyết định thời điểm phá án không hề đơn giản. Cuối cùng, chó nghiệp vụ đã được lựa chọn để đối mặt với những “bóng ma” thoắt ẩn thoắt hiện giữa bóng đêm của núi rừng Tây Bắc.
Trận đấu sinh tử, đưa “bóng ma” ra ánh sáng
Những ngày cuối năm 2013, chúng tôi có dịp về thăm trường trường Trung cấp 24 Biên phòng (bộ Tư lệnh bộ đội Biên Phòng). Cận Tết Nguyên đán, các cán bộ và chiến sỹ nơi đây đang bận rộn với những công việc cuối năm để chuẩn bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chính trị trong năm 2014. Trao đổi với phóng viên, đại tá Phạm Văn Phương, Chính ủy Nhà trường cho biết: “Nhà trường vừa làm công tác đào tạo huấn luyện viên và huấn luyện chó nghiệp vụ tại chỗ, vừa phải tổ chức các cụm cơ động, sẵn sàng chiến đấu ở cả 3 miền Bắc - Trung – Nam”.
Qua câu chuyện của các anh, chúng tôi được biết, ngoài những nhiệm vụ khác, các chú chó nghiệp vụ của nhà trường đã từng tham gia vào nhiều chuyên án ma túy lớn. Trong đó, đối với thượng tá Nguyễn Văn Chiến - Phó hiệu trưởng trường Trung cấp 24 Biên phòng thì có lẽ trận đánh ma túy “khủng” ở bản Lắc Phương, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là đáng nhớ nhất. Địa bàn này nằm dưới chân núi Pha Luông, từ nhiều năm nay vốn được đánh giá là một trong những trọng điểm về hoạt động ma túy của miền Tây Bắc.
Huấn luyện chó nghiệp vụ “mật phục” trước khi nhận lệnh tấn công. |
Chính vì thế, muốn chặt đứt “chiếc vòi bạch tuộc” trong đường dây ma túy “khủng” xuyên quốc gia trên, lực lượng phá án phải nắm rõ địa hình hoạt động, quy luật vận chuyển “hàng” của chúng, từ đó mới tính đến kế hoạch tấn công.
Để huy động tối ưu lực lượng, cục Phòng, chống tội phạm ma túy (bộ Tư lệnh bộ đội Biên Phòng) phối hợp với Biên phòng tỉnh Sơn La và Đội chó nghiệp vụ của trường Trung cấp 24 Biên phòng để phá án.
Lần đó, thượng tá Nguyễn Văn Chiến là người trực tiếp chỉ huy 19 cán bộ, huấn luyện viên và 14 chó nghiệp vụ của đơn vị để tham gia vào trận đánh sinh tử. Chia sẻ với PV, thượng tá Chiến nhớ lại: “Để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ và an toàn tuyệt đối lúc “xung trận”, trước khi đánh án, chúng tôi đã phải 4 lần tiến hành khảo sát hiện trường. Qua đó, xác định vị trí phục kích. Sau đó, chúng tôi về Hà Nội, lựa chọn một địa điểm có địa hình tương tự với địa điểm đánh án, tất cả các lực lượng và chó nghiệp vụ phải tập luyện vất vả trong suốt một thời gian dài”.
Nhớ lại chuyên án đó, thượng úy Đào Duy Hà, giáo viên trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết thêm: “Thường thì chó nghiệp vụ khi ra trận, gặp đối tượng lạ thì hay sủa rất to. Chính vì thế, để đảm bảo thành công của chuyên án, chúng tôi phải huấn luyện để chó giữ im lặng không được sủa, tấn công đúng đối tượng khi có hiệu lệnh phát ra.
Kiên trì huấn luyện, các chú chó nghiệp vụ tham gia chuyên án đã giữ được “im lặng” suốt 8 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, chúng tôi còn phải huấn luyện kỹ sao cho mỗi con chó nghiệp vụ phải khống chế bắt được một đối tượng, cắn vào tay cầm súng và vận chuyển ma túy nhưng không gây nguy hiểm cho chúng. Sau khi mọi công việc chuẩn bị đã sẵn sàng, chúng tôi nhận lệnh lên đường đi Sơn La đánh án”.
Theo các cán bộ trường Trung cấp 24 Biên phòng, khoảng 3h sáng ngày 2/11/2009, thực hiện kế hoạch, lực lượng đánh án cùng với chó nghiệp vụ xuất phát từ Hà Nội trong những chiếc xe chuyên dụng, vượt chặng đường dài gần 300km để đến được vị trí tập kết. Khi đó, kim đồng hồ chỉ 18h.
Rất nhanh, ngay khi đến nơi, toàn đội hình đã triển khai vào đúng vị trí mật phục, chờ hiệu lệnh tấn công. Chính vì việc tính toán, căn thời gian rất chuẩn xác, chỉ vài phút sau, trong bóng tối yên tĩnh của núi rừng, bỗng xuất hiện 5 đối tượng khả nghi, chúng rọi đèn pin khắp nơi.
Vốn bản tính ranh ma, chúng bất ngờ tản ra các phía, không đi cùng nhau nữa. Lúc này, 2 đối tượng đã lọt vào trận địa phục kích của tổ công tác. Khi phát hiện có mùi lạ, chúng xả súng loạn xạ khắp nơi. Mệnh lệnh tấn công được phát ra, các chú chó nghiệp vụ lao vào, khống chế hai tên cầm súng.
Thượng tá Chiến kể lại: “Khi phát hiện chó nghiệp vụ tất công, các đối tượng bắn như vãi đạn. Thậm chí, chúng bị mất phương hướng, cứ giơ thẳng súng lên trời bắn loạn xạ. Thế nhưng, trước sự uy hiếp và tấn công của chó nghiệp vụ, hai đối tượng người Lào đã bị tóm gọn cùng với tang vật bị thu giữ là 50 bánh heroin, 400 viên ma túy tổng hợp và 2 khẩu súng K54, K59. Trận đánh đó, các cán bộ chiến sỹ và chó nghiệp vụ đều an toàn tuyệt đối”.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đến thăm và kiểm tra trường Trung cấp 24 Biên phòng. |
Bóc mẽ chiêu trò của 2 “ông trùm”
Trước đó, trong chuyên án khác, do bộ tư lệnh bộ đội Biên phòng phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông triệt phá cũng có sự tham gia rất hiệu quả của các chú chó nghiệp vụ trường Trung cấp 24 Biên phòng. Khi đó, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy của Bộ đội Biên phòng phối hợp với cảnh sát giao thông, khám xét một chiếc xe ô tô ở địa phận tỉnh Hòa Bình, nhưng không phát hiện dấu vết của “hàng trắng”, trong khi trinh sát báo về là có. Hai đối tượng ngồi trên xe ô tô tỏ ra vô cùng bình thản.
Lúc này, lãnh đạo trường Trung cấp 24 Biên phòng nhận được điện thoại đề nghị phối hợp phá án. Trường đã cử hai cán bộ đi xe máy, chở theo một chú chó chuyên được huấn luyện phát hiện ma túy, lên thẳng Hòa Bình, phối hợp phá án.
Khi lên đến nơi, chú chó nghiệp vụ sủa inh ỏi, báo hiệu phát hiện có ma túy ở trong xe. Lúc này, hai đối tượng bất ngờ đổi sắc mặt, tỏ ra luống cuống trước điều đó.
Sau khi kiểm tra kỹ các bộ phận khác trên xe, lệnh của chỉ huy ban chuyên án là phá bình xăng để kiểm tra. Thật bất ngờ, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 62 bánh heroin trong bình xăng chính của chiếc xe.
Những chiến công trên chỉ là lát cắt trong rất nhiều chiến công xuất sắc khác mà các huấn luyện viên và chó nghiệp vụ của trường Trung cấp 24 Biên phòng xứng đáng được vinh danh.
Tội phạm ngày càng tinh vi, lọc lõi Đại tá, tiến sỹ Phạm Văn Thùy – Hiệu trưởng trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết: “Trong tình hình mới, hoạt động của bọn tội phạm, nhất là tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, lọc lõi, sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng”, bắn thẳng vào huấn luyện viên và chó nghiệp vụ. Chính vì thế, đòi hỏi người huấn luyện viên phải tinh thông về nghiệp vụ, giỏi võ thuật, tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tế và nắm được âm mưu thủ đoạn của các loại tội phạm để xử lý tình huống linh hoạt, phù hợp với từng trận đánh. Về phía nhà trường, chúng tôi cũng luôn bám sát tình hình thực tiễn để đào tạo, huấn luyện chó nghiệp vụ, phục vụ cho những nhiệm vụ được giao phó”. |
Chí Công - ĐSPL